"Qua đại dịch COVID-19, chúng tôi rút ra kinh nghiệm, xây dựng kịch bản linh hoạt cho sản xuất là điều quyết sự thành công của Vinachem".
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về những kinh nghiệm được rút ra từ đại dịch COVID-19.
Ông Cường chia sẻ, theo nguyên tắc, không có một nhà máy nào có thể hoạt động liên tục được từ đầu năm đến cuối năm, mà phải có thời gian dừng để bảo dưỡng, từ trung tu đến đại tu toàn bộ máy móc. Nhưng tập đoàn đã không đi theo “lịch trình” này, đợi khi dịch COVID-19 lên đến cao điểm thì mới cho các nhà máy dừng hoạt động để bảo dưỡng. Khi COVID-19 “trùng xuống” sẽ sản xuất cao điểm, cao tải.
Kế hoạch mua nguyên vật liệu vào thời điểm nào, mua bao nhiêu cũng phải rất linh hoạt, không cứng nhắc thực hiện theo kế hoạch. Vì ngoài việc giá lên, xuống thì còn phải chịu lãi vay ngân hàng. Bên cạnh đó, sản xuất phân bón có đặc thù theo mùa vụ, Đông-Xuân khác Hè-Thu.
“Do đó, xây dựng kịch bản để dự báo và đáp ứng nhanh với thị trường, nguyên liệu, vật tư... là yếu tố quyết định kết quả kinh doanh của Vinachem trong năm 2020”, ông Cường bày tỏ.
Thực tế, năm 2020 có “quá nhiều” bất thường, nhưng theo ông Cường, Vinachem đã giải bài toán sản xuất kinh doanh, quyết định bán và mua hàng hóa vật tư ở thời điểm nào phù hợp... là do “tiếp thu” được từ đại dịch COVID-19.
Vẫn theo chia sẻ của ông Cường, tập đoàn đã “thu nhận” được rất nhiều bài học từ đại dịch COVID-19. Đó là phải giảm hàng tồn kho xuống mức thấp nhất, thậm chí tới đây sẽ có một số nhóm ngành sẽ phấn đấu không tồn kho hoặc chỉ ở mức tối thiểu. “Nếu có tồn kho cũng chỉ để trong vài ngày, có hàng là tiêu thụ ngay”, ông Cường nói.
Ông Cường dẫn chứng, Cao su Đà Nẵng, Cao su Miền Nam hiện đang phát triển hệ thống phân phối mới, đó là đưa thẳng đến tay người tiêu dùng, bỏ qua khâu trung gian, chỉ có một cấp đại lý.
Đánh giá về những khó khăn của Vinachem thời gian tới, ông Cường cho biết, giữ người lao động có tay nghề là vấn đề nan giải với Vinamchem, vì đang xảy ra tình trạng dịch chuyển lao động tại một số địa phương như Đà Nẵng hay Bình Dương.
“Vấn đề làm như thế nào để giữ chân được người lao động là bài toán không đơn giản hiện nay đối với Vinachem”, ông Cường bày tỏ.
Đối với vấn đề ổn định chính sách, ông Cường cho rằng, hiện nay tại các địa phương đang có xu hướng đô thị hóa, dẫn đến các khu công nghiệp cũ, như Biên Hòa 1, 2, Hóa chất Việt Trì (Phú Thọ)...đang phải chịu sức ép rất lớn về việc phải di dời nhà máy.
“Việc di dời các cơ sở công nghiệp trong đô thị là điều không tránh khỏi, nhưng cũng cần có chính sách hỗ trợ và lộ trình hợp lý. Vì đây là nơi tạo ra công ăn việc làm, sản phẩm đóng góp cho xã hội, cho nền kinh tế. Nếu không có chính sách hợp lý sẽ dẫn đến “hụt hẫng” cho doanh nghiệp vì bị mất thị trường, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến nền kinh tế”, ông Cường thẳng thắn.
Ông Cường dẫn chứng, tại Lào Cai, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam là một trong những đơn vị của tập đoàn có hệ thống đường sắt nội bộ phủ khắp các mỏ để vận chuyển quặng. Hệ thống này được thiết kế để kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia.
Tuy nhiên, do nhu cầu đô thị hóa nên tỉnh Lào Cai đang có kế hoạch yêu cầu Apatit và tập đoàn xem xét bỏ một số tuyến đường sắt. Và nếu bỏ thì bắt buộc doanh nghiệp phải vận chuyển bằng đường bộ.
Như vậy, ông Cường cho rằng, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do cước phí tăng lên. Trong khi lại gây lãng phí hạ tầng đường sắt, vì hệ thống này đã được kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia.
“Địa phương khi quy hoạch phát triển cũng cần tính đến các cơ sở công nghiệp đã có đóng góp cho sự phát triển ổn định của địa phương, không vì mục tiêu trước mắt như phát triển một khu đô thị hay khu dân cư mà thay đổi hệ thống đường sắt này”, ông Cường kiến nghị.
Hiện nay các địa phương đang chuyển mình rất mạnh mẽ, từ kinh tế nông nghiệp, công nghiệp dịch chuyển sang dịch vụ. Nhưng trong bài toán phát triển, theo ông Cường, các địa phương cũng cần phải tính đến hạ tầng đã đầu tư của những ngành công nghiệp, để từ đó có các giải pháp và lộ trình hợp lý, không nên thiên về một mảng lĩnh vực nào đó mà gây lãng phí cho xã hội. “Bỏ đi thì rất dễ, nhưng làm được một hệ thống đường sắt như hiện có là không đơn giản”, ông Cường bày tỏ.
Ông Cường đặt câu hỏi, nếu bỏ bớt mấy chục km đường sắt của Apatit Lào Cai sẽ đem lại cái gì? Lợi ích mang về khi bỏ đi hay giữ lại là bao nhiêu? Ông Cường đề nghị vấn đề này cần phải được xem xét đầy đủ ở các khía cạnh.
Nếu buộc phải bỏ đi thì cần có lộ trình để doanh nghiệp có phương án thích ứng, vì hệ thống này còn liên quan đến kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia, không chỉ thuần túy nội bộ đường đi “trong sân, trong nhà”.
Hay như với khu công nghiệp Biên Hòa, ông Cường cho biết, khu công nghiệp này được xây dựng từ rất lâu, bây giờ dịch chuyển thì phải có quỹ đất mới. Nhưng cũng phải phù hợp với cung đường vận chuyển, môi trường...để doanh nghiệp hoạt động.
Do đó, theo ông Cường, để đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp thì cũng cần phải có sự quan tâm của các cấp, các ngành trong lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm