Không chỉ chất lượng xăng, các sản phẩm, phụ phẩm như các hóa chất, phụ gia sử dụng trong sản xuất xăng kém chất lượng cũng phải được quản lý, kiếm soát chặt chẽ.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) về đường dây xăng giả 3.000 tỷ của Đại gia Trịnh Sướng, trước đó có nhiều đoàn kiểm tra cơ sở xăng của Trịnh Sướng nhưng vẫn không phát hiện ra sai phạm.
Mặc dù cơ quan công an hiện chưa công bố xăng ở cơ sở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) là xăng giả. Tuy nhiên, việc sản xuất xăng giả là có tổ chức và không chỉ diễn ra trên địa phận tỉnh Sóc Trăng. Cơ quan công an cũng đang làm rõ gần 10 cửa hàng ở Đắk Nông có liên quan đến đường dây sản xuất, bán xăng giả.
Trên thực tế, lời khai ban đầu của các bị can cho thấy, một lượng xăng dầu lớn đã được xuất bán cho các địa phương như Đắk Lắk, Cần Thơ, Sóc Trăng, Khánh Hoà, Hậu Giang rồi ra đến cả Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng…., xăng giả được các công ty bán trực tiếp cho cửa hàng nên không cần hóa đơn. Mỗi lần nhập hàng, các đơn vị này lấy một xe bồn khoảng 26 m3 rồi bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cơ quan nhà nước kiểm tra theo định kỳ và kiểm tra đột xuất mà không phát hiện sai phạm có nghĩa là thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Không thể nói cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm. Cơ sở xăng dầu liên quan đến Trịnh Sướng, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện sai phạm và phạt 50 triệu đồng, theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, phạt 50 triệu là số tiền rất lớn, gần như kịch khung.
Trong vụ việc này, khi cơ quan điều tra chưa có báo cáo thì chưa biết khâu nào trong chuỗi mắt xích quản lý nhà nước "có vấn đề" vì liên quan đến các ngành tài nguyên - môi trường, công thương, khoa học - công nghệ, thuế, công an... Sau khi vụ án kết thúc, cần xem xét để cải tiến, chỉnh sửa những khâu còn lỏng lẻo.
Theo một vị đại biểu quốc hội đoàn Sóc Trăng, để bắt quả tang trực tiếp là rất khó, bây giờ bắt được rồi thì chờ xem điều tra hổng khâu nào. Đây là sự việc về kinh tế thì phải có các giải pháp đồng bộ về kinh tế, còn các giải pháp hành chính chỉ để hỗ trợ.
Theo đó, vị đại biểu Quốc hội này đánh giá, công tác hậu kiểm, quản lý có vấn đề nên không phát hiện ra được. “Với vai trò là cơ quan lập pháp, cũng cần xem lại ý kiến từ cơ sở để tạo điều kiện hậu kiểm đã phù hợp chưa, cần cải tiến như thế nào để nâng cao chất lượng hậu kiểm”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Hà Nội Hoàng Văn Cường, Phó giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc cơ quan công an điều tra, phát hiện đường dây sản xuất xăng dầu kém chất lượng quy mô lớn cho thấy việc kiểm tra, kiểm soát và quản lý còn nhiều yếu kém và bất cập.
"Với vụ này, để làm rõ có lợi ích nhóm hay không, phải chờ điều tra. Rõ ràng để xảy ra như vậy cho thấy sự yếu kém, vì xăng dầu là mặt hàng có sự kiểm soát của nhà nước, có nhiều khâu quản lý như nhập khẩu, sản xuất, thuế đầu vào đầu ra, cũng là ngành kinh doanh có điều kiện, thường xuyên có quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, phân phối, nhưng cơ quan quản lý lại không làm đến nơi đến chốn", ông Cường nhận định.
Đại biểu Hà Nội cũng cho rằng để hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng hoành hành trên thị trường là Bộ Công thương chưa hoàn thành trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công thương, sau đó là của cơ quan kiểm soát kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Trước đó, trong họp báo nóng chiều 11/6, lãnh đạo Sóc Trăng thừa nhận thiếu sót, yếu kém trong quản lý của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 12/06/2019
11:00, 11/06/2019
Kiểm soát phụ gia
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng không chỉ kiểm soát chất lượng xăng dầu mà cả với các phụ phẩm. Nói như đại biểu Hoàng Văn Cường, với các sản phẩm, phụ phẩm như các hóa chất, phụ gia sử dụng trong sản xuất xăng kém chất lượng cũng phải được quản lý chặt chẽ, gắn với xử lý nghiêm minh khi phát hiện sai phạm.
"Đây là việc mà không phải riêng Bộ Công thương làm được mà cơ quan quản lý, pháp luật có trách nhiệm liên quan cũng cần nghiên cứu đề ra các quy định cụ thể trong việc quản lý lưu thông, phân phối. Bộ Tài chính phải có trách nhiệm quản lý hệ thống cửa hàng, đại lý, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có nộp đủ thuế không, tức là phải yêu cầu đơn vị bán hàng có đầy đủ hóa đơn đầu vào, đầu ra", ông Cường đề nghị.
Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, cần xem quy định nhập các phụ gia nằm ở nghị định, thông tư nào. Việc nhập phụ gia về sản xuất theo luật thì không phải mặt hàng cấm, nên doanh nghiệp có yêu cầu nhập, nộp thuế thì sẽ được nhập. Trong vụ việc Trịnh Sướng, trách nhiệm của doanh nghiệp là chủ yếu. Nếu cố tình nhập về mà không làm theo luật là tình tiết tăng nặng khi xem xét tội danh.
“Với tư cách người có chuyên môn, những người trong cơ quan chức năng cần dự đoán mục đích của việc nhập phụ gia. Có thể hậu kiểm là phụ gia ấy được làm gì, bán cho những ai. Cái đó chúng ta đang yếu, chưa có bộ phận chuyên quản lý mặt hàng hóa chất. Vấn đề là sau khi vụ án kết thúc, cơ quan điều tra có kết luận, các bên ngồi lại để xem cần điều chỉnh chỗ nào”, ông Kiên nhận định.
Trước đó, ngày 13/3/2019, Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định khởi tố vụ án và ra quyết định khởi tố 9 bị can về hành vi "sản xuất và mua bán hàng giả" theo điều 192 Bộ luật hình sự. Cơ quan điều tra bắt tạm giam 9 người, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú 1 người. Các quyết định tố tụng của Công an tỉnh Đắk Nông đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.