Liên quan tới những vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty Tây Hồ, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố 4 đối tượng nguyên là lãnh đạo công ty này…
>>“Tham nhũng mấy triệu là hình sự, thất thoát lãng phí thì thế nào?”
Theo đó, chiều ngày 14/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở, chỗ làm việc đối với: Tân Tú Hải, 61 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội – Thành viên Hồi đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tây Hồ; Đặng Quang Tuấn, 51 tuổi, ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tây Hồ; Phan Việt Anh, 46 tuổi, ở quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội – nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ và Chu Thị Ngọc Ngà, 60 tuổi, ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội – Trưởng Ban kiểm soát Công ty Tây Hồ.
Trước đó, ngày 11/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ - địa chỉ tại số 2, ngõ 9, phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Tất cả các quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê chuẩn.
>>Phó Thủ tướng nêu giải pháp chống thất thu và thất thoát ngân sách nhà nước
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Công ty Tây Hồ dưới thời ông Tân Tú Hải làm Tổng giám đốc không chỉ vẽ ra việc huy động vốn với lãi suất lên tới 24%/năm, mà nhiều hợp đồng chuyển nhượng bất động sản còn có dấu hiệu bị “làm giá” để “bòn rút” tài sản Nhà nước.
Theo hồ sơ phóng viên có được cho thấy, tại Khu đô thị mới Quế Võ - Bắc Ninh do Công ty Tây Hồ làm chủ đầu tư, nhiều hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn có dấu hiệu bị “làm giá”, “biển thủ” nhiều tỷ đồng.
Đơn cử như ngày 6/10/2017, ông Nguyễn Đình Tiệp (SN 1980, ở xã Chi Lăng, huyện Quế Võ) đã đặt cọc 50 triệu đồng cho ông Phạm Văn Minh (ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để nhận chuyển nhượng thửa đất số 48, tờ bản đồ số 29, diện tích 511m2 tại Khu đô thị mới Quế Võ - Bắc Ninh với giá 6,5 triệu đồng/m2. Giá trị theo hợp đồng là 3.321.500.000 đồng.
Ngày 19/10/2017, ông Nguyễn Đình Tiệp nộp cho ông Phạm Văn Minh 2.800.000.000 đồng; ngày 3/11/2017, nộp 465.000.000 đồng, thể hiện tại 02 phiếu thu. Song ngày 18/10/2017, khi Công ty Tây Hồ ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nói trên với ông Nguyễn Đình Tiệp, số tiền thể hiện chỉ 2.401.700.000 đồng.
Hay ngày 3/10/2017, bà Nguyễn Thị Hương Giang (ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) nhận 3.069.000.000 đồng của ông Nguyễn Văn Đồng (ở Kim Đôi, Kim Chân, Bắc Ninh) để chuyển nhượng BT11 ô số 2, thửa 46, tờ bản đồ 29, ký hiệu CD235526, diện tích 511m2, với giá 6.300.000 đồng/m2. Cùng ngày 3/10/2017, Công ty Tây Hồ ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nói trên với ông Nguyễn Văn Đồng, số tiền thể hiện chỉ là 2.401.700.000 đồng.
Ngày 21/9/2017, bà Nguyễn Thị Hương Giang nhận số tiền 2.700.000.000 đồng từ ông Trần Văn Hải (ở Suối Hoa, Bắc Ninh) để chuyển thượng BT9, ô 5, thửa đất số 58, tờ bản đồ 33, ký hiệu CĐ 235506, diện tích 337,3m2; số tiền còn thiếu là 135 triệu đồng. Cùng ngày 21/9/2017, Công ty Tây Hồ ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nói trên với ông Trần Văn Hải, số tiền thể hiện chỉ 1.585.310.000 đồng…
Chỉ với 3 giao dịch này, Công ty Tây Hồ có tới 50,09% vốn Nhà nước đã thất thoát gần 3 tỷ đồng. Hành vi trên không chỉ có dấu hiệu “biển thủ” tài sản Nhà nước mà còn có dấu hiệu của tội trốn thuế, quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015.
Có thể bạn quan tâm