Mặc dù đã được Quốc hội "khai tử", thế nhưng, nhìn lại các dự án được làm theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) vẫn còn đó nhiều tồn tại, đặc biệt là vấn đề thất thoát ngân sách nhà nước.
Không thể phủ nhận các dự án, công trình được xây dựng theo hình thức hợp đồng BT đã đóng một vai trò nhất định trong việc phát triển hạ tầng, thế nhưng, sau khi được đưa vào áp dụng đại trà thì phương thức hợp đồng này lại khiến dư luận ồn ào khi trở thành mảnh đất màu mỡ cho những nhóm lợi ích, cơ hội,… gây ra nhiều hệ lụy xấu, nhưng vẫn an nhiên nằm trong "góc khuất".
Thực tế, theo như kết quả báo cáo tổng hợp năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước, sau kết quả kiểm toán 29 dự án BT đã cho thấy nhiều bất thường trong việc lựa chọn nhà đầu tư và đặc biệt là vấn đề thất thoát, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý 5.228 tỷ đồng, từ 29 dự án được kiểm toán.
Trong đó, tăng thu ngân sách Nhà nước 112,4 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 1.260,2 tỷ đồng; xử lý khác 1.316,1 tỷ đồng; thu hồi nộp ngân sách Nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 355,5 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 2.014,2 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán 29 dự án cho thấy, hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư, các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư như tại tỉnh Bắc Ninh có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất, hay một số địa phương lựa chọn nhà đầu tư hạn chế năng lực tài chính nên phải thay đổi từ hình thức thanh toán bằng đất sang bằng tiền như dự án xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh.
Trên thực tế, không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành mà ngay tại Thủ đô, nhiều dự án công trình được thực hiện theo phương thức hợp đồng BT cũng đang cho thấy tồn tại, cần phải làm rõ, hầu hết các dự án được thực hiện theo phương thức này đều rơi vào hiện trạng đất đối ứng sử dụng xong, rao bán rầm rộ nhưng công trình vẫn kéo dài nhiều năm không hoàn thiện, thậm chí để hoang hóa…
Như dự án BT đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng – Quốc lộ 1A, chỉ có 2,1 km đường, thế nhưng, gần 20 năm trôi qua vẫn chưa thể hoàn thiện, trong khi, nguồn đất đối ứng để doanh nghiệp xây dựng Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công, dù chưa được Thành phố giao đất, chưa có giấy phép nhưng liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội và Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà đã huy động vốn, phân lô bán nền thu tiền của khách hàng từ lâu.
Hay một dự án khác đang khiến dư luận xã hội địa phương vô cùng bức xúc đó là dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài trên địa bàn xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội, rầm rộ triển từ cách đây hơn chục năm, thế nhưng, cho tới hiện nay, đây vẫn là một dự án bị hoang hóa...
Đáng nói, phần đất đối ứng dành cho doanh nghiệp, đã được doanh nghiệp triển khai khu đô thị, biệt thự liền kề, rao bán rầm rộ, nhiều căn đã bán cho cư dân về ở... Được biết, chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc CIENCO 5 (CIENCO 5 LAND).
Xung quanh những hiện trạng kể trên đang cho thấy, không chỉ tài nguyên bị lãng phí mà còn tồn tại nhiều hệ lụy kèm theo, đặc biệt là thất thu cho Ngân sách, trách nhiệm thuộc về ai? Những hệ lụy kèm theo sẽ được xử lý như thế nào? Khai tử các dự án thực hiện theo phương thức hợp đồng BT, liệu có xóa bàn cờ chơi lại?
Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty luật HPVN, việc Quốc hội tán thành “khai tử” các dự án thực hiện theo hình thức BT là một quyết sách hoàn toàn đúng, vấn đề đặt ra là việc bỏ không áp dụng hình thức này trong Luật PPP, không có nghĩa những bất cập, hệ lụy đã và đang tồn tại sẽ không phải xử lý.
Đồng quan điểm với Luật sư Hiệp, thông tin với báo chí chuyên gia kinh tế - Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc xử lý chuyển tiếp các dự án BT như thế nào không phải là vấn đề đơn giản, bởi, đang có rất nhiều dự án BT dở dang.
“Ở đây phải cần đến “bàn tay” trong sạch của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xác định giá trị của các dự án BT đưa ra có đúng hay không, đất đối ứng có ngang giá hay không? Phải thanh tra, rà soát lại xem các giá trị thanh toán đề ra có chuẩn xác hay không, từ đó lên phương án xử lý chuyển tiếp phù hợp”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 10): Lỗi tại… chủ đầu tư?
11:00, 21/07/2020
Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 9): Tuyến đường 2,1km… 3 nhiệm kỳ chưa hoàn thành!?
06:30, 13/07/2020
Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 8): Nhiều địa phương vẫn đang… chạy “nước rút”!?
06:06, 09/07/2020
Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 7): Xong con đường, nhà trường… “mất đất”!?
06:06, 02/07/2020
Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 6): Ai tiếp tay cho sai phạm?
06:30, 30/06/2020