Nhìn thẳng - Nói thật

Vòng xoáy doanh nghiệp "ma": Kỳ 2- Hóa đơn "khống" – Cỗ máy “rút ruột” ngân sách

Nguyễn Giang 12/04/2025 12:00

Hóa đơn "khống" không chỉ là công cụ gian lận thuế, mà còn là mắt xích trong những phi vụ “rút ruột” ngân sách, chiếm đoạt tài sản công tinh vi và có tổ chức…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh ở kỳ trước với hàng triệu tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) được xuất ra từ các công ty “ma” đã và đang để lại những hệ luỵ không thể đong đếm.

Ở kỳ này, chúng tôi tiếp tục mổ xẻ cách những hóa đơn đó được “tái sinh” thành công cụ “rút ruột” ngân sách công.

ky-2-2.jpg
Trong năm 2024, cơ quan chức năng đã đồng loạt bóc gỡ hàng loạt đường dây doanh nghiệp “ma” buôn bán trái hoá đơn trái phép. Ảnh: TL

"Kịch bản" rút tiền công

Theo cơ quan chức năng, một kịch bản quen thuộc là việc các nhà thầu sử dụng hóa đơn "khống" để tăng khống chi phí đầu vào, qua đó hợp thức hóa giá trị quyết toán công trình cao hơn giá trị thực tế. Nhiều trường hợp cơ quan chức năng đã phát hiện những dự án có hồ sơ thanh toán đi kèm hóa đơn mua vật tư, thiết bị, nhân công... từ các doanh nghiệp “ma”. Điều đó khiến vốn đầu tư công bị đội lên hàng chục tỷ đồng.

Trong các cuộc đấu thầu dự án, nhiều doanh nghiệp còn dùng hóa đơn khống để tạo dựng hồ sơ năng lực giả, hợp thức hóa tài chính, doanh thu, tài sản cố định, từ đó đủ điều kiện tham gia thầu. Có hồ sơ thể hiện doanh thu vài chục tỷ đồng, nhưng thực chất chỉ là con số “ảo” được dựng lên bằng hóa đơn từ các công ty “ma”.

Đây chính là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án rơi vào tay nhà thầu yếu năng lực, dẫn đến chậm tiến độ, chất lượng kém hoặc phải điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện. Trong khi đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, không có khả năng “mua hóa đơn”, lại bị loại khỏi cuộc chơi.

Một điểm đáng lo ngại là một số cán bộ quản lý ở địa phương, thậm chí cả cán bộ thuế, bị phát hiện có hành vi “làm ngơ” hoặc tiếp tay cho doanh nghiệp “ma” thông qua việc ký xác nhận tồn tại địa điểm kinh doanh, bỏ qua bước kiểm tra sau đăng ký.

Trong khi đó, cơ chế quản lý hóa đơn điện tử hiện hành chưa phát huy được hiệu quả cảnh báo sớm, dù đã áp dụng công nghệ mã xác thực của Tổng cục Thuế. Việc các doanh nghiệp “ma” vẫn ngang nhiên xuất hàng trăm nghìn tờ hóa đơn cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong khâu hậu kiểm và kết nối dữ liệu liên ngành.

ky-2-1.jpg
Công an TP.HCM đọc lệnh khởi tố một đối tượng thuộc đường dây buôn bán hoá đơn trái phép. Ảnh: Công an cung cấp

Những con số biết nói

Theo số liệu công khai từ ngành thuế và công an một số địa phương, năm 2023 ghi nhận ít nhất 524 doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi bán hóa đơn khống. Riêng tại TP.HCM, trong hai năm 2022–2023, cơ quan công an đã khởi tố hơn 20 vụ án liên quan đến hành vi thành lập doanh nghiệp “ma”, phát hành hàng trăm nghìn hóa đơn không có chứng từ kèm theo.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tính riêng 5 vụ án lớn được công bố công khai cho thấy, tổng số hóa đơn bất hợp pháp bị xuất ra đã gần hai triệu tờ, tương ứng giá trị hàng hóa khống lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Vậy các hóa đơn này được ai mua? Liệu chăng, đó có thể là các doanh nghiệp, thậm chí là đơn vị có vốn nhà nước hoặc trúng thầu dự án công, sử dụng hóa đơn để tăng chi phí đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hoặc tạo dòng tiền quay vòng hợp thức hóa chi phí không minh bạch?

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp từng sử dụng hóa đơn “ma” đã phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, từ việc bị truy thu thuế, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị điều tra hình sự. Dù ban đầu tưởng như là một “giải pháp linh hoạt” để làm đẹp sổ sách, thực chất đó lại là con dao hai lưỡi khiến doanh nghiệp lún sâu vào vòng xoáy vi phạm.

Nhiều ý kiến nhận định, chi phí mua hóa đơn "khống" ban đầu có thể thấp hơn thuế phải nộp, nhưng nếu bị phát hiện, thiệt hại sẽ gấp hàng chục lần. Chưa kể còn ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp và bị hạn chế tham gia đấu thầu sau này.

Nhìn từ thực tiễn, các chuyên gia cho rằng để chặn đứng vấn nạn hóa đơn khống, cần nhiều giải pháp đồng bộ, cả ở khâu đăng ký doanh nghiệp, quản lý thuế, lẫn hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp. Trong đó, việc nâng cấp hệ thống phân tích rủi ro của cơ quan thuế, tăng cường chia sẻ dữ liệu với ngành công an, ngân hàng là đặc biệt cần thiết.

Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trong quản lý hóa đơn điện tử, giúp truy xuất nguồn gốc dòng tiền và phát hiện bất thường ngay từ đầu. Cùng với đó là chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi bán, sử dụng hóa đơn trái phép, kể cả trách nhiệm hình sự.

Nhưng quan trọng hơn cả, có lẽ là sự minh bạch từ chính các chủ doanh nghiệp. Khi môi trường kinh doanh vẫn còn dung dưỡng cho “gian dối thông minh”, thì doanh nghiệp tử tế sẽ luôn chịu thiệt thòi. Chỉ khi mọi doanh nghiệp đều có cơ hội cạnh tranh công bằng, không cần dùng đến thủ đoạn hóa đơn khống, thì “vòng xoáy” doanh nghiệp “ma” mới dần được tháo gỡ.

Còn nữa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vòng xoáy doanh nghiệp "ma": Kỳ 2- Hóa đơn "khống" – Cỗ máy “rút ruột” ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO