Ngày càng nhiều trường hợp luân thường đạo lý bị gạt bỏ, hậu bối xem tiền tài quan trọng hơn cha mẹ, tổ tiên.
Đây là câu chuyện cổ tích: Ngày xưa, ở ngôi làng nọ có một gia đình tam đại đồng đường (3 thế hệ sống chung) rất nghèo, họ không đủ lương thực và thường xuyên phải nhịn đói. Một ngày nọ, người cha bảo đứa con, cha con ta làm cái chõng để khiêng bà đi.
Đứa con tuy chưa biết mục đích của cha là gì nhưng vẫn tuân lệnh. Hai cha con khiêng bà đến bìa rừng, người cha dừng lại và nói, nhà ta đói khổ quá, nếu không có bà thì sẽ đỡ đói hơn!
Đứa con vẫn im lặng cùng cha quay về, đi được một quãng, đứa con như nhớ ra chuyện gì nên quay lại chỗ cũ. Thấy vậy, người cha đuổi theo hỏi: Con quay lại đây để làm gì?
Đứa con bình thản đáp, con lấy lại cái chõng, lỡ sau này gia đình mình thiếu lương thực thì con lại dùng cái chõng này mang cha lên đây! Nghe vậy, người cha rụng rời tay chân, sợ báo ứng nên cõng bà về nhà. Từ đó ông ta không dám nghĩ đến ý định ruồng rẫy mẹ già nữa.
Còn đây là câu chuyện tôi mới chứng kiến ngày mấy hôm trước: Anh Minh (tên nhân vật đã được thay đổi) năm nay 55 tuổi, người phong độ, trẻ trung, anh có 4 đứa con, 3 gái, 1 trai.
Thằng con trai là đứa lớn nhất, có một lý lịch ăn chơi phá tán có tiếng tăm ở làng, ngoài 30 tuổi, vợ thứ nhất bỏ đi vì lấy phải người đàn bà lăng nhăng. Chán lang bạt tứ xứ, nó về quê lấy vợ và sống chung với anh Minh.
Từ ngày con trai lấy vợ 2, gia đình anh Minh chìm ngập trong cảnh “nồi da nấu thịt” tính cọc cằn thô lỗ - nó không chừa một ai, nhiều lần vợ chồng anh Minh cắn răng chịu đựng vì sợ mất mặt với chòm xóm.
Cách đây mấy hôm anh Minh bỏ nhà ra đi, bỏ nhà cao cửa rộng, ngày ngồi quán cà phê, hết ngày ăn cơm bụi, lang thang nhà bạn bè để nguôi bớt nỗi buồn vô tận - bị thằng con trai đuổi ra khỏi nhà. Trước đĩa cơm khô quắt, anh đăng dòng trạng thái xót xa “Cơm chan nước mắt”.
Mọi việc, theo tôi có ngày càng nhiều trường hợp luân thường đạo lý bị gạt bỏ, hậu bối xem tiền tài quan trọng hơn cha mẹ, tổ tiên. Ba mẹ anh Minh có 8 người con, anh là con trưởng, ông bà tuy có nhà riêng nhưng mười mấy năm trời già yếu sống không bằng chết vì ai cũng nghĩ “đó không phải là nhiệm vụ của mình”, ông bà lần lượt ra đi trong thiếu thốn cô quạnh.
Anh Minh sống cách ông bà vài cây số nhưng thỉnh thoảng mới ghé về thăm, mang tiếng đông con nhiều cháu nhưng ông bà thường xuyên thiếu nước, đói cơm, tình cảm gia đình ruột rà là thứ rất xa xỉ. Nội bộ anh em thường lục đục, bất kính với cha mẹ, ông bà, gây ra những chuyện kinh động thấu trời xanh.
Một câu chuyện cổ tích mang màu sắc hư cấu, có thể bạn cố chấp không tin đó là sự thật. Nhưng câu chuyện mới xảy ra mà tôi chứng kiến, liệu có phải là món nợ nào đó là chúng ta phải trả khi đắc tội bất hiếu?
Vì sao người ta nói trong vũ trụ này không gì cao cả thiêng liêng hơn tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái? Nếu bạn chưa có gia đình, cũng có thể bạn cho rằng cha mẹ phải có “nghĩa vụ” nuôi nấng ta, chiều chuộng ta, ta sinh ra lớn lên là đương nhiên!
Nhưng nếu bạn có con, hãy dành chút thời gian ngẫm lại xem thử, nuôi con mình có phải là “nghĩa vụ” hay không? Bạn đau như cắt khi con mình té ngã, mất ăn mất ngủ khi con ốm. Và chắc chắn bạn từng nghĩ sẽ làm tất cả vì con.
Thì chính ta, thuở nhỏ cũng được hưởng đặc ân thiêng liêng như thế từ ba mẹ mình, thương quý con mình thì hãy thương quý người sinh ra mình, không có cha mẹ làm sao có ta?
Đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển mình, từ những biến động về kinh tế đã làm đổi thay sâu sắc bộ mặt xã hội. Điều đáng buồn là mối quan hệ giữa người với người từ trong nhà ra ngoài đường đã khác xưa.
Ngày càng nhiều trường hợp luân thường đạo lý bị gạt bỏ, hậu bối xem tiền tài quan trọng hơn cha mẹ, tổ tiên. Báo chí, mạng xã hội nhiệt thành cổ vũ làm giàu mà ít thấy làm gì để con người hiếu đạo hơn.
Nhân quả là quy luật, gieo gió thì gặt bão, trồng cây độc không thể có trái ngọt thơm. Nữ giới - người đàn bà - mẹ ta, chính là nơi sản sinh ra thế giới này. Nếu mối quan hệ cha mẹ - con cái sụp đổ có hệ thống thì họa giáng xuống con người là tất yếu.
Có thể bạn quan tâm