Sau gần 3 tháng hồi phục, VN-Index đã lấy lại phần lớn điểm số bị mất vì đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý II dự kiến suy giảm, nhịp điều chỉnh vừa qua được đánh giá là cần thiết để duy trì sức hấp dẫn của giá cổ phiếu và làm mới lại dòng tiền.
Tại ĐHCĐ sáng 10/6/2020, lãnh đạo CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết: “Tháng 5 - 6 là 2 tháng tồi tệ của PNJ, tháng 7 bắt đầu hồi phục và tháng 8 - 9 mới lấy lại được đà”. Ngay sau đại hội, thị giá cổ phiếu PNJ giảm tổng cộng 12% trong 3 phiên, bao gồm 1 phiên giảm sàn ngày 11/6.
Bên cạnh ảnh hưởng giảm điểm của thị trường chung, chia sẻ của lãnh đạo PNJ khiến nhà đầu tư hạ kỳ vọng về khả năng phục hồi kết quả kinh doanh trong tháng 5 và tháng 6. Tháng 4 trước đó, Công ty lỗ 89 tỷ đồng do việc tạm đóng phần lớn cửa hàng theo chỉ thị giãn cách xã hội.
Mặc dù nền kinh tế đã mở cửa hoạt động trở lại, nhưng kinh doanh trong ngành trang sức, được phân loại là nhóm sản phẩm không thiết yếu và người dân có xu hướng cắt giảm đầu tiên trong bối cảnh khó khăn, khiến kết quả kinh doanh của PNJ nhạy cảm hơn với những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tuy quý I đạt hơn 408 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng Công ty vẫn hạ mục tiêu kinh doanh cả năm, với chỉ tiêu doanh thu 14.486 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 832 tỷ đồng, giảm sâu so với kế hoạch ban đầu cũng như so với mức thực hiện năm 2019.
Kết quả kinh doanh của PNJ vẫn được đánh giá khả quan hơn nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác, chẳng hạn vận tải hàng không như Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HVN) hay CTCP Hàng không VietJet (VJC). Trong quý đầu năm, HVN và VJC lỗ lần lượt 2.611 tỷ đồng và 989 tỷ đồng.
Các đường bay nội địa đã mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, nhưng lưu lượng chuyến bay, lưu lượng khách giảm, các hãng hàng không phải giảm giá vé để cạnh tranh, trong khi đường bay quốc tế tiếp tục bị “đóng băng”, khiến nhóm doanh nghiệp hàng không vẫn đối diện với nguy cơ thua lỗ trong quý II.
Dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới và tái bùng phát ở một số quốc gia trong khu vực, khiến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định cần phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh và việc mở lại khai thác quốc tế chưa biết khi nào có thể triển khai, tương ứng triển vọng lợi nhuận ngành vận tải hàng không những tháng cuối năm vẫn là gam màu tối.
Trong khối doanh nghiệp ngành bán lẻ xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) và Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (OIL) lần lượt lỗ 1.893 tỷ đồng và 537,3 tỷ đồng trong quý I/2020, chủ yếu do phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Trong quý II, tình hình kinh doanh bớt khó khăn hơn, nhưng khả năng bù đắp khoản lỗ của quý I không cao.
Bởi lẽ, giá dầu tuy phục hồi nhưng hiện vẫn thấp hơn trên 20% so với thời điểm đầu tháng 3 và thấp hơn trên 40% so với thời điểm đầu năm. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ nhìn chung ở mức thấp.
Tại ĐHCĐ ngày 8/6, lãnh đạo OIL chia sẻ, tháng 4, sản lượng giảm 18% so với kế hoạch do thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội; tháng 5, dù giãn cách nới dần, nhưng sản lượng giảm 7% so với kế hoạch.
Tính chung quý II/2020, sản lượng dự kiến giảm 12%. Đối với PLX, ngành hàng không khó khăn còn ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả mảng cung cấp nhiên liệu bay của Tập đoàn.
Một nhóm ngành đang chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trong VN-Index là ngân hàng, dù không chịu tác động trực tiếp bởi Covid-19, nhưng lợi nhuận quý II cũng được dự báo suy giảm do phải tái cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi suất cho khách hàng.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chưa hồi phục làm tăng khả năng phát sinh nợ xấu và các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 5/2020 tăng 26,9% so với tháng 4, nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 3,1% so với cùng kỳ; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng lên 42,7 điểm từ mức thấp kỷ lục là 32,7 điểm trong tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng 50 điểm, phản ánh sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất.
CTCK VNDIRECT đánh giá, sự phục hồi chậm của ngành công nghiệp chủ yếu là do nhu cầu từ các thị trường bên ngoài còn yếu trong bối cảnh nhiều nước vẫn duy trì giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Sau thời gian giãn cách xã hội trong tháng 4, nền kinh tế từng bước vận hành bình thường trở lại. Tuy vậy, hoạt động sản xuất - kinh doanh của không ít doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu như dệt may, thủy sản, hay những ngành nhạy cảm cao với biến động thu nhập cũng như sức khỏe nền kinh tế như tiêu dùng không thiết yếu, du lịch, vận tải, ngân hàng còn khó khăn là thực tế không thể phủ nhận.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc lên kịch bản kinh doanh năm 2020. Nhìn chung, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm suy giảm đồng nghĩa với kết quả kinh doanh từng quý có thể giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước mắt, quý II được nhận định sẽ tiếp tục là quý kinh doanh kém khả quan của nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những công ty vốn hóa lớn, đầu ngành trên sàn chứng khoán.
