Nhiều chuyên gia cho rằng, khung giá đất của Nhà nước thấp hơn nhiều so với thị trường khiến người có đất bị thu hồi phải chịu thiệt, đó là nguyên nhân dẫn tới việc khiếu kiện kéo dài...
Theo Báo cáo một số năm gần đây của Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy, các vụ án hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm gần 75% và các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Cụ thể là mức đền bù khiến người dân không hài lòng, việc đền bù của nhà đầu tư cũng chưa thoả đáng. Thậm chí, Nhà nước phải bỏ tiền ra để đến bù cũng không đạt được thoả thuận với dân. Bài toán về thu hồi đất và đền bù bao lâu nay vẫn chưa tìm được lời giải.
Quyền lợi người dân bị “bỏ quên”
Câu chuyện đền bù giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Thủ Thiêm là một trong những minh chứng, giá đất đền bù quá chênh lệch với giá thị trường. Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm được triển khai đã hơn 20 năm nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành, gây ra tình trạng người dân khiếu kiện tập thể kéo dài.
Hay, một vụ việc thu hồi đất gần đây để triển khai dự án xây dựng Khu đô thị Nam Vĩnh Yên, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với nhiều bất cập đã khiến hàng trăm hộ dân có đất thuộc diện thu hồi phải khiếu nại từ cấp cơ sở tới các cơ quan Trung ương.
Theo đó, ngày 15/12/2011, UBND TP. Vĩnh Yên ban hành QĐ thu hồi 518.012 m2 đất nông nghiệp tại xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên, liên quan đến 688 hộ, cá nhân để bồi thường, GPMB xây dựng Khu đô thị Nam Vĩnh Yên.
Được biết, theo quy định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, khi thu hồi 360 m2 đất nông nghiệp (1 sào Bắc bộ - PV), để xây dựng Khu đô thị Nam Vĩnh Yên, TP.Vĩnh Yên, người dân được trả 12 m2 đất dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vùng dự án xã Thanh Trù rất bức xúc khi bị thu hồi đất đã gần chục năm song mới đây thành phố Vĩnh Yên lại bố trí trả đất dịch vụ cho dân ở một địa phương khác, không đúng như cam kết ban đầu.
Theo đó, hàng trăm hộ dân bức xúc khi cho rằng, khi thu hồi đất, lãnh đạo các cấp hứa với người dân, sẽ ưu tiên trả đất dịch vụ cho người dân ở khu đất thuận lợi nhất, tốt nhất để cho người dân có điều kiện làm kinh doanh dịch vụ. Thế nhưng hiện nay thành phố không làm như vậy mà tự ý trả cho dân ở một địa phương khác, với những vị trí không thuận lợi, xa xôi.
Có thể thấy, bên cạnh sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất được bồi thường với giá trị thực trên thị trường khiến giải phóng mặt bằng trở thành rào cản “ngáng đường” các dự án, thì việc lãnh đạo chính quyền ở một số địa phương còn đang cố tình “bỏ quên” quyền lợi của người dân là một trong những nguyên nhân khiến câu chuyện về đất đai “vẫn nóng và luôn nóng”.
Theo phân tích của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, chính sách khung giá đất mà các tỉnh, thành công bố hàng năm chỉ bằng 10 – 20% giá thị trường, cộng với việc chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp làm hạ tầng, thực tế nhiều nơi chả cần làm gì đã lập bản đồ phân nền bán ra giá gấp hàng chục, hàng trăm lần là nguyên nhân cơ bản khiến người dân bức xúc đi khiếu kiện khắp nơi.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, Luật Đất đai 2013 có không ít những bất cập, đặc biệt là vấn đề khung giá đất và bảng giá đất.
Hiện nay, bảng giá đất của tất cả các tỉnh đều thấp hơn thị trường. Trong khi họ lấy lý do thấp hơn là bởi khung giá đất chỉ có vậy. Do đó, cần phải sửa đổi vì mọi rắc rối về tài chính đất đai đều nằm ở bảng giá đất thấp hơn thị trường mà nguyên nhân là vì có khung giá đất thấp.
Việc chênh lệch quá lớn giữa giá đền bù giải phóng mặt bằng và giá đất trên thị trường khiến công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
“Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn đang “cố tình” “bỏ quên” quyền lợi của người dân là nguyên nhân khiến những “bức xúc” của người dân “lên” đỉnh điểm, thậm chí có nguy cơ để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng”, luật sư Luân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm