“Ngân hàng cũng là nạn nhân của những vụ lừa bằng “hợp đồng giả tạo”, tuy nhiên khi xét xử, Tòa thường dẫn quy định “bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình” nên chỉ người dân chịu thiệt…”.
>>"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 6: Giấy tờ giả “tung hoành”, chưa ai bị xử lý?
Đây là chia sẻ của luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La (Đoàn luật sư TP Hà Nội) xung quanh các vụ án lừa đảo bằng “hợp đồng giả tạo” hay còn gọi là “hợp đồng giả cách” đã xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua.
Thành lập doanh nghiệp để lừa đảo
Trong vụ việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 13 hộ dân tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đã bị Công ty CP Thép Hồng Trang đem thế chấp vay ngân hàng 60 tỷ đồng rồi “bỏ nợ” là một ví dụ điển hình. Theo phân tích của luật sư trong vụ án này, tại thời điểm vay tiền, Công ty CP Thép Hồng Trang thành lập được khoảng 6 tháng, hoạt động kinh doanh chưa mang lại lợi nhuận và không phải là doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt.
Các luật sư còn nghi ngờ doanh nghiệp đăng ký kê khai khống vốn điều lệ để có thể vay tiền nhưng thực tế cổ đông không nộp tiền vốn đăng ký. Cán bộ tín dụng của Ngân hàng đã không kiểm soát tốt hoặc cố tình cấu kết với chủ doanh nghiệp và những người có liên quan để làm khống, làm giả thông tin, hồ sơ để đủ điều kiện giải ngân vốn nhằm chiếm đoạt tiền của Ngân hàng. Thậm chí, sau khi vay được tiền, doanh nghiệp có thể đã không hoạt động kinh doanh, dùng tiền làm việc trái với mục đích vay vốn và sau đó không trả nợ dẫn đến tình trạng nợ xấu như hiện nay gây thiệt hại nặng nề cho Ngân hàng, cũng như các chủ sở hữu tài sản.
Trong một vụ án tương tự mà Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất vừa xét xử, Gia đình ông Nguyễn Văn Thực (SN 1968) và bà Quách Thị Mai (SN 1969) cùng trú tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cũng đã mất trắng tài sản khi ký vào hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo lãnh khoản vay cho Khuất Duy Lộc (SN 1990, thường trú ở xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) tại một Ngân hàng Cổ phần có chi nhánh ở tỉnh Lạng Sơn. Đáng nói, trong vụ án này, doanh nghiệp mà đối tượng Khuất Duy Lộc đứng tên vay vốn chỉ mới thành lập được 2 ngày.
Cụ thể, hộ kinh doanh Khuất Duy Lộc được phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) cấp đăng ký lần đầu ngày 1/11/2012, đến ngày 3/11/2012, Khuất Duy Lộc đi vay vốn với tài sản đảm bảo là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Thực, bà Mai. Cũng trong vụ án này, tài sản đảm bảo được nhân viên ngân hàng định giá cao gấp nhiều lần thực tế, từ đó đối tượng Lộc được giải ngân vay 4,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Tòa, đối tượng Lộc khai chỉ được thuê để đứng tên doanh nghiệp đi vay tiền.
>>"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 5: Nhân viên ngân hàng có “tiếp tay”?
Người dân chịu thiệt!
Trao đổi với DĐDN xung quanh câu chuyện này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh cho biết, ngày 21/6/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo đó, cơ chế xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng được thực hiện nhanh và thuận tiện hơn.
Nghị quyết này còn quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để xử lý thu hồi nợ. Vì vậy, việc xử lý tài sản bảo đảm mà người dân thế chấp bảo đảm cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đã diễn ra nhiều và nhanh hơn; rất nhiều cá nhân, hộ gia đình đã bị mất đất, mất nhà và lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn, bi đát, không còn nhà để ở, trong khi, những cá nhân, hộ gia đình này không được tiêu bất kỳ một đồng tiền nào của ngân hàng mà doanh nghiệp đã vay.
Luật sư Tuấn cũng cho biết, thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa người khởi kiện là ngân hàng (bên cho vay, bên nhận thế chấp) với người bị kiện là doanh nghiệp (bên vay) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bên thế chấp) thì kết quả giải quyết các vụ án này, đại đa số ngân hàng là “bên thắng”, doanh nghiệp là “bên thua”, người thế chấp là “bên thiệt”. Ngân hàng thì thu được nợ cả gốc và lãi; doanh nghiệp mặc dù đã tiêu hết tiền vay nhưng không còn gì để trả, nên không phải trả; người thế chấp thì không được tiêu tiền vay nhưng lại phải trả nợ cho ngân hàng cả gốc và lãi bằng chính giá trị tài sản bảo đảm của mình. Nếu không muốn bị mất đất, mất nhà thì người thế chấp phải tự trả nợ cho ngân hàng thay cho doanh nghiệp.
“Nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu và ngăn chặn được thì sẽ còn có thêm hàng trăm, hàng ngàn người dân bị lừa mất nhà, sẽ có nhiều ngân hàng bị lừa đảo mất tiền, làm cho nợ xấu ngân hàng không ngừng gia tăng, đe dọa đến sự an toàn của cả hệ thống tín dụng, sự ổn định và phát triển của nền kinh tế”, luật sư Tạ Anh Tuấn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 6: Giấy tờ giả “tung hoành”, chưa ai bị xử lý?
03:40, 11/09/2023
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 5: Nhân viên ngân hàng có “tiếp tay”?
00:20, 07/09/2023
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 4: Trách nhiệm của công chứng viên?
03:00, 27/08/2023
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 3: Nâng “khống” tài sản, “rút ruột” ngân hàng
03:30, 26/08/2023
Tránh bẫy “hợp đồng giả cách”
03:00, 19/08/2023
“Khốn đốn” vì bẫy lừa “hợp đồng giả cách”
14:51, 15/08/2023
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 2: “Phù phép” giấy tờ, “chiếm đoạt” tài sản
03:50, 14/08/2023
"Sập bẫy" lừa “hợp đồng giả cách” - Kỳ 1: Gian nan xin xác nhận..."mình chưa chết"
03:30, 11/08/2023