Theo chuyên gia, TikToker Mr Pips lừa hàng nghìn tỷ đồng sử dụng công nghệ không có gì mới, nhưng chiến lược tiếp cận và quảng bá lại rất công khai, khác biệt…
Liên quan đến vụ việc TikToker Mr Pips (Phó Đức Nam) lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng, theo cơ quan điều tra, bộ máy của Nam có hơn 1.900 nhân viên, phân cấp, với các nhiệm vụ như marketing, quản lý telesale, kế toán, chăm sóc khách hàng, kỹ thuật, hỗ trợ nạp rút tiền, duy trì máy chủ và các sàn.
Cơ quan chức năng cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 2.661 bị hại trong vụ lừa đảo của TikToker Mr Pips và đồng phạm. Tính đến ngày 11/12, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn trình báo của 18 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt là 28.443.000.000 đồng. Hiện còn rất nhiều bị hại khác chưa trình báo, cơ quan điều tra chưa xác định được thông tin, số tiền bị hại bị chiếm đoạt.
Trao đổi với báo chí về vụ án này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia NCS, cho biết: "Vụ việc cho thấy các đối tượng lừa đảo áp dụng công nghệ không mới, nhưng chiến lược tiếp cận và quảng bá lại rất công khai, khác biệt.
Trái ngược với các vụ việc lừa đảo trước đó - thường ẩn danh hoặc giả mạo cơ quan, tổ chức để chiếm lòng tin - nhóm của đối tượng này sử dụng chính hình ảnh của người cầm đầu để thu hút nạn nhân. Các nội dung được đăng tải trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác thường mô tả sự giàu có, cuộc sống xa hoa và cách kiếm tiền dễ dàng, kích thích lòng tham của người xem và dẫn dụ họ vào các kịch bản lừa đảo".
Theo ông Sơn, về công nghệ, các đối tượng dựng lên những sàn giao dịch tài chính và chứng khoán giả mạo dưới dạng các website hoặc ứng dụng. Các nền tảng này không kết nối với bất kỳ hệ thống tài chính chính thống nào mà hoàn toàn hoạt động độc lập, dựa trên dữ liệu được lập trình sẵn. Mọi thông tin về lãi hoặc lỗ đều do các đối tượng dàn dựng, tạo cảm giác đầu tư thành công ban đầu để thu hút nạn nhân chuyển thêm tiền. Khi nạn nhân rơi vào "mê cung" của các giao dịch giả, họ sẽ tiếp tục bị dụ dỗ đầu tư thêm với hy vọng gỡ vốn hoặc kiếm lời.
"Đặc biệt, nhóm này còn xây dựng một mô hình giả lập như một công ty chuyên nghiệp, với nhiều phòng ban như marketing, chăm sóc khách hàng, kỹ thuật, và bộ phận hỗ trợ nạp/rút tiền. Nhân viên được chỉ định liên lạc trực tiếp với nạn nhân để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn đầu tư, và xử lý các giao dịch. Điều này tạo cảm giác đây là một tổ chức kinh doanh hợp pháp, từ đó củng cố niềm tin của nạn nhân và khiến họ khó nhận ra dấu hiệu lừa đảo", ông Sơn cho biết thêm.
Chiến lược khác biệt này không chỉ lợi dụng lòng tham mà còn khai thác tâm lý tin tưởng khi cho nạn nhân nhìn "thấy người thật, việc thật" và sự "chuyên nghiệp" giả mạo của tổ chức.
“Tóm lại, lý do chính khiến nhiều nạn nhân dễ dàng rơi vào bẫy của nhóm lừa đảo này là việc bị thao túng tâm lý, còn các công nghệ được áp dụng hoàn toàn không có gì mới”, ông Vũ Ngọc Sơn phân tích.
Điều đáng nói trong vụ án này là các đối tượng lừa đảo đã lừa "tài" đến mức nạn nhân không nghĩ mình bị lừa, mà tưởng nhầm là gặp rủi ro trong đầu tư. Đại diện Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: "Trong quá trình xác minh, cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn do bị hại nghĩ đây là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc bị mất tiền là do may rủi nên nhiều bị hại không trình báo và không hợp tác, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng lừa đảo".
Trả lời báo chí, Thượng tá Cao Văn Thái, Đội trưởng Đội trọng án Công an TP Hà Nội cho biết, trong số 2.661 nạn nhân, có rất nhiều người có kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán, nhưng vẫn bị mắc bẫy của băng nhóm lừa đảo TikToker Mr Pips. Vụ này thêm một bài học cho cộng đồng, đó là đừng tin vào kênh đầu tư trên mạng, với những quảng cáo dụ dỗ ngon ngọt và sự khoe khoang hào nhoáng của trùm lừa đảo.
Phó Đức Nam lên mạng xã hội khoe tài sản khủng, giới thiệu cách làm giàu, thế là vài ngàn người nghe theo. Lòng tham che mờ mắt, không còn tỉnh táo để thấy đó là chiếc bẫy. Làm gì có kênh đầu tư tiền lợi nhuận dễ dàng và nhanh chóng lên tới 50% thậm chí là 100%.
Công an đã nhiều lần cảnh báo về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, nhưng vẫn có nhiều người mất cảnh giác. Đừng quên rằng, băng nhóm TikToker Mr Pips bị triệt phá, nhưng có thể còn nhiều băng nhóm khác đang hoạt động.