Đất của người dân được giao quyền sử dụng và họ đang phát triển ổn định, nộp các loại phí liên quan theo quy định từ những năm 90 đến nay.
Tuy nhiên, khi thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) tiến hành thu hồi, nhiều hộ dân không được bồi thường, hỗ trợ về đất, công tôn tạo đắp đầm.
Như DĐDN đã phản ánh, các hộ dân tại phường Đại Yên, TP Hạ Long bị yêu cầu trả lại đất và không được bồi hoàn vì... nằm trong quy hoạch và hết thời hạn giao đất. Bao nhiêu ngày tháng vất vả quật lập, đầu tư tiền của nhiều tỷ đồng, giờ đứng trước nguy cơ bằng 0.
Từ bằng khen đến cảnh báo cưỡng chế!
Ông Nguyễn Văn Chiến tổ 1, khu 2 phường Đại Yên (Hạ Long) được giao đất và mặt nước để phát triển kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản theo tiếng gọi của nhà nước từ những năm 90. Từ đó đến nay, ông đã mất rất nhiều công gia cố để bờ bao đủ sức chịu đựng bão tố, thiên tai. Bỏ tiền mua giống vốn, ngày lội bùn, đêm canh cống, dốc cạn vào đó sức người, sức của, niềm hy vọng, sự chờ đợi để có những mùa vụ cá tôm đặng nuôi sống gia đình.
Với sự cần cù, ông đã xây dựng được 1 cơ ngơi trạng trại bề thế, doanh thu mỗi vụ trên 400 triệu đồng, giải quyết nhiều công ăn việc làm và đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. Năm 2015-2017 ông Chiến vinh dự được chọn là gương mặt xuất sắc để giới thiệu trong kỷ yếu Nông dân điển hình của Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh.
Khi công sức bỏ ra đang cho những thành quả ngọt ngào thì gia đình ông Chiến choáng váng nhận thông báo di dời tất cả, không bồi thường, hỗ trợ, nếu không di dời sẽ bị cưỡng chế.
Trao đổi với DĐDN, ông Chiến bức xúc nói, “Kể từ năm 1992 gia đình tôi luôn đóng đủ các loại phí thuê đất, thuê mặt nước. Ngoài ra thì thành phố cũng đã có chứng nhận trang trại của gia đình tôi là trạng trại đạt chuẩn”, nói đến đây ông đưa PV xem một tập các loại biên lai thu tiền, hóa đơn thuế, sổ giao đất, chứng nhận trang trại.. “Với tất cả những gì đã làm đã có, tôi thiết nghĩ nhà nước cần có những quyết định đánh giá đúng bản chất, nhìn vào công sức, đóng góp và trách nhiệm của người dân với sự phát triển kinh tế địa phương để có được cách giải quyết có tình có lý hơn”, ông Chiến bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
06:56, 12/03/2019
07:15, 25/02/2019
11:32, 16/05/2019
Cũng giống hộ ông Chiến, ông Phạm Thành Huân, người khai hoang nuôi trồng từ những năm 86 với nhiều thành quả đạt được đang đứng trước nguy cơ mất trắng chia sẻ, Quyết định của thành phố Hạ Long là không thấu tình, đạt lý. Theo ông Huân, khi được giao thì nơi đây đều là sú vẹt, nước trũng. Qua nhiều năm bà con cải tạo, bồi đắp mới có mảnh đất cao ráo vuông vắn để đắp đầm, chăn nuôi như hôm nay. Bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt của dân rơi xuống để bồi đắp lên những thành quả, nhưng khi nhà nước lấy không có bồi thường, hỗ trợ gì cho bà con thì quả là quá “tàn nhẫn”.
Đền bù bằng 0, quy định nào trong luật?
Tại Khoản 3 Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định, trong trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2014, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và theo Điều 13 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, “Khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai thì vẫn được bồi thường về đất”.
Theo Quyết định 3000/QĐ-UBND ngày 02/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh tại Điều 13 quy định: Hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp. Đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản được bằng 2,5 giá đất cùng loại, đối với đất nông nghiệp còn lại là 2 lần. Vì vậy, phải cho các hộ dân được hưởng hỗ trợ chuyển đồi nghề nghiệp và việc làm đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.
Như vậy có thể thấy, với những quy định trên, trong trường hợp này, ngay cả khi không đầy đủ giấy tờ thì người dân đang sử dụng đất vẫn được bồi thường. Trong khi đó, trường hợp ông Chiến và nhiều hộ dân ở Đại Yên còn đầy đủ các giấy tờ hợp pháp vì sao UBND thành phố Hạ Long thông báo không bồi thường, hỗ trợ?
Ngay cả khi nhà nước có chủ trương việc thu hồi đất đai trong mọi trường hợp phải đảm bảo quyền lợi, không để người dân bị thiệt thòi? Đó là chưa nói việc thu hồi đất của các hộ dân sẽ giao cho ai, vào mục đích gì? Liệu có loại trừ khả năng nó sẽ thuộc về dự án của một doanh nghiệp nào đó khi luật đã quy định rõ dự án do các doanh nghiệp thực hiện thì các doanh nghiệp phải trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với người dân?
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin