"Vua hồ tiêu" Việt Nam viết gì về phụ nữ?

Diendandoanhnghiep.vn 20/10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày của những bóng hồng luôn xuất sắc, đảm đang, trong cả kinh doanh thương trường và cuộc sống gia đình.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10, Báo DĐDN trân trọng giới thiệu bài viết của doanh nhân Phan Minh Thông - CEO Công ty cổ phần Phúc Sinh dành tặng Phụ Nữ Việt.

Mẹ

Mẹ sinh 9 người con và nuôi dạy 7 người trưởng thành. Từ lúc còn trẻ, mẹ và các chị đã làm đến khuya có khi tới 1h sáng và dậy từ 5h sáng. Nấu cơm, nấu cám và làm mọi việc. Cha mẹ nuôi một đàn con lớn lên rồi ăn học, vất vả thế mà mẹ hầu như chưa bao giờ than khổ. Mọi thứ khó khăn vào tay mẹ trở lên dễ hơn rất nhiều. Mẹ tự thu xếp, xoay xở để gia đình có nhiều cơm hơn, nhiều quần áo hơn cho một đàn con.

Suốt những năm khó khăn đó, mẹ luôn tích cực coi khó khăn là bình thường và luôn tìm cách để vượt qua. Mẹ buôn cái này bán cái kia kiếm tiền nuôi sống gia đình. Mà gia đình 9 người gồm bà, bố mẹ và 7 đứa con thì việc ăn thôi đã vô cùng khó. Những năm tháng bao cấp ăn cơm độn và dù nồi gang đầy chặt thì 9 người ăn rào rào hết nhanh không tưởng. Ngồi đầu nồi là mẹ và các chị lớn thay phiên nhau, luôn tay xới cơm cho 7 người còn lại, đặc biệt là các em của mình.

Trong gia đình, mẹ thường nhường cho các con là chuyện bình thường, có lẽ lúc đó tôi còn nhỏ hay là trẻ con đang lớn lên nên ít nhận thấy điều đó.

"Đời vắng Mẹ hiền, không phụ nữ - Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng dẫn lời thơ để khẳng định Chính phủ luôn lắng nghe, sửa đổi để xây dựng các chính sách phát huy sức mạnh, hỗ trợ phụ nữ khẳng định vị thế của mình trong đời sống, kinh tế, xã hội.

Tuy khó khăn nhưng cha mẹ tôi luôn khuyến khích học và lần lượt 5 đứa liên tiếp vào đại học. Mẹ tôi và cha tôi đã rất kiên nhẫn, đứa nào thi trượt thì được thi lại và một chị tôi thi đến lần thứ ba mới đỗ vào đại học.

Học đại học xong, xin việc thời bao cấp mới khó làm sao. Mẹ luôn là người đi xin việc cho các chị và anh tôi. Mẹ luôn xây dựng các mối quan hệ để có thể nhờ họ xin cho chị tôi, anh tôi đi làm. Có lúc xin hàng năm trời người ta hứa mà vẫn chưa được. Tôi luôn thấy mẹ kiên cường kiếm sống nuôi chúng tôi mà cũng có khi nhũn nhặn mềm mỏng khi phải đi xin việc cho các chị tôi. Mẹ tôi làm mọi việc không ngại gian nan cực khổ miễn là tốt cho các con của mình.

Một kỷ niệm tôi không thể nào quên:

-Mẹ về rồi ạ, có xin được việc cho chị không, anh ấy có đồng ý không ạ?

-Anh ấy nhất quyết không lấy quà, nói cái gì anh ấy cũng phản bác!

-Mẹ mệt quá, ngồi đấy cả tiếng thuyết phục mà anh ấy nhất quyết từ chối.

-Anh ấy khó quá, không biết chị có được nhận được không?

Tôi nhìn thấy sự mệt mỏi và chút xấu hổ của mẹ, tôi thương mẹ lắm nhưng không biết làm sao, với lại lúc ấy tôi còn nhỏ. Khi tôi đi học, cha mẹ cũng làm mọi thứ để tôi có một cuộc sống như bao bạn khác. Nhưng ở điều kiện lúc đó, bố mẹ đều đã về hưu thì sự cố gắng ấy mới nỗ lực làm sao!

