Theo chuyên gia, để phòng tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế, các bên nên giao dịch với nhau bằng cách mở tín dụng thư (L/C) có bảo lãnh của ngân hàng...
>>Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Rủi ro từ phương thức thanh toán D/P
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin về vụ việc 100 containers điều có nguy cơ bị lừa, theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P).
Với quy trình thanh toán D/P, doanh nghiệp điều của Việt Nam sau khi làm thủ tục xuất khẩu sẽ gửi bộ chứng từ cho hãng vận chuyển chứng từ, sau đó chuyển đến cho ngân hàng của người bán tại Việt Nam, ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Ý, nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ. Với bộ chứng từ này, người mua hàng có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng Việt Nam. Nhưng vấn đề xảy ra là khi bộ chứng từ gốc tại Việt Nam chuyển qua Ý đã không cánh mà bay.
Có ý kiến đặt ra là, có thể bộ chứng từ đã bị đánh mất, hay đánh tráo từ bộ phận chuyển phát nhanh, nhưng cũng có nhận định rằng, hãng chuyển phát nhanh vận chuyển đúng, nhưng khi tới ngân hàng sở tại thì đã bị đánh tráo ngay thời điểm đó...
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, những vụ lừa đảo như trên diễn ra rất nhiều trên thị trường quốc tế, với việc thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng.
“Khi hai bên xuất khẩu và nhập khẩu đã có hợp đồng mua bán với nhau, đến thời hạn, nhà xuất khẩu đưa hàng lên tàu, sau khi có vận đơn sẽ gửi cho ngân hàng uỷ nhiệm thu để gửi cho ngân hàng của người mua ở nước ngoài. Khi ngân hàng của người mua nhận được tất cả các giấy tờ, trong đó vận đơn là văn bản quan trọng nhất, vì vận đơn sẽ thể hiện rõ nhất người nào bán, cho ai, với giá như thế nào và chỉ người nào cầm vận đơn mới có thể lấy được hàng.
Ở ngân hàng của nhà nhập khẩu nhận được giấy tờ sẽ báo cho người mua hàng biết và xin mời đến ngân hàng thanh toán, lúc này có hai phương thức thanh toán là D/A hoặc D/P. Trong đó, D/P là người nhập khẩu ở Mỹ phải trả tiền ngay cho ngân hàng để ngân hàng chuyển đổi số tiền đó cho ngân hàng người bán tại bên xuất khẩu; còn hình thức thứ hai là D/A, thì ngân hàng bên nhập khẩu gọi khách hàng của mình đến nhận tất cả các vận đơn và hồ sơ chứng từ, sau đó người mua hàng phải ký một giấy chấp nhận thanh toán, nhưng không thanh toán ngay mà có thể thanh toán trong 30 ngày hoặc 60 ngày, giống như một tín phiếu. Đến ngày đáo hạn, nhà xuất khẩu sẽ nhờ ngân hàng trình tín phiếu đó với người mua để nhắc họ trả tiền.
Đây là một trong những cách mà các nhà xuất, nhập khẩu hàng hoá thanh toán với nhau, ngoài ra còn có nhiều cách khác như mở tín dụng thư (L/C), là ngân hàng ở nước ngoài phải mở tín dụng thư cho nhà nhập khẩu, sau đó chuyển qua ngân hàng của bên xuất khẩu. Tín dụng thư là một hình thức rất an toàn, vì có ngân hàng đứng ra bảo lãnh, còn với D/A, D/P thì không được ai bảo đảm, mà hai bên phải có mối quan hệ quen biết và lòng tin trong giao dịch với nhau”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
>>Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Đại diện Công ty Kim Hạnh Việt chính thức lên tiếng
Cũng theo vị chuyên gia, khi người gửi hàng đi tin tưởng vào đối tác sẽ thanh toán, hoặc gửi lại một tín phiếu, nhưng nếu bên kia không gửi lại, không thanh toán hoặc dùng các chiêu thức tinh vi khác để lừa đảo thì nhà xuất khẩu cũng chịu. Trong trường hợp sử dụng phương thức D/P là thanh toán ngay, thường thường ngân hàng ở nước ngoài sẽ giữ hồ sơ chứng từ gốc lại cho đến khi nào nhận tiền được của khách hàng mới trao vận đơn và các hồ sơ để nhận hàng. Nhưng nhiều khi các ngân hàng cũng cứ đưa tất cả các hồ sơ đó, còn việc khách hàng trả hay không trả ngân hàng không có trách nhiệm xử lý là rất nguy hiểm.
Thực tế, Việt Nam có rất nhiều người đã từng bị lừa với các nhà nhập khẩu từ Ý, Mỹ, Pháp, Nhật,... theo hình thức tương tự. Bởi nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam tin rằng, đã qua hệ thống ngân hàng là được bảo đảm, nhưng nếu ngân hàng không phát hành tín dụng thư, thì họ cũng không có trách nhiệm trong chuyện này. Ngay cả với tín phiếu đến hạn, ngân hàng bên nhập khẩu cũng chỉ hỗ trợ nhắc khách hàng chứ không có nghĩa vụ phải đòi tiền, nên mới dẫn đến câu chuyện nhiều người bị lừa.
“Mặt khác, không phải chỉ riêng những nhà xuất khẩu mới bị lừa trong vấn đề thanh toán, mà còn cả lừa đảo ở vấn đề hàng hóa. Ví dụ, một công ty nhập khẩu da để sản xuất giày, sau khi thực hiện giao kết hợp đồng, thanh toán bằng hình thức D/P thông qua ngân hàng để nhận vận đơn, nhưng khi đến cảng nhận hàng, mở các containers ra lại chỉ toàn là gạch, ngói.
Từ đó để thấy có hai rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu đó là về thanh toán và về hàng hóa. Vì thế, giải pháp tốt nhất là các bên nên giao dịch với nhau bằng cách mở tín dụng thư, có sự bảo lãnh của ngân hàng. Còn nếu áp dụng hình thức D/P thì nên đề nghị ngân hàng ra lệnh với ngân hàng nước ngoài chỉ giao chứng từ, vận đơn cho khách hàng khi và chỉ khi đã nhận được tiền. Đặc biệt, hình thức thanh toán này không nên áp dụng cho những khách hàng lần đầu, mà chỉ nên dùng với những đối tác thân thiết, có sự giao thiệp, có lịch sử mua bán lâu dài và hiểu rõ cách thức làm ăn của nhau”, chuyên gia tài chính ngân hàng khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
11:20, 12/03/2022
13:00, 10/03/2022
08:00, 09/03/2022
05:15, 11/03/2022