Phục hồi từ vùng 660 điểm ngày 31/3 lên vùng 900 điểm ngày 8/6, VN-Index đã tăng 36% chỉ trong hơn 2 tháng và đem đến mức lợi nhuận ấn tượng cho nhiều nhà đầu tư.
Thống kê giá đóng cửa của 379 cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho thấy, có 321 mã tăng giá (chiếm 84,7%), trong đó 216 mã tăng giá trên 20%, 89 mã tăng giá trên 50%, 13 mã tăng giá trên 100%. Trong nhóm VN30, cả 30 mã đều tăng giá và có 25 mã tăng trên 20%.
Hầu hết cổ phiếu thuộc VN30 có đợt hồi phục mạnh trong quý II/2020.
Thị trường hồi phục mạnh một mặt đến từ đợt sụt giảm trong tháng 3 đưa thị giá nhiều cổ phiếu về vùng hấp dẫn nhất nhiều năm trở lại đây đã kích hoạt đòng tiền bắt đáy nhập cuộc, trong đó không ít là những nhà đầu tư mới, mặt khác phản ánh kỳ vọng về triển vọng phục hồi hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi dịch bệnh qua đi.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính toàn cầu hồi phục giúp dòng tiền khối ngoại trở lại mua ròng trên TTCK Việt Nam.
Do thị giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí về vùng trước khi sụt giảm bởi lo ngại dịch bệnh, khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn với xu hướng ngắn hạn khi mức rủi ro ngày càng tăng lên và triển vọng tìm kiếm lợi nhuận không còn đủ hấp dẫn để đánh đổi mức rủi ro này.
Với hầu hết các vị thế mua giai đoạn trước đều đã có lời, dòng tiền có xu hướng thoát vị thế nhằm bảo toàn lợi nhuận hoặc tránh thua lỗ, trong khi cẩn trọng hơn với vị thế mua mới.
Thực tế, sau khi chạm mức 900 điểm trong phiên 8/6, VN-Index giao dịch trong biên độ rộng với xu hướng giảm chiếm ưu thế, đáng chú ý là phiên 11/6 và 15/6 có mức giảm lần lượt là 3,7% và 3,6%.
Sức cầu cũng có dấu hiệu suy yếu, trong 5 phiên chỉ số có xu hướng giảm điểm (từ 9 - 15/6), giá trị khớp lệnh bình quân đạt 6.923 tỷ đồng/phiên với 525,3 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, thì trong 4 phiên thị trường có xu hướng hồi phục sau đó (từ 16 - 19/6), khối lượng và giá trị giao dịch bình quân là 312,7 triệu đơn vị và 3.865 tỷ đồng, tức giảm 40% về khối lượng và 44% về giá trị giao dịch.
Ngoài ra, dòng tiền phân hóa mạnh, nhiều cổ phiếu từ nhóm vốn hóa lớn đến nhỏ bị điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng gần như đồng đều trước đó. Động thái chốt lời tại nhóm vốn hóa nhỏ là tín hiệu về việc dòng tiền đầu cơ (vốn chiếm chủ yếu trong thanh khoản) thận trọng hơn trước xu hướng thị trường.
Diễn biến mua - bán trên HOSE của khối tự doanh công ty chứng khoán.
Về tuần giao dịch vừa qua (15 - 19/6), CTCK BSC đánh giá, độ rộng thị trường hẹp, chỉ có 5/19 ngành tăng điểm và thanh khoản trong đà rút gọn nếu loại trừ giao dịch đột biến từ các quỹ ETF, phản ánh mức độ hưng phấn của thị trường giảm sút và cần thời gian củng cố. Về định lượng, khối tự doanh các CTCK bán ròng 571,7 tỷ đồng, hoạt động bán ròng diễn ra trong cả tuần.
Trên góc nhìn kỹ thuật, CTCK Sài Gòn - Hà Nội nhận định, VN-Index đang nằm trong vùng 840 - 870 điểm là vùng chuyển giao kỳ vọng giữa bên mua và bên bán trong ngắn hạn. Chỉ số cần sự bứt phá ra khỏi vùng này để xu hướng mới được hình thành.
Bản tin cuối tuần qua của CTCK Bảo Việt nêu lên điểm tiêu cực trong ngắn hạn vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II khi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực và công ty này đưa ra quan điểm, tỷ trọng danh mục cổ phiếu không nên quá 25%.
Một số chuyên gia cho rằng, dự phóng kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2020 của khối công ty niêm yết nhìn chung kém khả quan sẽ là yếu tố gây áp lực lớn lên TTCK.
Gần đây, mặc dù thị trường rơi vào trạng thái giằng co với những áp lực nhất định, nhưng dòng vẫn hoạt động tích cực tại các cổ phiếu cơ bản, ổn định, có tin tức hỗ trợ, nhất là nhóm nhiệt điện, phân bón, chứng khoán, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu và dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng.
Do vậy, việc thị trường điều chỉnh, đưa định giá các cổ phiếu về mức hấp dẫn hơn sẽ tạo ra cơ hội để dòng tiền tiếp tục nhập cuộc và xoay vòng tìm kiếm lợi nhuận.
Nhưng sự phân hóa giữa các cổ phiếu sẽ trở nên rõ nét hơn, tương ứng với cơ hội tìm kiếm lợi nhuận không còn đồng đều và dễ dàng như quý II.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 24/06/2020
08:56, 20/06/2020
11:30, 17/06/2020
17:00, 12/06/2020
10:00, 10/06/2020