Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng đột phá, phát triển kinh tế mới. Trong đó, vốn ngân hàng là một trong những động lực chính.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), xung quanh vấn đề này.
- Trước hết, xin ông chia sẻ chi tiết hơn về quan điểm của ông đối với kinh tế mới (new - economy) ? Triển vọng kinh tế mới của Việt Nam gắn với sự chuyển dịch của ngân hàng ra sao?
Nghị quyết 68/NQ-TW đã mang đến những thay đổi rất lớn, rất sát với đời sống thực của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có những tác động lớn từ phía Chính phủ, như về chính sách, quy trình, hướng dẫn… Cùng với đó, quyết định thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, trong đó có sàn để start up có thể huy động vốn, có thể IPO được, qua đó có thể tiếp cận được dòng vốn quốc tế, đã tạo ra một sân chơi thực sự.
Như vậy, chúng ta đang tiến tới hội đủ các yếu tố từ sự chuyển dịch của nền kinh tế để phát triển một nền kinh tế mới, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chiếm tỷ trọng cao, là cốt lõi, là động lực tăng trưởng mới bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống.
Cùng với sự chuyển dịch đó của nền kinh tế, có một điểm rất quan trọng với ngân hàng là làm sao loại bỏ được quan ngại về hình sự hóa các sai phạm kinh tế. Khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế rõ ràng để bảo vệ những người làm đúng trách nhiệm nhưng vẫn gặp rủi ro thì mới có thể thúc đẩy cho vay tín chấp.
Cuối cùng, các thế hệ start up cũng hiểu rõ giai đoạn “đánh nhanh, thắng nhanh” đã qua rồi. Bây giờ, mọi thứ đều chắc chắn và rất thực chất. Các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin để ngân hàng có thể đánh giá được và có thể cho vay.
- Từ phía ngân hàng, đâu là động lực để OCB mạnh dạn triển khai nguồn vốn cho các khách hàng start up mà tin chắc là ngân hàng nào cũng muốn nhìn, nhưng lại ngại khó khi cho vay, thưa ông?
Chúng tôi cũng rất may mắn là trước khi Nghị quyết 68/NQ-TW được ban hành, OCB cũng đã xác lập chiến lược tập trung mảng tạo giá trị mới cho ngân hàng, xã hội. Theo đó, ngân hàng đặc biệt quan tâm mảng bán lẻ, SMEs và các start up. Đây cũng là mảng mà chúng tôi đánh giá có tiềm năng rất lớn trên thị trường. Các SMEs chiếm hơn 98% tổng số các doanh nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, khu vực start up cũng là một mảng rất lớn và có tiềm năng phát triển.
Một điểm may mắn nữa là chúng tôi cũng có sự đồng hành với các quỹ, ví dụ Genesia, OCB, Aozora – trong hợp tác ba bên. OCB tự biết là nếu đi một mình sẽ không đi được. Nhưng nếu có thêm góc nhìn từ các quỹ, sẽ tạo ra sự tự tin rất lớn cho ngân hàng.
- Ông có thể cho biết một số kết quả triển khai ban đầu cụ thể hơn?
Trong 6 tháng đầu năm nay, OCB ước tăng trưởng tín dụng khoảng 9%. Nếu so với mặt bằng chung toàn ngành thì hơi thấp hơn 1 chút (9,9%), nhưng chúng tôi rất hài lòng, vì chúng tôi duy trì quan điểm tăng trưởng chất lượng nên không nhất thiết phải tăng bằng mọi giá.
Cấu trúc dư nợ hiện nay của chúng tôi có khoản vốn lớn gắn với các dự án đầu tư công, cơ sở hạ tầng và các ngành có nhu cầu vốn lớn trong nền kinh tế. Ngoài ra, có nhóm SMEs và các start up, sản xuất, xuất nhập khẩu, FDI… Nguồn vốn cho vay theo đó trải khá đều. Đối với các chương trình cho vay SME và start up, trong đó nhóm start up hoàn toàn không dựa trên tài sản đảm bảo mà dựa trên khung tín dụng của chúng tôi thì đã triển khai được khoảng 6 tháng, ghi nhận ban đầu là khá thành công.
Cũng phải nói là rất khó để OCB hỗ trợ ngay từ ban đầu cho các nhà kinh doanh trong kinh tế mới, nhưng chúng tôi sẵn sàng đồng hành khi họ đã đi vào giai đoạn hiện thực được ý tưởng, cần cả nguồn vốn lẫn giải pháp quản lý, thanh toán… Trong chương trình tín dụng cho start up, chúng tôi xây dựng bộ tiêu chí rất cụ thể. Ví dụ doanh nghiệp ở quy mô như thế nào, giai đoạn nào thì chúng tôi mới hỗ trợ. Trước mắt chúng tôi chỉ cho vay ngắn hạn, chứ chưa cho vay trung và dài hạn. Mặc dù không yêu cầu tài sản đảm bảo nhưng chúng tôi cũng cần cam kết của nhà sáng lập, họ phải cho thấy quyết tâm, cam kết và gắn bó với doanh nghiệp.
- Trong quan hệ tín dụng ngân hàng - doanh nghiệp, theo ông, đâu là “chìa khóa” gắn bó dài lâu?
Chúng tôi cũng là một doanh nghiệp nên đến hiện tại, các chương trình không phải hướng về ưu đãi lãi suất cho SME và start up do họ có rủi ro cao hơn so với các doanh nghiệp lớn. Vấn đề ở đây không phải là bài toán lãi suất mà là giải quyết vấn đề quan trọng nhất với SME, với start up, đó là khả năng tiếp cận, đồng hành của một ngân hàng có sự am hiểu về họ.
Đối với cá nhân tôi thì tín dụng chỉ là một trong rất nhiều các giải pháp mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng, bao gồm các giải pháp về thanh toán, giải pháp về ngoại hối, thẻ, chi lương... Điều mà OCB muốn hướng tới ở đây là trở thành một đối tác tài chính toàn diện.
Nhìn vào tác động của một chương trình tín dụng dành cho SME và start up thì đóng góp trong tổng tín dụng của OCB là khá nhỏ, tỷ lệ đóng góp lợi nhuận cũng tương tự. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn đồng hành với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt các start up hôm nay, thì tương lại họ có thể trở thành những kỳ lân. Theo đó, chúng tôi cũng sẽ hưởng lợi. Nghĩa là mối quan hệ cam kết đòi hỏi đồng hành gắn bó rất dài lâu.
- Trân trọng cảm ơn ông!