Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái khai nhận bối cảnh phạm tội. Ông Thái cho biết khi bản thân nhận thức được hành vi sai phạm nên tự thú…
Ngày 14/1/2025, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục) cùng các bị cáo trong vụ “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, bắt đầu phần xét hỏi.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Đức Thái thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố và trình bày rằng bị cáo Tô Mỹ Ngọc, bị cáo Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát) có đến gặp và nhờ tạo điều kiện tham gia đấu thầu.
Theo lời khai của bị cáo Thái, khi đó, bị cáo mới về Nhà xuất bản Giáo dục, chưa nắm được các chủng loại giấy. Các bị cáo Ngọc, Trí đến gặp thì đều trình bày họ đã cung cấp giấy cho Nhà xuất bản ổn định nhiều năm trước, chất lượng giấy tốt, giá cả cạnh tranh. Bị cáo có hứa sẽ tạo điều kiện cho tham gia đấu thầu. Sau đó, bị cáo Thái chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng phòng Marketing Nhà xuất bản) rằng đây là các công ty đã thường xuyên cung cấp giấy thì tạo điều kiện cho họ. Tuy nhiên, bị cáo không chỉ đạo Thủy phải làm cho các công ty trúng thầu, không bảo cung cấp thông tin.
Nói về việc áp dụng phương thức chào hàng cạnh tranh, do giấy in không phải mặt hàng phải đấu thầu nên bị cáo Thái căn cứ vào tham mưu của Ban chỉ đạo lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư, tham mưu của các cán bộ lâu năm để ra chủ trương. “Sau này bị cáo mới nhận ra việc áp dụng phương thức chào hàng cạnh tranh là không đúng quy định”, bị cáo Thái thừa nhận.
Sau khi trúng thầu, các công ty của bị cáo Ngọc, Minh đã đến gặp cám ơn bị cáo Thái. Trong đó, bị cáo Ngọc thường đến cảm ơn vào dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tổng số tiền bị cáo Thái đã nhận của bị cáo Ngọc là hơn 20 tỉ đồng.
Còn bị cáo Minh đến cảm ơn vào dịp Ngày nhà giáo Việt Nam và đã đưa hơn 4 tỉ đồng. Khi đưa túi quà, bị cáo Ngọc, Minh chỉ nói quà cảm ơn. Số tiền này, bị cáo Thái khai đã sử dụng cá nhân hết, không mua tài sản gì, cũng không biếu tiền ai khác. Hiện bị cáo Thái đã nộp lại 25 tỉ đồng.
Khác với lời khai trên, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy lại khai bị cáo Nguyễn Đức Thái chỉ đạo bị cáo tạo điều kiện cho các công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Minh Cường Phát, “nếu họ xin gì thì đưa cho họ”.
Sau khi bị cáo Thái chỉ đạo, Thủy nói lại với bị cáo Đinh Quốc Khánh (Phó phòng Marketing Nhà xuất bản) và tiết lộ thông tin cho hai công ty nói trên khi họ liên hệ xin các tài liệu liên quan các gói thầu. “Việc cung cấp tài liệu là không đúng luật nhưng sau này bị cáo mới biết", Thủy khai.
Cùng trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát) khai hợp tác với Nhà xuất bản Giáo dục từ năm 2015 và quen biết với một cán bộ là Phó ban ở Nhà xuất bản. Năm 2017, khi Nhà xuất bản có kế hoạch mua sắm thì bị cáo có liên hệ với anh này hỏi thông tin thì được biết ông Thái lên thay. Bị cáo Minh có nhờ giới thiệu lên gặp ông Thái trình bày.
Khi đến gặp ông Thái, bị cáo Minh đi một mình, trình bày đã cung cấp giấy cho Nhà xuất bản 3 năm ổn định không trục trặc, giá cả cạnh tranh, phục vụ tốt, chất lượng tốt, xin tiếp tục phục vụ. “Anh Thái bảo đã từng cung cấp sẽ xem xét tạo điều kiện tiếp tục tham gia đấu thầu”, bị cáo Minh khai.
Theo lời khai của bị cáo Minh, năm 2017, Công ty Minh Cường Phát không được ưu tiên gì khi tham gia đấu thầu, chỉ trúng 1 gói thầu. Sau khi trúng thầu, bị cáo đi cùng nhân viên đến cám ơn ông Thái. Tiền cám ơn từ nguồn tiền công ty. “Ông Thái không yêu cầu đưa tiền, bị cáo cũng không thỏa thuận với ông Thái, bị cáo chỉ nghĩ làm ăn thì biếu quà”, bị cáo Minh khai.
Số tiền đưa bị cáo Thái được căn cứ vào chi phí, lợi nhuận của công ty, bị cáo Minh khai tạm tính dưới hình thức chi phí quảng cáo bán hàng. Giá chào gói thầu thấp hơn giá dự toán mua hàng của Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra rất nhiều. Gói thầu số 7, bị cáo không thỏa thuận gì và còn giảm giá xuống 1 tỉ làm thiện chí cho quan hệ tốt đẹp về sau.
Bị cáo Minh cũng khai bản thân không nghĩ đưa tiền là hành vi phạm tội cũng không nhận thức chào hàng cạnh tranh rút gọn là vi phạm pháp luật.
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, theo cáo trạng của vụ án này, việc mua giấy in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB Giáo dục, sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Trước năm 2017, đơn vị này đều áp dụng hình thức "chào giá".
Từ năm 2017, Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐTV kiêm đại diện pháp luật của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, có quyền quyết định trong việc mua sắm giấy in phục vụ in sách giáo dục. Trên cương vị này, cựu chủ tịch NXB bị cáo buộc đã chỉ đạo lựa chọn mua giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực.
Trong quá trình thực hiện các gói thầu được giao với tổng giá trị hơn 452 tỉ đồng, bị cáo Thái đã nhận hối lộ của hai nhà thầu Phùng Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát tổng số tiền 24,9 tỉ đồng.
Theo đó, ngay khi Thái được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch Nhà xuất bản, lãnh đạo 2 công ty trên đã đến gặp vừa để giới thiệu về công ty vừa nhờ tạo điều kiện giúp đỡ cho trúng thầu và "sẽ cảm ơn". Sau khi thống nhất với Nguyễn Trí Minh (giám đốc Công ty Minh Cường Phát) và Tô Mỹ Ngọc (chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng), bị cáo Thái đã chỉ đạo cấp dưới lựa chọn phương thức "chào hàng cạnh tranh rút gọn" và đưa 2 công ty này vào "danh sách ngắn" được nhận yêu cầu báo giá trái quy định.
Theo cáo buộc, từ năm 2017 đến năm 2022, nữ chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng đã nhiều lần lên phòng làm việc đưa hối lộ cho bị cáo Thái tổng cộng 20 tỉ đồng vì được tạo điều kiện trúng 13 gói thầu tổng trị giá hơn 2.100 tỉ đồng. Cũng từ năm 2017 - 2020, Nguyễn Trí Minh đã đưa hối lộ tổng số tiền 4,9 tỉ đồng cho Nguyễn Đức Thái để được tạo điều kiện trúng các gói thầu.