Dù phải chịu nhiều tổn thất, thiệt hại về kinh tế khi bị giam hàng hơn 40 ngày không rõ lí do, đến nay, doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải chờ đợi trong... vô vọng.
Như báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Bảo Long (viết tắt là Công ty Bảo Long) bị tổ công tác của vùng Cảnh sát biển 2 lập biên bản vi phạm hành chính về sự vắng mặt của thuyền trưởng và việc không đầy đủ giấy tờ, bằng cấp của thuyền viên khi đang chở hàng tại vùng biển Thừa Thiên Huế. Điều đặc biệt, đơn vị này ra quyết định tạm giữ 2.548 tấn hàng trên tàu của doanh nghiệp mà không có biên bản vi phạm hành chính về hàng hóa vận chuyển trên tàu. Đến nay đã hơn 40 ngày nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trao đổi với báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc công ty Bảo Long cho biết: “Chúng tôi muốn nhanh chóng giải quyết vụ việc để tránh thiệt hại về kinh tế, tránh kiện tụng từ công ty Lộc An và Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ Trường Thành (đơn vị quản lý tàu Nam Vỹ 79). Công ty đã chấp nhận để vùng Cảnh sát biển 2xử phạt hành chính với số tiền là 15 triệu đồng và được cam kết sẽ giải phóng phương tiện, hàng hóa ngay sau vài ngày khi hoàn tất các thủ tục pháp lý”.
Gần hai tháng trời, công ty chỉ tập trung nhân lực để phục vụ các tổ công tác của vùng Cảnh sát biển 2 và Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam về số liệu, hóa đơn, kết quả sản xuất kinh doanh... “Mỗi một yêu cầu của cơ quan Cảnh sát biển đưa ra, chúng tôi phải huy động nhiều người, nhiều bộ phận tập trung mới có số liệu báo cáo dẫn tới việc sản xuất kinh doanh của công ty bị đình trệ, ảnh hưởng đến thu nhập của toàn bộ lao động. Công ty phải vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động. Tổng số thiệt hại về kinh tế riêng về phía Công ty Bảo Long đang phải gánh chịu ước tính là hơn 500 triệu đồng”, ông Khoa bức xúc.
Việc giữ phương tiện và hàng hóa nhiều ngày gây cản trở việc sản xuất kinh doanh của các bên liên quan. Công ty Lộc An đã 3 lần gửi văn bản yêu cầu Công ty Bảo Long phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do giao hàng không đúng Hợp đồng, không có nguyên liệu sản xuất dẫn đến 140 lao động (với mức lương 7 triệu đồng/tháng/người) của Công ty Lộc An phải nghỉ việc; chịu trách nhiệm bồi thường đơn hàng liên quan đến lô hàng bị khách hàng hủy hợp đồng với phía công ty Lộc An… Công ty Vận tải Trường Thành yêu cầu Công ty Bảo Long chịu trách nhiệm bồi thường tiền dôi nhật tàu cho 10.000.000đ/ngày x 42 ngày, tiền trả lương và toàn bộ chi phí sinh hoạt cũng như các chi phí khác cho thuyền viên hiện đang phải ở trên tàu Nam Vỹ 79 để bảo quản hàng hóa, tiền lãi mà Công ty Trường Thành vay ngân hàng để duy trì hoạt động của tàu Nam Vỹ 79...
Cũng từ hệ lụy của việc tạm giữ lô hàng trên tàu Nam Vỹ 79 nói trên, việc sản xuất kinh doanh của công ty Bảo Long đã bị đình trệ, không có tiền trả lương công nhân, doanh thu bị giảm sút, vốn lưu động không xoay vòng để đáp ứng sản xuất đẫn đến công ty phải vay vốn ngân hàng. Vì vậy Công ty Bảo Long phải chịu thêm phần lãi vay này. "Tổng con số thiệt hại về kinh tế riêng về phía công ty Bảo Long đang phải gánh chịu ước tính là hơn 500 triệu đồng. Chưa tính tới những thiệt hại mà chúng tôi phải gánh chịu cùng một lúc từ phía các đối tác, khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng bế tắc, chưa tìm được giải pháp tình thế nào để tiếp tục duy trì việc tiếp tục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới", ông Khoa cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Ông Khoa nêu thắc mắc: Tại sao vùng Cảnh sát biển 2 ra Quyết định tạm giữ phương tiện, hàng hóa trên tàu Nam Vỹ 79 từ ngày 16/6/2019 mà vùng Cảnh sát biển 2 không trông coi, quản lý tàu Nam Vỹ 79 và hàng hóa trên tàu mà cho đến tận bây giờ, vẫn bắt buộc thuyền trưởng và các thuyền viên phải trông coi tàu, hàng hóa là tài sản đã bị lực lượng vùng Cảnh sát biển 2 tạm giữ? Vậy ai sẽ trả lương cho Thuyền trưởng và các thuyền viên trông coi tàu, hàng trong hơn 40 ngày qua?
"Ngày 05/7/2019, cơ quan vùng Cảnh sát biển 2 đã đồng ý hủy quyết định tạm giữ phương tiện, tang vật trả lại cho chủ sở hữu, Công ty Bảo Long đã gửi tiền nộp phạt hành chính mà cấp trên của vùng Cảnh sát biển 2 lại tiếp tục xuống xác minh, lặp lại như giai đoạn ban đầu, kéo dài thời gian giam giữ phương tiện, hàng hóa, gây cản trở việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là đúng hay sai? Có điều gì uẩn khúc ở đây với hàng hóa lưu thông trong nước, có Hợp đồng mua bán, có Hợp đồng vận tải, có hóa đơn GTGT bán hàng, đã kiểm định 2 lần xác định khối lượng…đã cử nhiều cán bộ, nhiều lần xác minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… mà vẫn giam hàng và phương tiện vận tải? Toàn bộ các thiệt hại xảy ra từ 16/6/2019 đến thời điểm hiện tại ai là người phải chịu trách nhiệm?", ông Khoa đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Từ những thắc mắc của doanh nghiệp, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên hệ tới Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam để xác minh những vấn đề trên thì nhận được câu trả lời “Chúng tôi vẫn đang xác minh điều tra!?".
Có lẽ phải đủ 60 ngày là thời gian tối đa pháp luật cho phép để xác minh, làm rõ thì mới được cơ quan Cảnh sát biển giải quyết chăng ?
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này