Gần 1 năm cho vụ kiện giữa Vinasun và Grab, hội đồng xét xử vẫn chưa thể đưa ra kết luận.
Sự việc thể hiện tính quan trọng của vụ án, khi đây sẽ là án lệ để sau này quản lý kinh tế nền tảng - loại hình kinh tế mới khiến cả Thế Giới đang phải loay hoay.
Kinh tế nền tảng là gì?
10 năm trước, khi muốn đọc tin tức, ta sẽ vào trang báo nổi tiếng, đọc bài viết của những nhà báo có chuyên môn. Khi muốn bán hàng trực tuyến, ta sẽ phải lập cả 1 hệ thống website và vận hành từ marketing đến logistic. Khi Apple muốn có ứng dụng mới, họ sẽ yêu cầu đội ngũ lập trình của mình làm ngày đêm để phát triển kịp ứng dụng.
Ngày nay, ta sẽ lên Facebook đọc bài viết của bạn bè để cập nhập tin tức. Ta sẽ đăng sản phẩm của mình lên Tiki, Shopee và chỉ cần lo đến việc marketing. Apple App Store phát triển kho ứng dụng của mình qua hàng triệu lập trình viên trên khắp Thế giới.
Facebook, Tiki, Shopee, và Apple App Store là những công ty hoạt động theo mô hình nền tảng - mô hình được sinh ra trong thời đại Internet, và đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi kinh tế.
Cuộc lật đổ của những công ty nền tảng thể hiện ưu thế tuyệt đối của mô hình kinh tế mới này, so với mô hình truyền thống.
Một cách dễ hiểu, mô hình nền tảng là một môi trường trực tuyến giúp kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Thay vì tách bạch giữa công ty - người tạo gia giá trị và khách hàng - người mua giá trị như mô hình truyền thống, nền tảng cho phép mọi người tham gia đều có thể tạo và nhận giá trị lẫn nhau: Một người có thể vừa là người tiêu dùng đối với người này, nhưng vừa là nhà sản xuất đối với người kia.
Lấy ví dụ, Youtube là nơi ai cũng có thể là người sản xuất nội dung, và ai cũng có thể là người xem nội dung người khác sản xuất. Mỗi người đóng góp 1 ít, từ video hoạt hình cho con nít, tới video toán cao cấp cho sinh viên, nội dung chắc chắn đa dạng và nhiều hơn rất rất nhiều mọi công ty truyền hình truyền thống nào khác.
Với bản chất là 1 môi trường kết nối, các nền tảng cũng có lợi thế rất lớn trong việc vận hành và phát triển quy mô. Họ không tự vận hành, họ tạo ra cơ chế để tận dụng sự sáng tạo và sức lao động của mọi người trong nền kinh tế.
Đó là Amazon - ông trùm bán lẻ không sở hữu bất kỳ món hàng nào, Uber - ông trùm taxi không sở hữu bất kỳ chiếc xe nào, AirBnB - ông trùm khách sạn không sở hữu bất kỳ bất động sản nào v.v.. Chỉ cần đạt được hiệu quả mạng (network effect) tốt, 1 nền tảng có thể phát triển thành công ty tầm cỡ Toàn cầu trong 3,4 tháng, hoàn toàn không bị giới hạn bởi cơ sở vật chất và khoảng cách địa lý.
Cùng 1 triết lý, nhưng các công ty nền tảng có thể được chia ra làm nhiều mô hình khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất ở Việt Nam là 2 mô hình: Nền tảng giao dịch (Transaction platform) và Nền tảng sáng tạo - giao dịch (Integration platform).
Rất nhiều khái niệm mới trong tầm 10 năm trở lại đây. Nếu không nắm được rất khó để quản lý được.
Tại sao quản lý kinh tế nền tảng khó như vậy?
Những công ty nền tảng đã ra đời được cả thập kỷ. Nhưng cho đến tận gần đây, khi họ bắt đầu thống trị nền kinh tế thế giới, chúng ta mới giật mình nhận ra có quá nhiều lỗ hỏng trong cách quản lý loại hình kinh tế này. Đó là:
1,Quản lý sao cho vừa công bằng, vừa không làm mất bản chất nền tảng?
Đây là vấn đề đặc trưng của nền kinh tế giao dịch. Và tiêu biểu là Grab ở Việt Nam.
1 năm trời Vinasun kiện Grab vì cho rằng Grab đã lợi dụng lỗ hỏng chính sách để cạnh tranh không lành mạnh.
Có thể bạn quan tâm
17:30, 29/10/2018
11:15, 31/10/2018
13:00, 29/10/2018
16:39, 28/10/2018
Ở Việt Nam, Grab hiện được coi là 1 công ty công nghệ, họ chịu ít quản lý hơn, đóng thuế ít hơn taxi truyền thống. Họ còn có thể phát triển đội xe không giới hạn, và phá giá thị trường taxi mà không bị phạt.
