"Vỡ trận" tiến độ thu phí không dừng: Chủ trương đúng vì sao lại chậm chạp?

Diendandoanhnghiep.vn Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến hạn phải hoàn thành dự án thu phí không dừng, Bộ GTVT bất ngờ kiến nghị xin gia hạn ngày “về đích”...

sff

Như vậy, dự án thu phí tự động không dừng đã chính thức "vỡ trận" tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng là trước 31/12/2019.

Kiến nghị của Bộ GTVT nằm trong văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai dự án thu phí tự động không dừng mới được Bộ GTVT gửi đi. Theo đó, Bộ này xin Chính phủ gia hạn tiến độ thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 và các trạm của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đến năm 2020.

Xin gia hạn trước giờ "G"

Theo Bộ GTVT, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT do Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được chia làm 2 dự án.

Dự án giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Đến nay, đã lắp đặt, vận hành 25/26 trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác.

Bộ GTVT cho biết, đối với 5 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý, chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị, dự kiến vận hành trong năm 2019. Bốn tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn để thực hiện nên không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 (trừ 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý) đã thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT cho biết có tổng số 33 trạm, bao gồm: 10 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án đã lựa chọn được liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Vietinf và một số doanh nghiệp công nghệ khác là nhà đầu tư thực hiện dự án từ tháng 5/2019.

"Hiện nay, nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định. Việc chưa thành lập được doanh nghiệp dự án ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện do nhà đầu tư chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các bước tiếp theo. Với tiến độ thành lập doanh nghiệp dự án chậm như hiện nay, dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bộ GTVT báo cáo.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT cho biết sẽ tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, vận hành các trạm thu phí. 

Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT sẽ phối hợp với nhà đầu tư dự án tập trung hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận để xuất của Bộ Quốc phòng cho phép Tập đoàn Viettel được thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

"Đồng thời, gia hạn thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí thuộc giai đoạn 2 và các dự án cao tốc do VEC quản lý sang năm 2020", Bộ GTVT kiến nghị.

Trước đó, Công ty TNHH thu phí tự động VETC, đơn vị được Bộ GTVT ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 sau 05 năm “ôm” và “ngâm” dự án cũng vừa có văn bản xin thôi không làm dự án nữa.

Lý do đơn vị này đưa ra là sau 5 năm triển khai dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1, hiện vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT không chịu hợp tác trong triển khai thu phí tự động, điều này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Do đó, VETC đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án này để tiếp tục triển khai. Hoặc Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp trong tháng 12/2019 trong trường hợp những tồn tài và khó khăn nêu trên không được giải quyết.

Nếu bắt buộc phải tiếp tục thực hiện dự án, VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án.

Như vậy, dự án thu phí tự động không dừng đã chính thức "vỡ trận" tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng là trước 31/12/2019, tất cả các trạm thu phí trên cả nước phải lắp đặt và vận hành làn thu phí không dừng. 

Ai chịu trách nhiệm?!

TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi các bộ ngành, trực tiếp là Bộ GTVT phải làm rõ vì sao một chủ trương đúng đắn như vậy lại triển khai chậm chạp. Phải tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và phải có người chịu trách nhiệm.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp (Đại học Xây dựng Hà Nội), nguyên nhân của sự chậm trễ trên chính là do mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và quản lý nhà nước

Ông cho biết, người cầm trịch ở đây là Bộ GTVT. Nhà nước đã quyết và giao quyền cho Bộ GTVT, Bộ chỉ đạo cấp dưới thực hiện, nếu không thì phải có biện pháp bắt buộc phải thực hiện.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy đặt ra câu hỏi: ai phải chịu trách nhiệm khi dự án không thành công? "Nếu có một chế tài rõ ràng: không thực hiện được dự án thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, bị xử lý như mất chức thì tôi tin rằng tất cả sẽ thực hiện răm rắp. Nhưng thực tế có làm được như vậy không, hay chỉ giơ cao đánh khẽ và có cái gì không lành mạnh trong đó?", TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Theo phân tích của chuyên gia giao thông, vướng mắc đang tồn tại ở dự án thu phí không dừng hiện nay xuất phát từ Bộ GTVT và cũng chỉ cơ quan này mới giải quyết được. Đó là bài toán làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư thiết bị thu phí không dừng.

Có thể thấy, tranh cãi giữa các bên xảy ra trong thời gian qua đều xuất phát từ câu chuyện lợi ích. Ban đầu nhà đầu tư BOT phản ứng vì cho rằng phần trăm trích lại cho VETC là quá cao cùng với nhiều ưu đãi khác mà Bộ GTVT dành cho đơn vị này. Sau đó đến lượt VETC đòi trả lại dự án cũng không ngoài câu chuyện lợi ích.

“Bộ GTVT phải thật sáng suốt và công minh để đưa ra phương án tháo gỡ này” – TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông nhận định.

Dịch vụ thu phí tự động đường bộ áp dụng công nghệ RFID để nhận diện phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ định danh được dán lên kính hoặc đèn xe. Từ đó, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking...

Theo kế hoạch, 44 trạm BOT trên cả nước đều phải triển khai làn thu phí tự động không dừng trước 31/12/2019 và một thẻ có thể đi qua tất cả trạm. Những xe mua vé tháng, vé quý đều phải dán thẻ thu phí không dừng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "Vỡ trận" tiến độ thu phí không dừng: Chủ trương đúng vì sao lại chậm chạp? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711677004 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711677004 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10