Vụ một giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế

NGUYỄN GIANG 22/04/2022 03:30

Liên quan đến vụ Giám đốc Công ty Hưng Sơn tại TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đội đơn kêu oan suốt hơn 10 năm qua, các luật sư cho rằng, vụ án này có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế…

>>Bắc Giang: Giám đốc một doanh nghiệp 10 năm kêu oan đòi công lý

hihihi

Bản án của ông Thân Văn Hưng, cựu giám đốc Công ty Hưng Sơn ngày 22/12/2021. Ảnh: N.G

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong bài viết trước, ông Thân Văn Hưng - Giám đốc Công ty Hưng Sơn tại TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) bị tuyên phạt 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, cựu giám đốc này đã liên tục kêu oan suốt hơn một thập niên qua vì cho rằng bản thân không hề có mục đích “chiếm đoạt” tiền của ngân hàng.  

Trong vụ án này, điều khiến dư luận hết sức khó hiểu là bởi suốt 10 năm qua, kể từ khi vụ án xảy ra, VKSND và TAND tỉnh Bắc Giang đã 5 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung cho cơ quan điều tra để làm rõ ý thức chủ quan, mục đích chiếm đoạt số tiền, đồng thời cũng đã 3 lần bổ sung kết luận điều tra nhưng vẫn chưa xác định được rõ bị can phạm tội gì (?).

Trở lại diễn biến vụ án, ngày 6/8/2013, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Giang có Bản kết luận điều tra số 90/PC6 nêu rõ: Công ty Cổ phần Hưng Sơn (gọi tắt là Công ty Hưng Sơn) thành lập ngày 7/7/2009 có trụ sở tại cụm công nghiệp Tân Mỹ, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Quá trình sản xuất, kinh doanh đến thời điểm 24/11/2010, Công ty Hưng Sơn mất khả năng về tài chính, nợ vay ngoài xã hội và các tổ chức tín dụng lên tới: 14.531.732.235 đồng. Các khoản nợ đều đến hạn hoặc sắp hết hạn phải thanh toán nhưng Công ty Hưng Sơn không còn nguồn vốn, tài sản để thanh toán.

Để có vốn kinh doanh duy trì sự tồn tại của Công ty Hưng Sơn và có nguồn tiền để thanh toán nợ vay cho các cá nhân ngoài xã hội, nợ vay cũ tại các tổ chức tín dụng, Thân Văn Hưng (Giám đốc Công ty Hưng Sơn) đã thiết lập hồ sơ đề nghị bảo lãnh của Công ty Hưng Sơn với mục đích để được Ngân hàng phát triển Bắc Giang bảo lãnh vay 6,5 tỷ đồng tại Ngân hàng VPBank Bắc Giang, sau đó chiếm đoạt 4.109.767.938 đồng của khoản vay này để trả nợ cũ và các hoạt động khác của Công ty Hưng Sơn, không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng cũng như phương án sản xuất kinh doanh. Đến nay, Công ty Hưng Sơn không còn tài sản và về khả năng về tài chính để trả nợ cho Ngân hàng VPBank Bắc Giang.

Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Giang cho rằng Thân Văn Hưng là người đại diện trước pháp luật của Công ty, Hưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Công ty. Hơn nữa, Hưng còn có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ đề nghị lãnh đạo gửi đến Ngân hàng phát triển Bắc Giang để được bảo lãnh vay 6,5 tỷ đồng tại Ngân hàng VPBank Bắc Giang và sử dụng tiền vay này để chi trả các khoản nợ vay cũ (nợ vay các ngân hàng, nợ vay các các nhân ngoài xã hội) và chi phí khác cho hoạt động của công ty. Hành vi của Thân Văn Hưng đã cấu thành tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (quy định tại Điều 139 - BLHS), chiếm đoạt của Ngân hàng phát triển Bắc Giang số tiền 4.109.767.938 đồng.

