Không có hiệu quả kinh tế với dự án mỏ muối tại Lào, nhưng Vinachem lại khó có thể dừng dự án vì Tổng thầu TTCL - K.UTEC-CECO đã có văn bản không đồng ý chấm dứt hợp đồng với Vinachem.
Theo thông tin được công bố trước đây, dự án mỏ muối có phạm vi khai thác 10 km2, công suất 320.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 522 triệu USD, dự kiến được xây dựng trong 5 năm và tiến hành khai thác vào năm 2020. Trong đó Vinachem đóng góp bằng vốn tự có là 105 triệu USD và các nguồn vốn vay của ngân hàng thương mại của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
10:34, 18/02/2019
07:30, 05/09/2018
17:07, 11/08/2018
05:30, 08/08/2018
04:26, 28/06/2018
Các Ngân hàng tham gia tài trợ thu xếp vốn bao gồm: VDB 113 triệu USD (đã ký hợp đồng tín dụng); BIDV 161 triệu USD; Vietinbank 143 triệu USD. Việc các Ngân hàng lớn hàng đầu Việt Nam tham gia đồng tài trợ với giá trị 417 triệu USD (bằng 80% vốn đầu tư dự án) là sự khẳng định sự quyết tâm của Việt Nam, đáp ứng đảm bảo tài chính cho dự án. Dự án hoàn thành sẽ giảm đáng kể lượng phân bón kali nhập khẩu của Việt Nam và Lào, giải quyết khủng hoảng tình trạng thừa muối ăn, thiếu muối công nghiệp và muối chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Vinachem xét thấy nếu tiếp tục triển khai để đưa vào hoạt động thì hiệu quả của dự án sẽ không bảo đảm, thậm chí kể cả đời dự án sẽ tiếp tục lỗ. Nguyên nhân chính là giá thành đầu ra của muối mỏ kali Lào không được như mong đợi. Bởi khi làm dự án tiền khả thi, theo dự toán, lúc đó giá là 500 USD/tấn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay giá thành hạ xuống chưa được 300 USD/tấn, thậm chí có lúc xuống mức 250 USD/tấn.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cơ quan chức năng cần xem lại quy trình phê duyệt dự án đã thực hiện đủ các bước hay chưa? Và liệu có việc tập đoàn đưa ra báo cáo tiền khả thi chưa kỹ rồi “chạy” để được phê duyệt dự án. Sau đó, tập đoàn nhúng tay đầu tư, “mắc kẹt” rồi mới xin Chính phủ cứu.
Ông Thịnh khuyến nghị, nếu thấy sản phẩm không cạnh tranh với thị trường thì có giải pháp cắt lỗ, thậm chí dừng dự án, chứ không thể tiếp tục bơm tiền cho một dự án chết. Tuy nhiên, ông Thịnh cũng băn khoăn, muốn dừng dự án cũng không đơn giản vì Tổng thầu TTCL - K.UTEC-CECO đã có văn bản không đồng ý chấm dứt hợp đồng với Vinachem. Theo hợp đồng EPC đã ký kết thì chủ đầu tư và nhà thầu sẽ phải thương thảo, đàm phán, xử lý tranh chấp hợp đồng trong thời gian tới.
Tổng thầu TTCL - K.UTEC-CECO cho biết, đến tháng 7/2017, dự án đã thi công đạt khoảng 57% khối lượng hợp đồng EPC, nhưng Vinachem mới chỉ xem xét hồ sơ thanh quyết toán khoảng 16,25% khối lượng.