Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2019.
Theo đó, sự kiện khai trương trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công được bình chọn là sự kiện tiêu biểu trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng.
Là nền tảng tích hợp, chia sẻ, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, Trục liên thông văn bản quốc gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.
Đây là nền tảng cho vấn đề kết nối, chia sẻ, là một trong bước đi của quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số; tạo ra môi trường điện tử thông suốt từ Trung ương tới địa phương, gửi và nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước.
Hiện đã có 95/95 các cơ quan, bộ, ngành, địa phương kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia do VNPT xây dựng. Các phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước. Với những tính năng nổi trội và hiệu quả trong ứng dụng thực tế, Trục liên thông văn bản quốc gia vừa được vinh danh hạng mục Giải Vàng danh giá trong khuôn khổ Giải thưởng Kinh doanh quốc tế Stevie Awards 2019.
Chính thức được vận hành từ ngày 09/12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; hướng tới nâng cao sự phục vụ của nhà nước với người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn; thúc đẩy cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên hiệp quốc.
Tại thời điểm khai trương có 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: Đổi giấy phép lái xe, Thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; Dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), Dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Có 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ gồm: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế, Đăng ký khuyến mãi, Nhóm dịch vụ về Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta cũng thí điểm thực hiện tích hợp, cung cấp thêm một số nhóm thủ tục hành chính ở một số địa phương như: Đăng ký khai sinh ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng; Liên thông đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế ở Thành phố Hồ Chí Minh; cấp bản sao trích lục hộ tịch ở Hà Nội,…
Theo tính toán chỉ riêng với những dịch vụ đang được triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong Quý I năm 2020, Văn phòng Chính phủ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.
Là đơn vị phát triển và vận hành hệ thống kỹ thuật Cổng dịch vụ công quốc gia, VNPT đã bố trí hệ thống hiện đại trên hạ tầng VNPT-IDC: Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3 kết nối 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam; thực hiện công tác giám sát 24/7; huy động nguồn lực là các chuyên gia về an toàn thông tin ứng trực trong việc giám sát đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống.
Việc liên tiếp được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế và các sự kiện khoa học công nghệ cho các giải pháp CNTT sáng tạo, đột phá cho thấy vai trò dẫn dắt của Tập đoàn VNPT trong việc định hướng xây dựng giải pháp, dịch vụ số trên thị trường viễn thông công nghệ trong nước. Hiện nay, VNPT đang có chiến lược đầu tư và phát triển hệ sinh thái ở nhiều lĩnh vực nhằm chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số, sát cánh cùng Chính phủ xây dựng hàng loạt giải pháp công nghệ và hiện thực hoá Đề án Chính phủ điện tử tại Việt Nam.