Khi học xong đại học, tôi đã tự xin việc và tự thu xếp cuộc sống từ khi ra trường. Tôi luôn cố gắng nhất để cha mẹ không phải lo lắng quá cho tôi.

 Vợ

Chúng tôi lấy nhau lúc tôi mới mở công ty được ba tháng, nói chung là nghèo. Gia đình tôi ở Hải Phòng và chúng tôi sống ở Sài Gòn. Vợ tôi lấy chồng thì ở nhà hơn bốn năm sinh con. Khi chúng tôi có nhà máy, vợ tôi nói muốn đi làm và chuẩn bị sẵn sàng cho việc đó. Vợ tôi học mọi thứ rất nhanh, kiên nhẫn nhún nhường và bỏ cái tôi của mình rất tốt. Trong ngành nông sản nguyên liệu, mua hàng không dễ, cố ấy đã học mọi thứ để có thể mua được hàng không kém các giám đốc mua hàng ở các công ty đa quốc gia khác, các công ty lớn nhất lúc bấy giờ ở Việt Nam.

Sau này chúng tôi xây nhà và xây nhà máy liên tục. Vợ tôi học về xây dựng, kiến trúc rất nhanh, nhiều nhà và nhà máy cô ấy giám sát đưa ý kiến thiết kế xây dựng rất hiệu quả. Một lần chúng tôi xây nhà và thấy vợ tôi đến chỉ đạo, một anh hàng xóm thấy thế chạy qua nói:

Vẻ đẹp thiếu nữ Việt trong tranh Hồ Hữu Thủ.

Vẻ đẹp thiếu nữ Việt Nam trong tranh Hồ Hữu Thủ.

-Chồng em đâu mà sao lại để em làm nhiều thế?

-Vợ tôi cười nói: gia đình cũng phải có một người phụ trách kiếm tiền và một người tiêu tiền chứ anh ơi. Chồng em đi làm kiếm tiền để em mua nhà và xây nhà anh ạ.

Phụ nữ Việt là thế, chăm chỉ, kiên cường, nhẫn nại và luôn học hỏi.

 Các bạn trong ngành hàng

Tôi quản lý 9 giám đốc, họ là các giám đốc nhà máy, các trưởng đại diện văn phòng thì trong đó 7 là nữ. Khi tuyển dụng, chúng tôi luôn ghi là đàn ông sẽ có lợi thế nhưng khi tôi tuyển thì phụ nữ vượt trội hơn hẳn. Đàn ông thì hay tự ái và nghĩ mình là trụ cột, việc nhỏ không muốn làm, chỉ muốn làm những việc lớn. Nhưng làm việc thì dễ dàng từ bỏ trong khi phụ nữ kiên trì cứ việc nhỏ rồi đến việc lớn, quay đi quay lại chỉ thấy phụ nữ mà thôi. Trong các gia đình bây giờ nhiều khi phụ nữ lại là người mang tiền chính về cho gia đình.

Tôi có các bạn người nước ngoài là trưởng đại diện các văn phòng hay tổng giám đốc các công ty ở Việt Nam, thỉnh thoảng tôi có gặp gỡ uống cà phê hay đi uống vài ly bia:

-Thông, phụ nữ Việt Nam giỏi nhỉ, họ kiên nhẫn và làm tốt thật còn đàn ông sao mà yếu thế! Hay tự ái và dễ từ bỏ.

Tôi trả lời tôi không biết, về nhà cố tìm giải thích vì chính tôi cũng gặp các vấn đề này khi tuyển dụng hay ra ngoài làm việc.

Ngành nông sản nguyên liệu to lớn

Hạt tiêu có doanh thu xuất khẩu cả tỷ đô-la, cà phê là trên 3 tỷ đô-la, hạt điều trên 2 tỷ đô-la và nhiều ngành khác. Từ đồng bằng tới cao nguyên, các chủ doanh nghiệp do các bà là người quyết định, các ông thì đánh ôtô đi nhận tiền, đi kiểm tra hàng và đi giao hàng.

