Tổng Công ty Viglacera vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm nay với lợi nhuận trước thuế đạt 1.663 tỷ đồng, hoàn thành 121% kế hoạch cả năm 2023.
>>>Bài học phát triển khu công nghiệp hiện đại nhìn từ Viglacera
Kết quả này chủ yếu được thúc đẩy bởi các tín hiệu tích cực từ mảng bất động sản khu công nghiệp với 1.350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (chiếm 81% tổng lợi nhuận).
Viglacera hiện là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất công nghiệp lớn nhất tại miền Bắc với 12 dự án khu công nghiệp (KCN) tổng diện tích 4.600 ha; 17 dự án khu đô thị, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Năm 2023, Viglacera đặt mục tiêu tập trung thu hút đầu tư tại một khu công nghiệp như: Tiền Hải (Thái Bình), Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Thuận Thành 1 (Bắc Ninh). Những khu công nghiệp này đều có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đón tiếp các doanh nghiệp đến thuê và xây dựng nhà máy.
Doanh nghiệp này hiện có 127 ha đất cho thuê ghi nhận trong kỳ, chủ yếu đến từ các khu công nghiệp: Yên Phong 2C, Yên Mỹ, Thuận Thành, và Phong Điền, cho loạt khách hàng lớn như Samsung, Amkor… với giá thuê trung bình là 110 USD/m2/chu kỳ thuê. Theo kế hoạch năm 2023, Tổng Công ty Viglacera sẽ ghi nhận 218 ha đất cho thuê, tăng 29% so với năm 2022. Phần diện tích KCN thương phẩm còn lại của Viglacera ước tính khoảng 1.139 ha. Tỉnh Bắc Ninh gần với tam giác trọng điểm kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Các KCN tại Bắc Ninh nói chung cũng như KCN của Viglacera tại Bắc Ninh nói riêng, đều ưu tiên phát triển các ngành chế biến chế tạo, điện tử, công nghiệp công nghệ cao.
Hàn Quốc được đánh giá là một trong những trọng điểm thu hút đầu tư tại Việt Nam. Tổng công ty Viglacera cho biết, đến nay, các khu công nghiệp do doanh nghiệp phát triển đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD. Viglacera đã tập trung nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khắt khe từ nhà đầu tư để trở thành lựa chọn của nhiều tập đoàn hàng đầu đến từ Hàn Quốc, thu hút thành công nhiều doanh nghiệp mạnh như: Samsung, Amkor, Hyosung, Kortek, Anam Electronics,…
Theo định hướng, đến năm 2025, Tổng công ty sẽ nâng tổng số các khu công nghiệp mang thương hiệu Viglacera lên con số 20 với trên 10 khu công nghiệp mới, tổng diện tích tăng thêm khoảng từ 2.000 - 3.000 ha để phát triển quỹ đất khu công nghiệp phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư.
Với nhiều tín hiệu tích cực, nhiều chuyên gia dự đoán doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Viglacera năm 2023 đạt lần lượt 13.071 tỷ và 1.036 tỷ đồng, tương ứng giảm 10% và 40% so với năm trước. Đồng thời các chuyên gia cũng dự phóng năm 2024 mới là năm đạt được kết quả khả quan hơn với mức doanh thu 16.369 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.425 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGC đã quay đầu điều chỉnh giảm sau khi đạt đỉnh 12 tháng. Kết thúc ngày 26/9, cổ phiếu VGC đạt 45.200 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu VGC đã tăng gần 50%. Về dài hạn, Tổng công ty Viglacera có thể duy trì biên lợi nhuận cao từ 740 ha đất KCN, cộng với việc công ty tiếp tục mở rộng sản xuất kính xây dựng (mở rộng kính siêu trắng tại nhà máy Phú Mỹ) và công suất đá granite và gốm (nhà máy Eurotile sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023).
Có thể bạn quan tâm