Dù bị gắn mác “Vua đạo nhái” của Trung Quốc, nhưng Miniso đã tăng trưởng vượt bậc và vượt qua cả Uniqlo và Muji.
Miniso hiện có 4.200 cửa hàng tại hơn 80 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó hơn 2.500 cửa hàng ở Trung Quốc. Doanh nghiệp này trực tiếp điều hành 129 cửa hàng, số còn lại được quản lý bởi các bên nhượng quyền.
Khởi đầu, Miniso thường xuyên bị cáo buộc “đạo nhái” phong cách thẩm mỹ của nhà bán lẻ khổng lồ Nhật Bản Muji hay hãng thời trang nổi tiếng Uniqlo. Miniso tự dán nhãn mác lấy cảm hứng từ Nhật Bản nhưng lại là “Made in China”.
Thậm chí vào năm 2016, Miniso đã phải bồi thường thiệt hại kinh tế cho tập đoàn xa xỉ hàng đầu LVMH sau một vụ kiện vi phạm thiết kế ở Thâm Quyến. Ngoài ra, Miniso cũng dính vào một số vụ tranh chấp bản quyền, trong đó họ bị cáo buộc “đạo nhái và gian lận” trong các chiến dịch tiếp thị.
Mặc dù vậy, tổng sản lượng hàng hóa của Miniso đạt 19,0 tỷ CNY (2,7 tỷ USD) trong năm ngoái. Doanh thu hợp nhất đã đạt 9,0 tỷ CNY (1,3 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6 vừa qua, trong khi lợi nhuận gộp tăng 8,8% lên 2,7 tỷ NDT (386,8 triệu USD).
Có thể nói, sự trỗi dậy mạnh mẽ của khái niệm cửa hàng truyền thống của Miniso đã đi ngược lại xu hướng thương mại điện tử hiện nay. Các cửa hàng của Miniso thường nằm trong các khu thương mại, cung cấp các sản phẩm giá cả phải chăng bao gồm đồ trang trí nhà cửa, đồ điện tử nhỏ, hàng dệt may, mỹ phẩm, đồ ăn nhẹ, nước hoa và quà tặng…
Các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, chiến lược giá thấp và bắt tay với những thương hiệu toàn cầu bao gồm cả Disney và Hello Kitty đã khiến người tiêu dùng đổ xô đến các cửa hàng của Miniso. Ngoài ra, việc Miniso liên tục ra mắt sản phẩm mới cùng những mặt hàng mang chủ đề nhân vật được yêu thích đã thu hút sự quan tâm của những người tiêu dùng thế hệ Z.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nếu Miniso vẫn chạy theo chiến lược “đạo nhái” như hiện nay, sẽ khó thành công trong dài hạn.