Ở Việt Nam các công ty nước ngoài, các văn phòng đại diện nước ngoài: Trưởng đại diện, người quyết định hay giám đốc mua hàng toàn nữ. Rất ít nam giới, tại sao vậy?

Nhìn ra thế giới từ châu Âu, Mỹ hay châu Á: Toàn đàn ông là giám đốc mua hàng, tổng giám đốc hay quản lý. Việt Nam thì ngược lại hoàn toàn, lý giải sao đây?

Thực ra thì tôi gặp không biết bao nhiêu người nước ngoài và sau khi làm việc tại Việt Nam một thời gian thì đều hỏi tôi: sao phụ nữ Việt Nam giỏi và mạnh mẽ quá vậy? Tôi đã cố gắng tìm câu trả lời nhưng tôi chưa thấy thuyết phục bởi câu trả lời của chính mình.

Gia đình nào sinh bé gái đầu lòng thì thường phải làm việc theo mẹ là đương nhiên, đặc biệt các em gái ở quê. Chỉ Cả/chị Hai thường rất đảm đang. Còn sinh con trai thì cậu bé ấy được cưng chiều hơn hẳn, do vậy sự tiếp cận với xã hội hay nói gần hơn là với công việc thì nam giới chậm hơn rất nhiều.

Ngoài xã hội

Tôi có anh bạn, anh ấy có công ty gia đình làm ăn tốt. Một hôm ngồi uống ly bia anh kể: Vì phải đi công tác suốt 5 đến 6 tháng trong một năm, anh ấy bảo vợ:

-Anh đi nhiều mệt quá, không biết có muốn đi nữa không?

-Anh đừng có mà kiêu ngạo! - Vợ anh ấy nói. - Bây giờ người ta muốn bận mà không được kìa! Anh mệt thì cứ nghỉ vài ngày, em và gia đình chăm sóc anh, hết mệt mình lại làm tiếp. Mình còn trẻ thì mình phải làm việc chăm chỉ, về già yếu, mình muốn làm cũng không được!

Vợ anh ấy nói thế thì sao mà lười được đây. Lại cày chăm chỉ tiếp thôi.

Tôi có cô bạn, mỗi lần đi công tác tôi hay viết lại, để kể cho các bạn đồng nghiệp nghe, để các bạn ấy biết về các thành phố mà tôi tới và nếu có đi đến đó thì cũng biết sơ sơ, và để đồng nghiệp dễ làm việc hơn. Một lần cô ấy đọc được bài của tôi và cô ấy rất nhiệt tình khuyến khích tôi viết. Cô ấy nói tôi có năng khiếu viết và cô ấy sẽ giúp biên tập lại. Thế là các bài viết của tôi ra đời. Nếu không có cô bạn khuyến khích chắc tôi sẽ không viết và in báo. Cả trẻ nhỏ, người lớn trong cuộc sống và công việc, đều cần được khuyến khích để phát triển khả năng, tôi đã được khuyến khích viết và tôi rất biết ơn về việc này.

Viết cũng rất tuyệt, nó làm giảm stress và khám phá được bản thân. Có nhiều thứ mà mình không biết là mình có thể làm được, nếu mình không khám phá bản thân. Với tôi viết là một hành trình khám phá bản thân mình, cuộc sống như một dây thừng nhiều nút thắt, và thật tuyệt khi mỗi một giai đoạn bạn khám phá bản thân mình có khả năng làm việc này việc kia. Và mình gỡ một hay nhiều nút thắt và thấy mình có năng khiếu, hay khả năng làm được việc này việc kia. Khám phá cuộc sống hay hơn, đa dạng màu sắc hơn.

Tôi có cô bạn bán tranh, tự mình xây lên các cửa hàng bán tranh lớn. Cô ấy bay nhiều nơi, khám phá buôn bán nhiều nơi và rất nhiều khách sạn năm sao tại Sài Gòn là do cô ấy đảm nhận trang trí bằng tranh của các họa sĩ mà cô ấy độc quyền hay chịu trách nhiệm bán chính các tranh của họ. Và cô ấy rất tự hào khi trang trí các khách sạn: Park Hyatt, Sheraton, Intercontinental, v.v…

Nhìn ra xã hội Việt Nam thì thấy muôn vàn các quản lý lớn là phụ nữ và có rất nhiều các gia đình người phụ nữ vật lộn ngoài xã hội, kiếm tiền chính trong gia đình và luôn là chỗ dựa cho các ông chồng lúc gặp khó khăn.

