WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 giảm do "triển vọng kinh tế thế giới tối dần"

Thy Hằng 10/01/2019 01:00

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm nay, GDP toàn cầu chỉ tăng 2,9%, chậm hơn so với 3% năm ngoái. Nguyên nhân là căng thẳng thương mại leo thang và thương mại quốc tế chậm lại.

"Đầu năm 2018, kinh tế toàn cầu vẫn đang khởi sắc. Nhưng nó đã mất đà trong năm nay, và sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong năm tới", Giám đốc điều hành WB Kristalina Georgieva nhận xét.

WB dự báo

WB dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng 2,9%.

"Triển vọng kinh tế tối dần"

Theo đó, các nền kinh tế mới nổi được dự báo tăng trưởng 4,2% năm nay. Trong khi đó, các nước phát triển có thể chỉ tăng 2%. Tốc độ chậm lại chủ yếu nằm ở các nước giàu, như Mỹ, Eurozone hay Nhật Bản.

Theo WB, thương mại quốc tế và các hoạt động sản xuất đang sụt giảm, trong khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang có thể tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và làm gián đoạn chuỗi giá trị liên kết toàn cầu.

Rủi ro nợ ở các quốc gia có thu nhập thấp đang tăng lên. Mặc dù vốn vay có vai trò hiệu quả trong việc hỗ trợ nhiều quốc gia đối phó với các nhu cầu phát triển quan trọng, tuy nhiên tỉ lệ nợ so với GDP ở các quốc gia này đang leo thang, và tỉ trọng nợ đang nghiêng dần về các nguồn vốn thị trường có chi phí cao.

Đồng thời, việc thực hiện nhiều hoạt động phát triển cùng lúc có thể làm chậm tốc độ phát triển. Chi phí vốn vay thắt chặt ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn chảy vào và tốc độ tăng trưởng ở nhiều quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Nợ công và nợ tư nhân leo thang trong thời gian qua có thể làm tăng mức độ dễ bị tổn thương của những thay đổi trong điều kiện tài chính và tâm lý thị trường.

Các chuyên gia WB cho rằng, việc duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức thấp và ổn định như thời gian trước sẽ không còn dễ dàng đối với các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Duy trì tỉ lệ lạm phát toàn cầu ở mức thấp trở thành thách thức khó khăn không kém việc đạt tỉ lệ này trước đây.

“Triển vọng kinh tế thế giới tối dần, do đó cần ưu tiên đẩy mạnh hoạch định rủi ro, thúc đẩy thương mại và tăng cường tiếp cận tài chính nhằm định hướng bối cảnh không rõ ràng hiện nay và tạo đà cho tăng trưởng”, Phó Chủ tịch Khối Tăng trưởng bình đẳng, tài chính và định chế của WB, bà Ceyla Pazarbasioglu nhận định.

Báo cáo được công bố trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc mắc kẹt trong căng thẳng thương mại, khiến các thị trường tài chính chao đảo nhiều tháng qua. WB dự báo tăng trưởng tại Mỹ có thể chỉ còn 2,5% năm nay, giảm so với 2,9% năm ngoái. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc được dự báo là 6,2%, thấp hơn so với 6,5% năm 2018.

Hai nước này đã làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu, khi áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. WB tính toán 2,5% thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng vì thuế nhập khẩu được áp năm ngoái. Con số này có thể còn tăng gấp đôi nếu các loại thuế bổ sung được áp thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • WB khuyến nghị 4 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

    WB khuyến nghị 4 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

    12:15, 05/12/2018

  • EU và WB cam kết hỗ trợ Việt Nam năng lượng sạch giá rẻ

    EU và WB cam kết hỗ trợ Việt Nam năng lượng sạch giá rẻ

    00:03, 27/11/2018

  • Cải cách thuế

    Cải cách thuế "lên điểm" trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB

    07:30, 04/11/2018

  • WB: Môi trường kinh doanh của Việt Nam lại tụt hạng

    WB: Môi trường kinh doanh của Việt Nam lại tụt hạng

    15:08, 01/11/2018

Dù vậy, hai bên vẫn đang nỗ lực tìm cách giải quyết căng thẳng. Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh vừa kết thúc sau 3 ngày, dài hơn một ngày so với dự kiến, với nhiều dấu hiệu tích cực.

Thúc đẩy thương mại, đầu tư nhân lực

Đặc biệt, thị trường xuất khẩu giảm dần, chi phí vốn vay tăng lên và chính sách thiếu ổn định sẽ là gánh nặng đối với viễn cảnh của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới nổi. Tăng trưởng cho nhóm này được kỳ vọng mức 4,2% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó.

Đông Á- Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Tăng trưởng khu vực được kỳ vọng duy trì ở mức 6% trong năm 2019, với giả định giá cả hàng hóa giữ ở mức ổn định, thương mại và sức mua toàn cầu tăng trưởng trung bình và các điều kiện tài chính toàn cầu dần thắt chặt.

Do đó, các chuyên gia của WB cho rằng, để duy trì tăng trưởng, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần xây dựng lại vùng đệm chính sách và tăng năng suất lao động. Trong đó, đẩy mạnh huy động các nguồn lực trong nước, tăng hiệu quả quản lý nợ và đầu tư, đồng thời xây dựng các khung chính sách vĩ mô – tài khóa có khả năng kháng cự tốt hơn.

Cụ thể, cần ưu tiên đẩy mạnh hoạch định rủi ro, thúc đẩy thương mại và tăng cường tiếp cận tài chính. Cùng với đó, để giữ vững đà tăng trưởng, các quốc gia đang phát triển cần chú trọng đầu tư nhân lực, tăng trưởng bao trùm và tăng cường khả năng kháng cự cho cộng đồng.

Trước đó, tại Báo cáo về phát triển kinh tế Việt Nam cuối tháng 12/2018, World Bank dự báo, về trung hạn, đà tăng trưởng của Việt Nam cũng sẽ theo xu hướng toàn cầu – giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020, chủ yếu do sức cầu bên ngoài suy yếu. Lạm phát dự kiến vẫn không đáng kể, xoay quanh chỉ tiêu 4% của NHNN trong điều kiện chính sách tiền tệ dự kiến sẽ được thắt lại trong trung hạn.

Mặt khác, báo cáo của World Bank cũng cho biết thị trường trong nước bắt đầu cảm nhận tác động lan tỏa do biến động tài chính toàn cầu tăng lên và chỉ ra một số rủi ro trong năm 2019.

Cụ thể, công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể làm suy giảm viễn cảnh tăng trưởng và làm tăng nghĩa vụ cho khu vực công. Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài do thương mại đã được mở cửa mạnh mẽ trong khi dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa còn hạn chế.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam và sức cầu bên ngoài giảm xuống có thể làm cho vị thế kinh tế đối ngoại yếu đi và tăng trưởng GDP giảm xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 giảm do "triển vọng kinh tế thế giới tối dần"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO