Tài chính doanh nghiệp

VNS xoay xở giành lại thị phần

Hà Phương 25/05/2025 16:09

Công ty Cổ phần Ánh Dương (Vinasun, HoSE: VNS) đã và đang đầu tư hệ thống xe mới và tái cơ cấu phương thức kinh doanh nhằm giành lại thị phần đã mất.

Bieu do T7
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VNS qua các năm.

VNS với thương hiệu lớn là Vinasun, từng là hãng taxi lớn nhất Việt Nam với hàng ngàn đầu xe và thị phần thống trị tại TP HCM. Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng nền tảng xảy ra với ngành vận tải, VNS đã chậm chân và đánh mất thị phần vào tay các đối thủ như Grab, Be, Xanh SM…

Lợi nhuận suy giảm

Theo báo cáo tài chính quý 1/2025, doanh thu thuần đạt 234,39 tỷ đồng, giảm 15,88% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính tăng 40,33% so với cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay tăng 40,43% so với cùng kỳ. Dù chi phí quản lý giảm 11,31% và chi phí bán hàng giảm 12,69% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế quý 1/2025 của VNS chỉ đạt 14,15 tỷ đồng, giảm 35,74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, sau khi thua lỗ do dịch Covid-19, năm 2022 VNS báo lãi 186,8 tỷ đồng. Giai đoạn 2023 - 2024, Công ty vẫn báo lãi nhưng lợi nhuận đi xuống: năm 2023, lãi 151,2 tỷ đồng, giảm 18,4% so với năm 2022; năm 2024, lãi 84,07 tỷ đồng, giảm 44,4% so với năm trước đó.

Dù tình hình kinh doanh suy giảm nhưng trong những năm qua, VNS vẫn là doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông, với tỷ lệ khá hấp dẫn. Trong đó, tỷ lệ cổ tức năm 2022 là 8%, cổ tức năm 2023 lên tới 45% và cổ tức năm 2024 là 15%. Năm 2025, Công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch cổ tức 10%, tương ứng mức chi khoảng 67,9 tỷ đồng.

Với việc liên tục chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao, khoản mục lãi luỹ kế cũng như quỹ tiền mặt của Công ty suy giảm mạnh. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới việc tái đầu tư của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn khi thiếu vốn cho dự án đầu tư xe thế hệ mới.

vns2.jpg

Áp lực cạnh tranh lớn

Nhiều năm qua, VNS vẫn đầu tư xe mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và tập trung vào thị trường truyền thống, như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng. Riêng năm 2025, Công ty lên kế hoạch đầu tư khoảng 400 xe, chủ yếu là dòng xe cao cấp hybrid của Toyota, đồng thời thanh lý, bán trả chậm khoảng 500 xe. Tổng số xe dự kiến hoạt động tới cuối năm 2025 là 2.368 xe (trong năm 2024, đội xe của VNS đã giảm 6,6% xuống 2.418 xe).

Trên thực tế, taxi là một ngành kinh doanh rất khó khăn trong những năm gần đây khi xuất hiện các ứng dụng gọi xe công nghệ. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sử dụng xe điện thân thiện với môi trường và tiết kiệm nguyên liệu của VinFast, thị trường taxi có thêm nhiều hãng taxi mới gia nhập, đẩy các doanh nghiệp kinh doanh xe taxi truyền thống như VNS vào thế đã khó lại càng khó hơn.

Báo cáo từ Mordor Intelligence dự báo quy mô thị trường taxi Việt Nam đạt 1,33 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục tăng lên 3,7 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, bộ ba Xanh SM, Grab và Be đang là các ứng dụng chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Các nền tảng khác (kinh doanh ngành nghề taxi truyền thống) xếp ở nhóm cuối, gồm Mai Linh và VNS.

Trong khi đó, các nền tảng công nghệ đem đến những trải nghiệm mới cho khách hàng thông qua tích hợp nhiều dịch vụ, hay tiên phong về xu hướng xe điện, thì taxi truyền thống như VNS chỉ dựa vào lợi thế mạng lưới lâu đời, đội ngũ lái xe được đào tạo bài bản và độ nhận diện thương hiệu.

Tại ĐHĐCĐ mới đây, ông Trần Anh Minh, Phó Tổng giám đốc VNS, chia sẻ doanh nghiệp này đang ở trong thế có nhiều sức ép, khi trong 2 năm qua Xanh SM đã tăng vốn điều lệ lên 18.000 tỷ đồng, Grab cũng đã huy động đến 12 tỷ USD… Hiên nay, vốn chủ sở hữu của VNS chỉ hơn 1.100 tỷ đồng, gần như rất khó tái đầu tư với quỹ tiền hạn hẹp như vậy.

Thách thức giành lại thị phần

ĐHĐCĐ VNS đã thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 1.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt hơn 53,63 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và 36% so với thực hiện năm 2024.
Trước áp lực cạnh tranh và nhằm thay đổi phương thức kinh doanh, VNS dự kiến đầu tư dòng xe Hybrid Toyota, thay thế dần dòng xe sử dụng xăng. Đây là bước đi mang tính chiến lược, đáp ứng xu hướng tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải theo yêu cầu của xã hội, khách hàng và cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, giá xe Hybrid hiện cao hơn khoảng 1,4 - 1,5 lần so với xe sử dụng xăng, kéo theo chi phí khấu hao và giá vốn tăng. Trong khi đó, giá cước VNS vẫn được giữ ở mức cạnh tranh, tương đương xe xăng và có thể so sánh với xe điện – một nỗ lực lớn nhằm không gây áp lực lên người tiêu dùng.

Do đó, việc chuyển đổi sang xe Hybrid là thách thức lớn đối với VNS, nhưng cũng là cách để doanh nghiệp này nâng cao chất lượng phục vụ - yếu tố sống còn giúp VNS tạo khác biệt trên thị trường taxi truyền thống. Đây không chỉ là bài toán chi phí mà còn là câu chuyện về vị thế thương hiệu và khả năng thích ứng dài hạn với thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VNS xoay xở giành lại thị phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO