Nhìn thẳng - Nói thật

Vòng xoáy doanh nghiệp "ma": Kỳ 1- Hồ sơ “đen” sau những tờ hóa đơn

Nguyễn Giang 11/04/2025 03:50

Những đường dây với hàng trăm doanh nghiệp “ma” cùng hàng triệu hóa đơn khống bị “lật tẩy” khiến dư luận không khỏi quan ngại về một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch…

LTS: Thời gian qua, hàng loạt vụ án buôn bán hóa đơn trái phép bị phanh phui đã cho thấy một thực trạng đáng lo ngại: các doanh nghiệp “ma” ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức và để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp mở rộng phân tích các dữ liệu từ cơ quan thuế, công an, kết hợp ý kiến chuyên gia kinh tế, pháp luật, nhằm nhận diện rõ bản chất, hệ lụy và cơ chế vận hành của các "cỗ máy in tiền" trá hình này, góp phần làm rõ bản chất sai phạm và thúc đẩy những giải pháp bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

ky-1-1.png
Công an xác định nhóm đối tượng Nguyễn Thị Thanh Thuý đã bán hóa đơn trái phép với tổng số tiền 1000 tỉ đồng.

Những “cỗ máy in tiền” ẩn mình trong vỏ bọc doanh nghiệp

Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm về mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống, hóa đơn không hợp pháp để thu lợi bất chính. Thực trạng trên gây bức xúc trong xã hội, tạo xung đột lợi ích, làm giảm niềm tin, thiếu sự minh bạch, công bằng đối với cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một trong những vụ án điển hình mà cơ quan Công an đã triệt phá thành công gần đây phải kể đến chuyên án mua bán hóa đơn, chứng từ trái phép với tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng tại Đà Nẵng. Cụ thể, từ cuối năm 2022 đến khi bị bắt, Nguyễn Thị Thanh Thúy cùng đồng bọn đã thành lập trên 35 công ty tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận để xuất bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh với tổng giá trị hóa đơn trước thuế hơn 1.000 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 50 tỉ đồng.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh đã điều tra, truy tố vụ án hình sự về tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn" và "trốn thuế" xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước. Theo lời khai của bị can Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang - người cầm đầu đường dây này, Trang và đồng phạm đã dùng 31 công ty, xuất khống 35.273 hóa đơn GTGT cho hơn 6.476 cá nhân, tổ chức khác nhau trên 51 tỉnh, thành của cả nước, với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ có giá trị trên hóa đơn sau thuế GTGT hơn 4.424 tỷ đồng.

Cũng vào thời điểm này Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên án đối với 100 bị cáo trong vụ án đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng với doanh số gần 64.000 tỉ đồng. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đường dây mua bán này liên quan đến 637 doanh nghiệp. Từ đó xuất hơn 1,052 triệu hóa đơn, cho 88.053 doanh nghiệp sử dụng. Thống kê sơ bộ, doanh thu VAT khấu trừ 3.315 tỉ đồng.

Theo cơ quan chức năng, điểm chung của các doanh nghiệp “ma” là được thành lập nhanh chóng, có vòng đời ngắn ngủi từ 6–12 tháng. Người đại diện pháp luật thường là người không có năng lực hành vi dân sự rõ ràng, thậm chí có người là đối tượng đang cai nghiện bắt buộc hoặc không có nơi cư trú ổn định. Mục đích duy nhất của các pháp nhân này là “đẻ” hóa đơn cho các công ty khác sử dụng bất hợp pháp.

Lỗ hổng từ đâu?

Đáng nói, không ít trường hợp doanh nghiệp “ma” lọt qua quy trình quản lý do sự tiếp tay từ chính các cán bộ trong cơ quan chức năng. Minh chứng có thể thấy rõ, trong thời gian qua, truyền thông cũng liên tục đưa tin việc đã có không ít cán bộ ngành thuế bị xử lý kỷ luật liên quan đến việc thiếu trách nhiệm, làm ngơ cho doanh nghiệp “ma” hoạt động.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, tình trạng buông lỏng kiểm tra sau đăng ký, thiếu kết nối dữ liệu giữa các cơ quan chức năng, khiến hoạt động của doanh nghiệp “ma” gần như không bị phát hiện nếu không có tố giác. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp “ma” còn được mua bán qua trung gian, tạo thành thị trường ngầm giao dịch hóa đơn, với “bảng giá” cụ thể theo giá trị ghi trên hóa đơn.

Đáng chú ý, không dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp thực hiện hành vi gian lận thuế còn tận dụng hóa đơn khống để rút ruột ngân sách thông qua các gói thầu, dự án công. Điều này không chỉ khiến ngân sách thất thu mà còn làm méo mó cơ chế đấu thầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

ky-1-2.jpg
Vấn nạn doanh nghiệp “ma” đã cho thấy rõ những thách thức không nhỏ đối với hệ thống quản trị quốc gia và môi trường kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật TNHH L&A Legal Experts, nhận định hóa đơn khống đã và đang trở thành công cụ để thực hiện các hành vi phạm tội phức tạp như hợp thức hóa tiền hối lộ, rửa tiền, chiếm đoạt tài sản nhà nước.

“Không thể xem đây là vi phạm hành chính đơn thuần nữa, mà cần coi là dạng tội phạm có tổ chức, nguy hiểm không kém in tiền giả”, luật sư Nhung nói, đồng thời cho rằng, để đối phó với doanh nghiệp “ma”, cần rà soát toàn diện hệ thống văn bản pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay. Song song đó, cần áp dụng công nghệ số trong quản lý hóa đơn và dòng tiền, kết nối chặt chẽ giữa thuế – công an – ngân hàng.

Cũng trao đổi với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp lâu dài là phải cải cách sâu rộng quy trình cấp phép và thanh tra doanh nghiệp, nâng mức phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn khống, đồng thời bổ sung tội danh mới cho hành vi lập pháp nhân giả để trốn thuế.

Thẳng thắn nhìn nhận thực tế, vấn nạn doanh nghiệp “ma” đã cho thấy rõ những thách thức không nhỏ đối với hệ thống quản trị quốc gia và môi trường kinh doanh. Đây không chỉ là bài toán về thuế, mà còn là hồi chuông cảnh báo về tính liêm chính, sự minh bạch và công bằng mà nền kinh tế cần được bảo vệ.

Còn nữa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vòng xoáy doanh nghiệp "ma": Kỳ 1- Hồ sơ “đen” sau những tờ hóa đơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO