Sau 2 năm, và kể từ khi Toà án thụ lý vụ việc: "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Du (Q.Gò Vấp) và bị đơn là Sabeco, vẫn còn là bí ẩn.
Nguyên đơn rút 1 phần khởi kiện…
Theo đó, sáng 20/4, TAND quận 5 mở phiên tòa xét xử vụ khách hàng kiện Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đòi bồi thường 1 triệu USD vì mua phải chai bia còn 1/4 nước.
Trong phần tranh luận giữa đại diện của ông Nguyễn Phương Du và Sabeco, luật sư bảo vệ quyền lợi cho hai đương sự tranh cãi về yêu cầu khởi kiện.
Theo đó, ở phần tranh luận, đại diện cho Sabeco, luật sư Hoàng Hữu Nhân đề nghị đình chỉ vụ án vì cho rằng ông Du không có tư cách khởi kiện. Bởi, theo luật sư, chai bia mà ông Du cho là của Sabeco không có giá trị chứng cứ, không được thu thập hợp pháp, chỉ dựa vào thông tin phản ánh một chiều của ông Du.
"Chai bia được phát hiện ở đâu, thời gian nào, ai làm chứng... thì không ai biết. Điều này không đảm bảo về mặt chứng cứ" – Luật sư Nhân lập luận.
Người bảo vệ quyền lợi cho Sabeco nói rằng có nhiều hướng dẫn cách lấy bớt bia trong chai mà không mở nắp. Do đó, nếu ai có mục đích, động cơ không lành mạnh thì cũng dễ dàng thực hiện ý đồ.
Ngoài ra, đại diện của Sabeco cũng chỉ ra lời khai của nguyên đơn mâu thuẫn, bất nhất. Trong đó, ông Du thừa nhận không uống bia Sài Gòn đỏ, điều này được người làm chứng cung cấp. Khi tính tiền tại quán Hòn Thơm, ông Du cầm chai có 1/4 lượng bia mang về.
Và, giả sử chai bia đó đúng của Sabeco thì cũng chưa thỏa mãn điều kiện để khởi kiện vì nguyên đơn mua lại từ quán đem về, không phải mua với mục đích sinh hoạt gia đình, tiêu dùng, Luật sư Nhân nói.
Cùng bảo vệ cho Sabeco, Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng việc mua lại chai bia chỉ còn 1/4 lượng là điều không bình thường của người tiêu dùng. Do đó, Sabeco càng tăng thêm nghi ngờ nguyên đơn có mục đích trong việc này.
"Giám định kỹ thuật hình sự không xác định được đó là chai bia Sài Gòn thì làm sao Sabeco xác nhận được". Do đó, luật sư Tâm trình bày và cho rằng trong quan hệ này, ông Du không phải là người tiêu dùng nên không có căn cứ khởi kiện.
Đối đáp quan điểm của Sabeco, luật sư Trần Đình Dũng (bảo vệ quyền lợi cho ông Du) cho rằng căn cứ vào hóa đơn xác định chính ông Du là người thanh toán tiền, bao gồm chai bia trong vụ kiện, do đó ông Du hoàn toàn có đủ tư cách khởi kiện.
Bởi, theo luật sư Dũng, trong vụ án liên quan đến người tiêu dùng, pháp luật quy định người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của nhà sản xuất.
Về lời khai của nguyên đơn, Luật sư cho rằng, ông Du khai ngày càng chi tiết hơn. Tóm lại là ông Du có mua chai bia này, có thanh toán tiền. Do đó, không thể nói ông không phải là người tiêu dùng. Còn mục đích tiêu dùng, mua chai bia để làm gì thì không có luật pháp nào đặt ra.
"Làm sao bắt ngươi tiêu dùng mua về là phải uống, phải thế này thế nọ mới có quan hệ với Sabeco"- Luật sư Nhuần nhấn mạnh.
… bị đơn đề nghị chuyển cơ quan điều tra
Về diễn biến vụ việc, tại phiên tòa sáng nay, nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc đòi Sabeco bồi thường 1 triệu USD (tương đương 23 tỷ đồng).
Theo đó, ông Du giữ lại các yêu cầu đề nghị tòa buộc Sabeco bồi thường trị giá chai bia nhãn hiệu Sài Gòn là 10.500 đồng; tổn thất tinh thần tương đương 10 tháng lương tối thiểu tại khu vực TP.HCM là 39,8 triệu đồng; buộc Sabeco đăng xin lỗi công khai ông Nguyễn Phương Du với tư cách người tiêu dùng trên 3 số báo liên tục của bốn tờ báo.
Đáng chú ý, trước việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của ông Du, bị đơn (Sabeco), đặt nghi vấn về sự bất thường, do đó, việc này cần phải được chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ động cơ của bên nguyên đơn.
Về phía HĐXX cho rằng, các tài liệu, chứng cứ trong vụ án chưa đủ căn cứ để xác định chai bia dùng làm vật chứng có phải của Sabeco hay không nên quyết định dừng phiên tòa. Sau khi nghị án, HĐXX TAND quận 5 (TP.HCM) quyết định tạm ngừng phiên tòa xét xử vụ án dân sự Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Du (46 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và bị đơn là Tổng công ty Cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Theo đó, HĐXX chấp nhận đề nghị của Viện KSND quận 5, xét thấy cần phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để xác định chai bia (vật chứng của vụ án) có phải của Sabeco hay không, đồng thời tìm hiểu cách dán nhãn, gắn mã trên chai bia của Sabeco. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Trước đó, ngày 21/10/2019, Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM (viện Khoa học hình sự) công bố kết luận giám định với chai bia, cho thấy: “Không phát hiện thấy dấu vết thủng, trượt, xước, biến dạng lạ trên nắp chai bia Sài Gòn Export (mẫu giám định). Nắp chai bia Sài Gòn Export (mẫu giám định) có đặc điểm giống với nắp chai bia Sài Gòn Export (mẫu so sánh)”.
Đặc biệt, trong yêu cầu trưng cầu giám định có nội dung: “Nắp chai bia Sài Gòn đỏ, nhãn hiệu Sài Gòn Export có còn nguyên như sản phẩm mới hay không?”.
Và kết quả cuối cùng là “chai bia mà ông Du đang sở hữu, được xác định là chai của Sabeco”, không phải bia giả như nhiều ý kiến lo ngại trước đó. Còn nước trong chai là gì? Thành phần hoạt chất trong chai ra sao? Vẫn còn là những bí ẩn chưa có lời giải?
Như vậy, sau 2 năm, và kể từ khi Toà án thụ lý vụ việc: "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Du (Q.Gò Vấp) và bị đơn là Sabeco, vẫn còn là những bí ẩn chưa có lời giải.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin
Có thể bạn quan tâm
05:00, 31/03/2021
18:00, 19/01/2021
20:30, 17/01/2021
17:32, 28/12/2020
11:00, 21/10/2020
10:44, 18/10/2020
06:28, 15/10/2020
01:36, 29/08/2020