>>Hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự: Nguy cơ doanh nhân mang thân phận bị cáo… "suốt đời”

hihii

Cựu giám đốc Công ty Hưng Sơn  tại phiên tòa sơ thẩm năm 2021. Ảnh: N.G

Nhận định về vụ án này, Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam ông Thân Văn Hưng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế vì các lý do sau:

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 BLHS phải thoả mãn dấu hiệu người phạm tội thực hiện hành vi “gian dối” nhằm mục đích “chiếm đoạt tài sản”; nếu người phạm tội chỉ có hành vi “gian dối” mà không có ý thức chiếm đoạt thì cũng không thể truy cứu về tội lừa đảo, trong cấu thành tội phạm của tội này dấu hiệu bắt buộc người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội do lỗi cố ý thể hiện: mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan CSĐT cho rằng bị can Hưng đã có hành vi gian dối trong việc thiết lập hồ sơ đề nghị bảo lãnh gửi đến Ngân hàng phát triển Bắc Giang để được bảo lãnh cho khoản vay 6,5 tỷ đồng tại Ngân hàng VPBank Bắc Giang là không có căn cứ thuyết phục bởi lẽ: Theo quy định tại Điều 5, quyết định số 14/2009/QĐ-TTg và quyết định số 60/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại thì hồ sơ đề nghị bảolãnh của Công ty Hưng Sơn có đủ điều kiện bảo lãnh để vay vốn ngân hàng VPBank Bắc Giang và trên thực tế Chi nhánh Ngân hàng Phát triển (NHPT) Bắc Giang đã thẩm định và phát hành chứng thư bảolãnh cho khoản vay 6,5 tỷ đồng đối với Công ty Hưng Sơn.

Trong quy trình phát hành chứng thư bảolãnh, Chi nhánh NHPT Bắc Giang và Ngân hàng phát triển Việt Nam (cơ quan chủ quản) đều khẳngđịnh bằng văn bản việc thẩm định và chấp thuận bảo lãnh thực hiện theo đúng quy trình do NHPT ban hành, phương án kinh doanh khả thi và có hiệu quả.

Kể từ khi Công ty Hưng Sơn lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn số tiền 4.109.767.938 đồng của VPBank Bắc Giang, ông Hưng không có ý thức chiếm đoạt để tư lợi cá nhân như: không bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm mà còn tích cực thúc giục các cổ đông trong Công ty cùng họp bàn tìm biện pháp tháo gỡ để trả khoản vay còn lại.

Luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, bản chất của vụ án này là giữa VPBank Bắc Giang với Công ty Hưng Sơn ký hợp đồng tín dụng số LD1034200086 ngày 8/12/2010. Để đảm bảo khoản vay 6,5 tỷ đồng, Chi nhánh NHPT Bắc Ninh, Bắc Giang đã phát hành chứng thư bảo lãnh số 10/2010/NHPT.227-CTBL ngày 09/12/2010 cam kết có nghĩa vụ trả thay cho Công ty Hưng Sơn; trong trường hợp nếu Công ty Hưng Sơn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn vi phạm hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng VP bank Bắc Giang thì ngân hàng có quyền khởi kiện Công ty Hưng Sơn hoặc Ngân hàng phát triển Bắc Giang ra Toà án kinh tế có thẩm quyền giải quyết để thu hồi nợ.

“Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT đã vội vàng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Thân Văn Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu của việc Hình sự hóa quan hệ kinh tế”, luật sư Tạ Anh Tuấn nói.

Còn nữa…

Có thể bạn quan tâm

  • Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Thiếu kiến thức hay… “lạm quyền”?

    Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Thiếu kiến thức hay… “lạm quyền”?

    04:50, 18/08/2020

  • Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Không có bị hại vẫn kéo dài… vụ án?

    Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Không có bị hại vẫn kéo dài… vụ án?

    04:50, 12/08/2020

  • Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Sau oan sai, thiệt hại bị... “bỏ quên”?

    Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Sau oan sai, thiệt hại bị... “bỏ quên”?

    05:00, 07/08/2020

  • Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Một cái gõ bàn… “toang” cả doanh nghiệp!?

    Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Một cái gõ bàn… “toang” cả doanh nghiệp!?

    04:50, 04/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ một giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO