Dù VN-Index đã vượt qua mức 1.000 điểm, nhưng tại mức này, áp lực chốt lời của các nhà đầu tư có thể sẽ gia tăng.
Trong phiên giao dịch ngày 25/11, VN-Index đã vượt ngưỡng 1.000 điểm, đây là phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp. Như vậy, chỉ số này đã tăng khoảng 3,6% so với cuối năm 2019.
Điểm nhấn quan trọng trong giai đoạn vừa qua chính là thanh khoản của thị trường. Trong 7 phiên liên tiếp, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HoSE đạt gần 9.000 tỷ đồng/phiên- mức cao nhất trong lịch sử. Dòng tiền này lan tỏa mạnh đã kéo giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu ngành thép, như HPG, HSG, VIS, POM, NKG…
Vấn đề đặt ra là liệu VN-Index có trụ vững trên mức 1.000 điểm? Xét về kỹ thuật, thị giá cổ phiếu giai đoạn hiện này thấp hơn rất nhiều so với cuối năm 2017. Với dòng tiền khổng lồ như hiện tại, cộng với lãi suất tiền gửi ngày càng thấp, sẽ kích hoạt một nhịp tăng trước khi thị trường điều chỉnh.
Trên thực tế khi VN-Index vượt 1.000 điểm, thì áp lực điều chỉnh có thể sẽ gia tăng, khiến chỉ số giảm trở lại, bởi một số lý do sau: Thứ nhất, TTCK Việt Nam bất ngờ tăng tốc mạnh cùng với nhiều TTCK khác từ cuối tháng 10 đến nay tiềm ẩn áp lực chốt lời. Thứ hai, giá nhiều cổ phiếu đã tăng gấp 2- 3 lần, thậm chí 4 lần và vượt qua các mức định giá tích cực nhất. Nhiều công ty chứng khoán đánh giá giá nhiều cổ phiếu đã phản ánh cả định giá của năm 2021. Thứ ba, nếu TTCK toàn cầu điều chỉnh thì TTCK Việt Nam khó có thể tăng tiếp. Những yếu tố này sẽ khiến những NĐT thận trọng tiếp tục nhẫn nhịn chờ đợi cơ hội hơn là mua đuổi.
Với kỳ vọng lớn lao cho năm 2021, TTCK nếu có nhịp điều chỉnh, sẽ mang nhiều tính tích cực hơn là rủi ro. Chỉ cần KQKD quý 4/2020 tích cực thì dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào thị trường. Tuy nhiên trong ngắn hạn, những NĐT mua bán liên tục, sử dụng đòn bẩy quá mức, sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.
Có thể bạn quan tâm