Khi một gia đình gặp khó khăn về tài chính, luôn nhìn thấy người vợ người mẹ bươn chải lăn lộn không nề hà các công việc dù nhỏ đến lớn, bụi bặm hay hôi hám để kiếm tiền nuôi sống gia đình mà ít khi thấy người đàn ông làm việc đó.

Tôi đi các nước thì thấy phụ nữ không phải vật lộn vất vả như thế. Các nước Hàn Quốc và Nhật thì quá rõ nhưng các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Hồng Kông, Indonesia hay Đài Loan cũng vậy, đàn ông vật lộn kiếm tiền là chính trong các gia đình. Tôi đến một chợ ở Hungary như chợ Bến Thành ở Budapest và chỉ thấy chủ yếu là đàn ông làm việc. Ít thấy phụ nữ, từ bán cá bán rau bán hoa quả hay đồ chơi trẻ em.

Một hôm, tôi chạy tập thể dục buổi sáng, thấy mùi bánh mì chiên trứng từ xa, khi đến gần thấy một anh đi xe máy, rất sáng tạo khi gắn cái lồng kính sau xe và có bánh mì và bếp chiên trứng. Tự nhiên tôi vui vì thấy đàn ông cũng lăn lộn và làm việc này, vì ở khu này thấy toàn phụ nữ làm từ trước tới nay. Khi đi chợ thì thấy ở phía Nam, nam giới tham gia vào buôn bán cũng nhiều hơn phía Bắc dù không nhiều so với khu vực.

Hôm tôi đến chia tay một khách hàng sau khi ở Việt Nam khảo sát 10 ngày và vì tôi ra sớm nên chúng tôi có vài phút rảnh rỗi uống cà phê. Bạn nói, tôi rất ngạc nhiên là phụ nữ Việt Nam vừa xinh và giỏi nhỉ, thấy đàn ông toàn pha trà và còn phụ nữ thì toàn ra lệnh và quyết định việc kinh doanh. Tôi chỉ cười và không biết nói gì.

 Bên lề câu chuyện phụ nữ

Tôi làm quản lý công ty kinh doanh hàng nông sản, sau nhiều năm tôi nhận thấy, khi tôi đàm phán với các đối tác là phụ nữ, tôi không kiên trì và dữ dội như làm việc với các ông chủ hay đồng nghiệp nước ngoài. Tôi không cố ý, và tôi phân tích logic để có câu trả lời. Có lẽ do vô thức, do tôi kính trọng họ cho nên hành động của tôi có phần nhún nhường và không dữ dội hay quyết liệt như với các đối tác bên ngoài Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam có thiên hướng là làm hết mọi thứ, từ kinh tế gia đình đến quan hệ với chính quyền nơi mình ở hay xin học và dạy học cho con v.v… Tôi nhận thức rất rõ vấn đề đó, và những năm tháng nhìn mẹ vất vả chạy ngược xuôi, tôi sẽ là người làm các việc đó trong gia đình của mình. Tôi luôn đi họp phụ huynh và xin học cho các con tôi, kiên nhẫn dạy chúng học.

Một buổi chiều ngồi uống trà, vợ tôi nói, có thể trong truyện, trong sách, em thấy các câu chuyện về chữ hiếu, nhưng những gì em chứng kiến thì em chưa thấy ai có hiếu hơn anh ở ngoài đời. Em chỉ mong thằng lớn nhà mình có hiếu bằng anh hay gần bằng anh là em mãn nguyện rồi. Tôi nhìn vợ và thấy cuộc sống thật là tuyệt. Phụ nữ Việt Nam thật tuyệt! Còn bạn thấy sao?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "Vua hồ tiêu" Việt Nam viết gì về phụ nữ? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714818228 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714818228 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10