Chiến lược của Viglacera trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào mở rộng thị trường mới, phát triển các dòng sản phẩm xanh, đẩy mạnh xuất khẩu.
>>> Viglacera liên tiếp thu hút các dự án công trình xanh
Ngày 29/7/2024, tại Hà Nội, Tổng công ty Viglacera – CTCP tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (25/7/1974 – 25/7/2024).
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera - CTCP chia sẻ, 50 năm trước, Công ty Gạch ngói Sành sứ Xây dựng ra đời với nhiệm vụ sản xuất những sản phẩm vật liệu cơ bản để tái thiết và xây dựng đất nước sau khi được thống nhất. Bước sang giai đoạn đất nước “đổi mới”, phát huy vai trò tiên phong, Viglacera quyết tâm đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát… đầu tiên ở Việt Nam, thay thế hàng nhập khẩu. Sau đó Viglacera lần lượt chinh phục thành công các sản phẩm bê tông khí chưng áp (2010); tấm panel ALC (2018), kính tiết kiệm năng lượng Low-E và kính Solar Control (2016), kính siêu trắng & đá nung kết (2023).
Lĩnh vực bất động sản ở Viglacera khởi động vào năm 1998, đến nay mới có bề dày 26 năm nhưng đã kiến tạo nên những thành tựu rất đáng tự hào. Sở hữu 15 khu công nghiệp trong và ngoài nước, diện tích hơn 4000 ha, thu hút đầu tư tới 18 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 70%. Viglacera còn là nhà đầu tư của 18 khu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội; 1 khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao đạt chứng chỉ xanh EDGE Advanced bởi Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC).
Trong hành trình phát triển, trải qua nhiều lần thay đổi mô hình hoạt động, năm 2014, Tổng công ty chuyển đổi thành công từ doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đại chúng, Viglacera vẫn kiên định các mục tiêu chiến lược, tăng tốc đầu tư phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho Tổng công ty.
Đến nay, 10 năm sau cổ phần hóa, Tổng công ty Viglacera - CTCP không ngừng nỗ lực, thực thi hiệu quả nhiều giải pháp, tích cực chuyển đổi đầu tư sản xuất theo hướng phát triển xanh. Kết quả sản xuất kinh doanh cũng đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận: Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ tăng gấp 10 lần; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng xấp xỉ 3,5 lần; Tổng tài sản hợp nhất tăng xấp xỉ 2 lần; Vốn chủ sở hữu theo Báo cáo tài chính năm hợp nhất 2023 tăng hơn 3 lần. Tổng số tiền cổ tức tương ứng của phần vốn nhà nước từ khi Tổng công ty chính thức chuyển đổi thành CTCP (22/07/2024) đến nay là 2.165 tỷ đồng.
Nhận thức rõ sứ mệnh phục vụ sự phát triển của đất nước, trải qua nhiều thế hệ không ngừng nỗ lực, Viglacera nay trở thành Nhà sản xuất hàng đầu về vật liệu xây dựng và Nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, Nhà ở xã hội uy tín tại Việt Nam. Đến nay Viglacera là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, hạ tầng Khu công nghiệp và Nhà ở xã hội. Điều này là một sự động viên tới toàn thể đội ngũ Viglacera trong bối cảnh Kỷ niệm 50 năm thành lập.
"Chiến lược của Viglacera trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào mở rộng thị trường mới, phát triển các dòng sản phẩm xanh, có lợi thế tại thị trường trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm có giá trị cao sang các nước Mỹ và Châu Âu. Việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm xanh thân thiện môi trường sẽ luôn là ưu tiên, bởi đây vốn là ưu thế và cũng là tâm huyết của Viglacera hướng tới cộng đồng và mục tiêu Netzero chung toàn thế giới" - ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực và quyết tâm của Tổng công ty Viglacera trong việc triển khai các chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước và định hướng của Bộ Xây dựng. Theo Bộ trưởng, các hoạt động của Tổng công ty Viglacera đã và đang đóng góp tích cực cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành Xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ, năm 2024 và các năm tiếp theo được xác định là giai đoạn có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, nhưng thách thức cũng sẽ rất lớn đối với ngành Xây dựng nói chung và lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng như đầu tư, kinh doanh bất động sản nói riêng, đòi hỏi toàn Ngành phải có kế hoạch, cách thức triển khai các nhiệm vụ một cách chủ động; huy động và tận dụng được tối đa sức sáng tạo và sự nỗ lực, kiên trì của cán bộ, công nhân viên, người lao động và các Doanh nghiệp toàn Ngành.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm, lưu ý các nội dung: Một là, trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ Vật liệu xây dựng còn khó khăn như hiện nay cần tiếp tục nâng cao năng lực phân tích, dự báo các yếu tố thị trường, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các Vùng, các địa phương để linh hoạt bổ sung, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn và hàng năm phù hợp với các diễn biến của thị trường và điều kiện cụ thể của Công ty; quyết liệt triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, chi phí logistics; lưu ý sử dụng hiệu quả nhất nguyên liệu, vật liệu đầu vào và cả đầu ra của quy trình sản xuất; tăng cường nghiên cứu ứng dụng cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng; tham gia tích cực và đáp ứng mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn, phát thải thấp.
Hai là, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản, Tổng công ty cần rà soát, cơ cấu lại danh mục các dự án đầu tư với mục tiêu có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực theo nhóm các dự án; đặc biệt lưu ý ưu tiên tập trung nguồn lực trong nghiên cứu triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương có nhu cầu cao, đảm bảo chất lượng, hạ tầng đồng bộ, tiện ích phù hợp và hạ giá thành sản phẩm để thiết thực hưởng ứng và thực hiện có kết quả Chương trình phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hướng tới phát triển bất động sản xanh, thông minh, nhất là các Khu công nghiệp phục vụ cho sản xuất công nghiệp, công nghệ cao.
Ba là, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đất nước trong giai đoạn mới; tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của Tổng công ty. Quản lý, sử dụng hiệu quả vốn, tài sản nhà nước; tối ưu hóa lợi ích nhà nước. Giữ gìn, phát huy thương hiệu, truyền thống Viglacera. Tiếp tục quan tâm xây dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp có vốn nhà nước thông qua hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đất nước.
Bốn là, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ - kỹ thuật, không ngừng nỗ lực làm chủ những công nghệ mới, tiên tiến và phù hợp với chiến lược phát triển trong sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên. Trong đó, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống, và các sản phẩm xanh như thế mạnh sẵn có, cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất theo lộ trình một số các sản phẩm mới, đặc thù đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình ngày càng cao của ngành Xây dựng.
Năm là, tiếp tục quan tâm hơn nữa việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động để xây dựng tập thể đoàn kết, chung sức, đồng lòng, hăng say cống hiến, đổi mới sáng tạo, xây dựng Tổng công ty Viglacera ngày càng vững mạnh, giữ vững và phát huy thương hiệu, uy tín của Tổng công ty.
Cuối cùng cần quan tâm công tác xây dựng đảng, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đoàn thể đối với Công ty, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, điều hành, tiếp tục giữ vững là đơn vị chủ lực, đi đầu của ngành Xây dựng Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm