Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) đang có kế hoạch huy động 400 tỷ đồng trái phiếu, được phát hành thành nhiều đợt, mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng.
Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động thông qua việc thanh toán các khoản phải trả (không bao gồm nợ vay và thuê tài chính từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng). Trong báo cáo của mình, VTVcab cho biết là đơn vị trực thuộc Đài truyền hình Việt Nam, công ty có cơ hội mở rộng thị trường nhưng cũng vì thế phát sinh thêm nhu cầu vốn đề phát triển kinh doanh.
Nợ ngắn hạn luôn vượt tài sản ngắn hạn
VTVcab đã sử dụng một phần vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, mở rộng địa bàn kinh doanh, mua sắm thiết bị, chính điều này cũng gây ra tình trạng mất cân đối vốn của công ty. Cụ thể, trong hai năm trở lại đây, công ty luôn phải đối mặt với tình trạng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, giá trị từ 300 - 500 tỉ đồng. Để giải quyết vấn đề này, VTVcab đã tiến hành cổ phần hóa để thu hút thêm nguồn vốn kinh doanh, tuy nhiên quá trình cổ phần hóa kéo dài, một số nhà đầu tư chiến lược còn cân nhắc, việc đưa cổ phiếu lên sàn bị chậm lại lên vốn chủ sở hữu công ty vẫn chưa tăng.
Có thể bạn quan tâm
18:19, 18/04/2018
15:18, 18/04/2018
05:29, 07/04/2018
19:19, 06/04/2018
Công ty cũng đang tiến hành đàm phán điều chỉnh lại kỳ hạn nợ từ ngắn sang dài hạn, tập trung phát triển địa bàn trọng điểm, giao khoán lợi nhuận tại các địa bàn nhỏ, kém hiệu quả để thu hẹp quy mô đầu tư. Tìm kiếm thêm các nguồn thu mới (như truyền hình VOD, online, cung cấp nội dung trên các hạ tầng…), thắt chặt chi tiêu; hạn chế vay ngắn hạn, tìm kiếm nguồn vay trung dài hạn... Một phương án quan trọng được tính đến là phát hành trái phiếu không chuyển đổi đã nêu ở trên.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 tới đây, VTVcab sẽ xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giai đoạn 5 năm (2019 – 2023). Trong đó hai năm đầu doanh thu, lợi nhuận ở mức tương đương nhau lần lượt 2.221 tỉ đồng và 64 tỉ đồng. Đến năm 2023 công ty dự kiến doanh thu gần 2.840 tỉ đồng và lãi sau thuế 91 tỉ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2018, tổng giá trị tài sản của VTVcab đạt 2.418 tỉ đồng, trong đó 846 tỉ đồng tài sản ngắn hạn, 1.572 tỉ đồng tài sản dài hạn. Nợ phải trả 1.796 tỉ đồng, trong đó 1.366 tỉ đồng nợ ngắn hạn, 430 tỉ đồng nợ dài hạn; riêng giá trị nợ vay ngắn dài hạn 770 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của VTVcab hơn 457 tỉ đồng, trong đó cô đặc với cổ đông Đài truyền hình Việt Nam sở hữu 98,55%, còn lại là các cán bộ nhân viên trong công ty.
VTVcab ra sao sau cổ phâng hoá?
Trong giai đoạn nửa sau năm 2018 (1/7/2018 – 31/12/2018), CTCP Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) đạt doanh thu thuần hợp nhất 1.170 tỉ đồng, tăng nhẹ so với nửa đầu năm. Tại thời điểm 30/6/2018, VTVcab chính thức chuyển thành công ty cổ phần, do đó báo cáo tài chính của công ty được trình bày làm hai giai đoạn. Biên lợi nhuận gộp trong 6 tháng cuối năm đạt trên 29%, chi phí hoạt động giữ ở mức tương đương so với 6 tháng đầu năm. Kết quả, VTVcab lãi sau thuế 41 tỉ đồng. Khoản lợi nhuận này giúp công ty giảm lỗ lũy kế còn hơn 17 tỉ đồng.
Cũng tại thời điểm cuối năm 2018, VTVcab sở hữu 3 công ty con gồm CTCP Công nghệ Việt Thành (VITA, vốn điều lệ 105 tỉ đồng, cung cấp dịch vụ lắp đặt truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh…); CTCP Truyền hình tương tác Việt Nam (VTVlive, vốn điều lệ 32 tỉ đồng, nghiên cứu chuyển giao công nghệ truyền thông, phát triển hạ tầng truyền thông đa phương tiện); CTCP Phát triển Thể theo VTVcab (VTVcab Sport, vốn điều lệ 2 tỉ đồng, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin).
Cùng với đó là đầu tư vào 4 công ty liên kết gồm CTCP VTVcab Nam Định (vốn 21 tỉ đồng, CTCP Truyền thông, quảng cáo đa phương tiện (Smart Media, vốn 90 tỉ đồng), CTCP Truyền thông ON+ (vốn 10 tỉ đồng) và Công ty TNHH Mua sắm tại nhà VTV-Hyundai (vốn 420 tỉ đồng, chuyên thực hiện quyền xuất nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ hàng hóa qua kênh mua sắm truyền hình).
Ở khía cạnh khác, thách thức để VTVcab giữ được thị phần trong các năm tới chính là sự lớn mạnh không ngừng của các dịch vụ giải trí trực tuyến và di động. Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng thiên về các ứng dụng trực tuyến hơn do quỹ thời gian ngày càng eo hẹp và hạ tầng viễn thông ngày càng tốt hơn, mang lại nhiều thuận lợi cho người xem.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Q&Me, mặc dù tivi vẫn đang là công cụ giải trí phổ biến tại Việt Nam nhưng ngày càng nhiều người dùng Việt Nam dành nhiều thời gian hơn trên internet và các mạng xã hội như Facebook hay các dịch vụ giải trí trực tuyến YouTube. “Có tới 45% người được khảo sát trả lời rằng họ xem tivi ít hơn cách đây 1 năm”, báo cáo của Q&Me ghi nhận. Nếu xu thế internet ngày càng phổ biến hơn thì chắc chắn doanh thu của các hãng truyền hình truyền thống như VTVcab sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.