Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án cựu giám đốc tại Bắc Giang 10 năm kêu oan đã phải tạm hoãn bởi Hội động xét xử (HĐXX) cho rằng, vụ án có nhiều tình tiết “bất thường” cần phải làm rõ…
>>Bắc Giang: Giám đốc một doanh nghiệp 10 năm kêu oan đòi công lý
Theo đó, ngày 18/07/2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Thân Văn Hưng – Nguyên giám đốc Công ty cổ phần Hưng Sơn . Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Thân Văn Hưng cho rằng, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 14 năm tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 175 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là oan sai, bị cáo không chiếm đoạt tiền bảo lãnh của ngân hàng phát triển Việt Nam khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang (bên bảo lãnh).
Đáng chú ý, sau phần thủ tục xét hỏi của HĐXX, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội và các luật sư bào chữa cho bị cáo Thân Văn Hưng, HĐXX cấp phúc thẩm đã phải quyết định hoãn phiên tòa để làm rõ nhiều tình tiết “bất thường” trong vụ án. Cụ thể, HĐXX cho rằng, cần xác minh làm rõ tài liệu, chứng cứ chứng minh việc cả hai ngân hàng đều không nhận mình là bị hại trong vụ án.
Bên cạnh đó, theo HĐXX, cần phải xác minh, làm rõ trách nhiệm việc giám sát tài sản hình thành từ vốn vay của VPBank Bắc Giang (bên nhận bảo lãnh) và ngân hàng phát triển Việt Nam khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang (bên bảo lãnh) trên cơ sở đó để xác định trách nhiệm từng cá nhân, tập thể.
Đồng thời, HĐXX cũng yêu cầu cần làm rõ mục đích chiếm đoạt của bị cáo Thân Văn Hưng, làm rõ việc sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của Công ty Hưng Sơn trả cho ai? Trả như thế nào? Làm rõ trách nhiệm dân sự của Công ty Hưng Sơn đối với VPBank Bắc Giang (bên nhận bảo lãnh) và ngân hàng phát triển Việt Nam khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang (bên bảo lãnh) và trách nhiệm của hai ngân hàng này đối với Công ty Hưng Sơn theo Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng bảo lãnh đã ký?
Điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự, dân sự của thành viên Hội đồng quản trị và các cổ đông của Công ty Hưng Sơn. Bên cạnh đó, HĐXX cũng cho biết, cơ quan điều tra chưa làm rõ nguyên nhân thất thoát tài sản Công ty Hưng Sơn. Đặc biệt, phải xác minh, làm rõ vì sao Công ty Hưng Sơn (Bên được bảo lãnh) không được tham gia tố tụng trong vụ án?
Trước đó, ngay trước thềm phiên xét xử phúc thẩm vụ án này, ngày 4/5/2022, TAND tối cao đã có công văn số 196/TANDTC-VP gửi Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao. Cụ thể, nội dung công văn nêu rõ: “Báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử ngày 21/4/2022, có bài “Bắc Giang: Giám đốc một doanh nghiệp 10 năm kêu oan đòi công lý”, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trân trọng chuyển nội dung bài báo để Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội kiểm tra, xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết quả giải quyết” – Nội dung công văn nêu rõ.
>>Vụ giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Chờ công lý ở phiên tòa phúc thẩm
Liên quan đến vụ án này, theo hồ sơ, tài liệu như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, do nhu cầu về vốn để kinh doanh nên ngày 8/12/2010, Ban Giám đốc Công ty CP Hưng Sơn đã ký hợp đồng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank)–chi nhánh tại Bắc Giang để vay số tiền 6,5 tỷ đồng, thời hạn vay kể từ ngày ngân hàng giải ngân đến 25/3/2011.
Đến thời hạn thanh toán, Công ty Hưng Sơn mới chỉ trả 2,5 tỷ đồng tiền gốc và 300 triệu đồng tiền lãi cho Ngân hàng VPBank. Số còn lại là 4 tỷ đồng tiền gốc và tiền lãi Công ty CP Hưng Sơn đã đến hạn trả nhưng chưa thanh toán nên Ngân hàng VPBank Bắc Giang đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang tố cáo.
Ngày 19/12/2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Thân Văn Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Kết luận điều tra cũng như cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang truy tố ông Thân Văn Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều đáng nói là trong vụ án này, Viện KSND và TAND tỉnh Bắc Giang đã 5 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung cho cơ quan điều tra để làm rõ ý thức chủ quan, mục đích chiếm đoạt số tiền 4 tỷ đồng hay 6,5 tỷ đồng. Đồng thời, Viện KSND đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng thành viên HĐQT Công ty Hưng Sơn.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra vụ án, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) nay là PC03 - Công an Bắc Giang đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 05/PC46 ngày 3/2/2016 và khẳng định ông Thân Văn Hưng không phạm tội lừa đảo, nhưng có căn cứ phạm tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 142 Bộ luật Hình sự sửa đổi và quyết định này đã được Viện KSND tỉnh Bắc Giang phê chuẩn.
Cũng tại đây, CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã không xác định được ai là người bị hại, phía Ngân hàng VPBank Bắc Giang hay phía đối tác làm ăn với Công ty Hưng Sơn.
Do vậy CQĐT đã phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án số 25/PC46 ngày 6/2/2016 do Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang kí với lý do: “Do tranh chấp giữa ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh Bắc Giang và chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang nên cần phải xác định rõ nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự bằng một bản án dân sự của Toà án”.
Đến ngày 25/12/2020, CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định phục hồi điều tra và ngày 28/12/2020, PC46 (nay là PC03) đã thay đổi quyết định khởi tố bị can chuyển từ tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 1999 sang tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời ra lệnh bắt tạm giam ông Thân Văn Hưng lần thứ 2.
Ngày 17/12/2021 (tức 10 năm sau khi khởi tố vụ án - PV), TAND tỉnh Bắc Giang mới có thể mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Thân Văn Hưng - Giám đốc Công ty CP Hưng Sơn về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tuyên phạt cựu giám đốc doanh nghiệp này 14 năm tù.
Phân tích về vụ án này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, vụ án có nhiều tình tiết hết sức bất thường, có dấu hiệu oan sai, cơ quan điều tra cố tình hình sự hóa một quan hệ kinh tế dân sự. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia pháp lý, việc tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Thân Văn Hưng và phục hồi điều tra vụ án này là trái pháp luật bởi vụ án thuộc trường hợp đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can…
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Bắc Giang: Giám đốc một doanh nghiệp 10 năm kêu oan đòi công lý
11:30, 21/04/2022
Vụ một giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế
03:30, 22/04/2022
Vụ giám đốc 10 năm kêu oan: Việc tạm đình chỉ và phục hồi điều tra có trái luật?
03:50, 23/04/2022
Vụ giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Chờ công lý ở phiên tòa phúc thẩm
03:30, 16/07/2022