Với kiểu quản lý như thế này thì taxi truyền thống gần như không có cách nào để cạnh tranh với taxi công nghệ. Nhưng nếu bắt xe Grab phải gắn mào taxi, tài xế phải được cấp phép và chịu quản lý lịch trình/thời gian lái xe như taxi truyền thống, thì không thể gọi là “chia sẻ tài nguyên lúc rảnh rỗi” nữa.
Hay như trường hợp Amazon với chương trình “Xuất bản sách trực tiếp cùng Kindle” (Kindle Direct Publishing - KDP). Đây là nền tảng giúp các tác giả có thể thoải mái đăng tải những quyển sách họ viết. Người đọc có thể chọn mua những quyển sách họ yêu thích dưới định dạng ebook hoặc giấy.
Nếu quản lý KDP như 1 công ty công nghệ, các nhà xuất bản truyền thống sớm muộn cũng sẽ phải chịu thua vì bất công trong chính sách. Nhưng nếu quản lý KDP giống như 1 nhà xuất bản bình thường, phải qua các khâu như kiểm duyệt, biên tập, xin giấy phép để xuất bản 1 quyển sách, thì KDP sẽ không còn là nền tảng giúp các tác giả “xuất bản trực tiếp” cho người đọc nữa.
2, Làm sao để thu thuế?
Những công ty nền tảng thường không đặt văn phòng đại diện tại mọi quốc gia họ kinh doanh. Internet có thể giúp họ ngồi ở Mỹ, điều hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, và trả lương cho đối tác tại Châu Âu.
Bài toán thu thuế vì vậy cũng tỏ ra rất khó khăn. Cụ thể, Facebook và Google kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm tại thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn chưa có cách nào thu thuế được 2 gã khổng lồ này.
Và dù bắt được họ đóng thuế rồi, rất khó để xác định được biên giới của lợi nhuận khi dòng tiền trên Internet có diễn biến rất phức tạp. Như Vương Quốc Anh, hằng năm chỉ thu được từ 2 ông lớn trên 7,4 triệu Bảng - con số không hề tương ứng với quy mô công ty.
3,Bảo vệ bản quyền trên các nền tảng như thế nào?
Khi với tính tự do sáng tạo nội dung, với các công cụ của nền tảng, bất kỳ ai cũng có thể vi phạm bản quyền. Đó có thể là hành động vô tình chia sẻ 1 bài nhạc bản quyền lên trang Youtube cá nhân, hay hành động cố tình sao chép bài viết của người khác trong website của mình.
Giới thực thi luật và các nền tảng dường như đang khá bất lực, khi những hành vi vi phạm ngày càng nhiều, và phương pháp lách các thuật toán kiểm duyệt ngày càng tinh vi. Vi phạm bản quyền làm tổn hại không ít tới các nhà sản xuất nội dung gốc. Đặc biệt làm chao đảo cả ngành báo chí.
Những lỗ hỏng trong quản lý đang gây ra sự bất công to lớn trong nền kinh tế, làm thiệt hại nhiều bên liên quan, trong đó có cả việc làm nhà nước thất thu. Tuy nhiên, vì thiếu cơ sở để so sánh và dự đoán, nên các nước trên thế giới đang rất dè chừng khi đưa ra những đạo luật mới trong việc quản lý nền kinh tế nền tảng.
Những giải pháp tạm thời
Singapore cố gắng quản lý dung hoà Grab. Họ gọi Grab là “Xe cá nhân cho thuê”. Họ bắt các tài xế phải có giấy phép hành nghề, phải đóng bảo hiểm/thuế đầy đủ, xe dùng để chạy Grab phải dán tem do bộ vận tải cấp phép. Họ cũng từng phạt Grab 9.5 triệu USD vì hành vi độc quyền trong ngành taxi. Tuy không hoàn toàn đối xử như taxi truyền thống, nhưng Singapore đã phần nào đảm bảo được công bằng cho taxi truyền thống.
Anh ra một đạo luật mới để đánh thuế các công ty công nghệ hợp lý hơn. Các công ty sẽ phải nộp thuế thêm 2% trên doanh thu họ kiếm được tại Vương Quốc Anh: Lợi nhuận thì có vẻ rất phức tạp, nhưng doanh thu thì lại dễ tính hơn nhiều.
Về vấn đề bản quyền, EU đã ban hành luật nhằm bảo vệ báo chí, bao gồm hai quy định: Khi nội dung của bên khác được chia sẻ trên nền tảng, các nền tảng phải trả phí cho những nội dung này. Và các nền tảng cũng phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm bản quyền (thay vì chỉ cá nhân vi phạm như trước kia).
Tuy những đạo luật này đã giúp cân bằng nền kinh tế, nhưng chúng chỉ là giải pháp tạm thời và đơn lẻ, trên thực tế có không ít những ý kiến phản đối. Thời gian sắp tới cả Việt Nam lẫn thế giới đều phải gấp rút hình thành khung pháp lý, để quản lý hiệu quả những loại hình kinh tế mới mà không ngăn chặn sự phát triển của chúng.