Khó khăn từ đại dịch COVID-19 khiến thua lỗ kéo dài, buộc Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (HoSE: VOS) phải tái cấu trúc toàn diện để mong đổi vận.
Riêng quý đầu năm nay, VOS lỗ sau thuế 19,5 tỷ đồng, đưa tổng số lỗ lũy kế tính đến 31/3/2021 của VOS lên tới mức 941 tỷ đồng.
Dù có bề dày hoạt động vận tải biển từ năm 2008, nhưng VOS liên tục thua lỗ. Năm 2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) quyết định chuyển cổ phiếu VOS từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo.
Năm 2020, VOS lỗ ròng 187 tỷ đồng và đến quý 1/2021 lại tiếp tục lỗ ròng thêm gần 20 tỷ đồng. Công ty cũng liên tục bị kiểm toán nhấn mạnh nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Từ ngày 15/4/2021, cổ phiếu VOS đã được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát. Trong khi nhiều cổ đông đã bán ra cổ phiếu VOS, trong đó ngân hàng ACB bán ra khoảng 5,8 triệu cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn tại VOS.
941 tỷ đồng là khoản lỗ lũy kế của VOS tính đến cuối quý 1/2021, trong đó quý 1 lỗ ròng gần 20 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp đầu ngành vận tải biển Việt Nam, nhưng kết quả kinh doanh chính của VOS phụ thuộc vào thu nhập khác như thanh lý tàu; xóa, giảm lãi vay… Do đội tàu hoạt động không hiệu quả, nên Công ty này đã giảm và thanh lý tới 50% trong 3 năm qua.
Đặc biệt, do liên tục thua lỗ, cấu trúc tài chính của VOS cũng mất cân đối nghiêm trọng. Tại VOS, tổng nợ phải trả hiện đã lên đến 2.248 tỷ đồng, gấp gần 4,6 lần vốn chủ sở hữu (489 tỷ đồng). Điều này đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với VOS.
Từ cuối năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam đối mặt với tình trạng khan hiếm container nghiêm trọng. Điều này đã đẩy giá cước vận tải tăng cao. Theo đó, giá thuê tàu trên toàn thế giới đã bắt đầu tăng mạnh từ thời điểm tháng 7/2020, trong đó mức tăng mạnh nhất tới từ các loại tàu có tải trọng lớn (trên 4.000 TEUs/chuyến). Có thể nói, sức nóng của giá cước và nhu cầu vận tải biển đang thúc đẩy ngành vận tải biển tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là cơ hội cho VOS chuyển mình.
Để tận dụng sự tăng trưởng trở lại của ngành vận tải, VOS cũng đưa ra chiến lược tái cơ cấu. Theo đó, VOS đang khai thác 3 nhóm tàu là tàu hàng rời, tàu dầu sản phẩm và tàu container. Các tàu hàng rời và tàu dầu sản phẩm hoạt động trên phạm vi toàn thế giới, trong khi các tàu container hoạt động trên tuyến nội địa.
Mới đây, Ban Lãnh đạo VOS đã đưa ra chiến lược tái cơ cấu quản lý khai thác đội tàu để cải thiện kết quả kinh doanh. Công ty cũng tiếp tục triển khai tái cơ cấu toàn diện bao gồm tái cơ cấu tài chính, tổ chức và cơ cấu đội tàu.
Về cơ cấu tài chính, Công ty đang hoàn thiện cơ cấu nợ với các ngân hàng thương mại trong năm 2021. Bên cạnh đó, Công ty đang triển khai bán tàu dầu sản phẩm Đại Nam do tàu có tuổi đã cao không phù hợp khai thác tiếp, thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam.
Ngoài ra, VOS cũng chủ động, tích cực tìm kiếm và thuê tàu bên ngoài để tăng năng lực vận chuyển, sản lượng, doanh thu và hiệu quả chung của Công ty…
Nhìn chung, với sự khởi sắc của thị trường vận tải biển cùng việc đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện, VOS đang được giới đầu tư kỳ vọng sẽ cải thiện được hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức khi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.
Có thể bạn quan tâm
Căng thẳng cước tàu biển đi Mỹ
04:30, 29/03/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 24/7: Sửa quy định về đăng ký, xóa đăng ký tàu biển
18:26, 24/07/2020
Quảng Ninh: Lên phương án đón tàu biển quốc tế sau khi bị chấn chỉnh
14:05, 18/02/2020
Nhà đầu tư Phú Quốc đón đầu dòng khách tàu biển hạng sang
16:05, 18/12/2019