Ngày 28/11/2020, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các bộ, ngành tổ chức Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”
Chương trình này nhằm hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32), đánh dấu một mốc quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Tuy còn nhiều khó khăn, song tỷ lệ ngân sách đảm bảo các chính sách an sinh xã hội ngày càng tăng, hiện đã tới hơn trên 35.000 tỷ đồng. Thực hiện lời kêu gọi cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, các chương trình, phong trào vận động đã được phát động sôi nổi trong cả nước, huy động cả xã hội chung tay chăm sóc những người yếu thế.”
Trong số 400 đại biểu tới dự lễ tuyên dương, có 197 người là nữ, 20 đại biểu là cá nhân, doanh nghiệp đóng góp lớn, 300 đại biểu là những người dân không giữ một chức vụ nào, đang sinh sống trên khắp mọi miền đất nước.
"Đó có thể là những thầy cô miệt mài dạy chữ, nhân viên y tế sát cánh bên những bệnh nhân nghèo, người miệt mài với chuyến xe cứu thương miễn phí trong đêm đông, người cho đi từng giọt máu mang lại niềm hi vọng cho người bệnh... Đây là cuộc gặp gỡ của hàng trăm câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tiêu biểu như ông Hồ Văn Thương, trong 24 năm qua, ông đã tận tâm tận tụy chăm lo 4.000 phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ của huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng, tỉnh Long An. Ông là tấm gương tiêu biểu cho hàng ngàn các bác, các chú, các anh không quản ngày đêm, vất vả, âm thầm chăm sóc nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ.
Bà Lê Thị Thanh Thủy, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đang tổ chức và duy trì việc nuôi hàng tháng 68 trẻ em tàn tật là nạn nhân chất độc da cam và mở quán cơm từ thiện Nghĩa Tình, phục vụ miễn phí cho người nghèo khó, cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam, cho người tàn tật, bệnh nhân nghèo tại thành phố Vũng Tàu với số tiền bỏ ra đến nay lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hay như ông Bùi Công Hiệp, phường Long Phước, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, một cựu chiến binh tình nguyện cùng gia đình trong hơn 10 năm qua đã nuôi dạy hơn 100 trẻ bị bỏ rơi, bé nhỏ nhất mới vài tháng tuổi, lớn nhất đã 8 tuổi. Năm 2019, ông quyết định dành 2.500 m2 đất cùng căn nhà trị giá hơn 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi. Được sự ủng hộ của chính quyền, ông đã mở nhà mái ấm mang tên “Thiên thần”, thuê 10 bảo mẫu, ngày đêm chăm sóc các cháu.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng, chủ cơ sở trợ giúp Hòa Hảo 133B Phan Văn Đáng, ấp Rạch Bẩy, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cũng tự xây dựng cơ sở chăm sóc miễn phí người cao tuổi lang thang, không nơi nương tựa. Cơ sở hiện nay tiếp nhận 76 cụ, trong đó 37 cụ nằm liệt giường, mắc nhiều bệnh tật. Hàng ngày, cơ sở còn phục vụ cơm cháo miễn phí cho Bệnh viện Đa khoa Nhơn Trạch một tuần 5 ngày, mỗi ngày 180 xuất cơm, vận động bà con tham gia hiến máu tình nguyện được 75 đơn vị máu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Các cô, các chú tham dự chương trình này là những bông hoa đẹp của tinh thần nhân ái của dân tộc, giúp hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của những người yếu thế. Đây là lời động viên cho những hành trình thiện lương trong cuộc đời.”
Trong buổi lễ, Ban tổ chức đã tuyên dương nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong công tác an sinh, phúc lợi xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trực tiếp trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; vợ chồng ông Lê Văn Kiểm, Ủy viên Ban thường vụ Hội Chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam; bà Trần Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành.
Cũng tại lễ tuyên dương, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự xúc động, sự tri ân đối với 400 tấm gương được tôn vinh tại buổi lễ.
Ghi nhận sáng kiến tốt đẹp của Bộ Lao động trong thực hiện hoạt động phát triển nghề công tác xã hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung chăm lo các đối tượng là người có công, trẻ em, nguời cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 6,4 triệu người khuyết tật, 2 triệu trẻ em nghèo, các hộ nghèo và những người yếu thế trong xã hội.
Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu có chính sách, giải pháp để đảm bảo người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của xã hội, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tri ân thương bệnh binh và người có công
07:00, 27/07/2019
Dành hơn 355,4 tỷ đồng tặng quà cho người có công
17:52, 12/06/2018
Cùng người khuyết tật khởi nghiệp
05:06, 02/04/2020
Quà Tết ấm áp tình nghĩa đến với người khuyết tật và trẻ mồ côi
23:09, 16/01/2020
VCCI Thanh Hóa: Đào tạo Khởi sự kinh doanh dành cho người khuyết tật
12:02, 21/11/2019