Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Việc Thế Giới Di Động ban hành Thông báo đến các đối tác cho thuê về số tiền “sẽ thanh toán” là vi phạm nguyên tắc tự do thỏa thuận trong quan hệ dân sự theo quy định tại Điều 3 Bộ Luật dân sự…
Những ngày qua, khi dư luận xã hội vẫn còn đang xôn xao về văn bản Thế Giới Di Động (MWG) gửi đối tác cho thuê mặt bằng ngày 2/8 đề nghị không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong những tháng doanh nghiệp này phải đóng cửa ngừng kinh doanh theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước để phòng chống dịch bệnh COVID-19; thì mới đây, ngày 6/10, MWG tiếp tục ra “tối hậu thư” với các đối tác là sẽ thanh lý hợp đồng nếu không nhận được phản hồi việc giảm giá thuê mặt bằng trước ngày 25/10…Vậy, theo quy định của pháp luật, cách “hành xử” của MWG có đúng?
Trong quan hệ pháp luật dân sự hay kinh doanh thương mại, chính sách pháp luật nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng tự do thỏa thuận của các bên, nếu thỏa thuận của các bên không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội thì sẽ được pháp luật bảo vệ.
Cụ thể trong vụ việc này, MWG ban hành Công văn số 0208/2021/TGDĐ-ĐMX đến các đối tác cho thuê mặt bằng về việc “giảm 70% tiền thuê trong thời gian bán hàng giãn cách hoặc miễn tiền thuê trong thời gian cửa hàng đóng cửa” thực chất chỉ là đề nghị điều chỉnh tiền thuê từ một bên trong quan hệ hợp đồng, người cho thuê mặt bằng có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị của MWG.
Tuy nhiên, căn cứ vào Công văn số 0208/2021/TGDĐ-ĐMX, MWG lại ban hành Thông báo đến các đối tác cho thuê về số tiền “sẽ thanh toán” là vi phạm nguyên tắc tự do thỏa thuận trong quan hệ dân sự theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự:
“2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của thuật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Bên cạnh đó, Công văn số 0208/2021/TGDĐ-ĐMX không phải văn bản quy phạm pháp luật cũng không thể hiện đó là sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng.
Do vậy, MWG không thể đơn phương căn cứ vào đó để “xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.
Khái niệm sự kiện bất khả kháng được quy định tại Bộ luật dân sự, Luật thương mại và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành, khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự quy định:
“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;”
Theo đó, để xác định 01 tình huống cụ thể là sự kiện bất khả kháng trong quan hệ hợp đồng, các bên có thể định nghĩa và liệt kê tại hợp đồng và tại phụ lục hợp đồng trước hoặc sau khi xảy ra sự kiện đó.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã có đủ các yếu tố để được xem xét là một sự kiện bất khả kháng “Xảy ra một cách khách quan, các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tác động lên mỗi ngành nghề và mỗi địa phương khác nhau trường hợp nào được coi là sự kiện bất khả kháng còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh. Việc cơ quan nhà nước yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng bán hàng trực tiếp tại cửa hàng nhưng vẫn cho phép bán hàng online và áp dụng các biện pháp “khắc phục” hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp thì có được coi đó là sự kiện bất khả kháng nữa không cũng khó có thể xác định rõ ràng.
Trong trường hợp, các bên không thể thỏa thuận về việc coi tình huống đó là sự kiện bất khả kháng thì chỉ Tòa án mới có thẩm quyền khẳng định sự kiện đó là bất khả kháng. Trong hệ thống án lệ của Việt Nam hiện nay chưa có án lệ nào khẳng định tình hình dịch bệnh hoặc giãn cách xã hội theo các Chỉ thị của Chính phủ là sự kiện bất khả kháng.
Nếu các bên không thể thỏa thuận tình huống xảy ra được coi là sự kiện bất khả kháng thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định đó là sự kiện bất khả kháng và áp dụng các điều khoản về bất khả kháng trong hợp đồng thuê mặt bằng. Chỉ phán quyết của Tòa án mới có hiệu lực bắt buộc các bên trong quan hệ hợp đồng phải thực hiện.
Trên thực tế, nhiều địa phương trong thời gian giãn cách vẫn ưu tiên cho vận tải hàng hóa, ưu tiên hoạt động giao hàng (shiper), hệ thống cửa hàng của Thế Giới Di Động vẫn triển khai bán hàng online, việc giãn cách xã hội cũng chỉ áp dụng trên một số địa bàn cụ thể với từng biện pháp giãn cách khác nhau và không áp dụng trên toàn quốc với hệ thống 2000 của hàng MWG.
Vậy công văn số 0208/2021/TGDĐ-ĐMX đã được MWG gửi đến những đối tác nào? Căn cứ vào đâu để xác định “thời gian đóng cửa” và “thời gian bán hàng giãn cách” để miễn hoặc giảm tiền thuê, cũng như các đối tác thuê mặt bằng của MWG đã phản ứng thế nào khi nhận được Công văn số 0208/2021/TGDĐ-ĐMX?
Tiếp sau Công văn số 0208/2021/TGDĐ-ĐMX, MWG đã tiếp tục gửi các Thông báo thanh toán chi phí thuê mặt bằng đến các đối tác cho thuê mặt bằng với số tiền miễn giảm cụ thể do MWG tự đưa ra đã thể hiện rằng MWG không thực hiện “nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí”.
Đặc biệt, với những người cho thuê đã nhận được công văn với nội dung “Tổng số tiền thanh toán” âm hàng trăm triệu, như vậy là người cho thuê quay lại nợ tiền người thuê và MWG đang mong muốn người cho thuê buộc phải cho MWG sử dụng tiếp mặt bằng để cấn trừ tiền nợ?
Có thể bạn quan tâm