Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, việc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba là cần thiết để bảo vệ người dễ bị tổn thương.
Theo Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge, “Mũi vaccine Covid-19 thứ ba không phải mũi tiêm xa xỉ tước đi từ những người đang chờ được tiêm liều đầu tiên. Về cơ bản đó chỉ là cách đảm bảo an toàn cho những người dễ bị tổn thương nhất".
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Kluge cũng cho rằng, song song với việc tiêm mũi thứ ba cho nhóm người có sức đề kháng yếu, các nước cũng cần tiếp tục chia sẻ nguồn vaccine cho các quốc gia chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao.
Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, việc tiến hành tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ ba là cần thiết khi biến chủng Delta đang làm bùng phát dịch bệnh. Một yếu tố quan trọng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng chống lại virus là thời gian vaccine bảo vệ cơ thể con người.
Đặc biệt, với những người có dấu hiệu bắt đầu suy giảm hệ miễn dịch, liều vaccine thứ 3 giúp cơ thể gia tăng mạnh mẽ số lượng kháng thể, từ đó tăng cường mức độ miễn dịch của các niêm mạc mũi và cổ họng, làm mạnh thêm lớp phòng thủ trước sự xâm nhập của virus.
Tiến sĩ David Dowdy, một nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins nhận định, các nghiên cứu lâm sàng đã bước đầu chứng minh được rằng mũi tiêm thứ ba có thể tăng cường khả năng tự bảo vệ của những người đã được tiêm chủng đầy đủ bằng cách tối ưu hóa các phản ứng miễn dịch.
Cụ thể, khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 sẽ tăng lên đáng kể nếu như tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinovac, Trung Quốc cách mũi thứ 2 từ 6 tháng trở lên.
Nghiên cứu trên cũng phù hợp với các nghiên cứu gần đây đối với vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) điều chế. Vào tháng 6/2021, các nhà nghiên cứu Anh đã công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng trên tình nguyện viên cho thấy tiêm liều thứ 3 vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford có thể giúp tăng nồng độ kháng thể trong cơ thể tình nguyện viên.
Đây được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy liều thứ 3 vaccine AstraZeneca sẽ mang lại mức bảo vệ đáng kể nếu hiệu quả của hai liều đầu tiên giảm dần theo thời gian. “Nếu vaccine tiếp tục hoạt động tốt trong một thời gian dài, sẽ có một tỷ lệ lớn dân số được bảo vệ tối ưu, từ đó ngăn chặn hoặc loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh”, ông đánh giá.
Mặt khác, một số nhà khoa học khuyến cáo, hiện chưa có nhiều dữ liệu để kết luận việc tiêm vaccine mũi thứ ba sẽ cải thiện khả năng bảo vệ cơ thể chống lại sự lây nhiễm của biến chủng Delta. Do đó, vẫn cần có thời gian để cân nhắc khoảng cách cần thiết giữa mũi tiêm thứ hai và mũi thứ ba, tránh tình trạng nguồn cung vaccine bị lệch nếu tiến hành tiêm nhắc lại trên diện rộng.
Mặc dù vậy, rất ít khả năng mũi tiêm tăng cường sẽ trở thành một phần bắt buộc trong chiến dịch phòng bệnh bằng vaccine của thế giới khi khả năng miễn dịch của 2 mũi vaccine không suy giảm nhiều. Thêm vào đó, việc triển khai tiêm mũi thứ ba sẽ tăng sức ép về mặt tài chính cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Tiến sĩ Céline Gounder thuộc Bệnh viện Bellevue cho biết, khả năng miễn dịch sẽ suy giảm nhẹ trong năm đầu tiên sau khi được tiêm. Thậm chí, các nghiên cứu của Israel cho thấy vaccine tiếp tục ngăn ngừa bệnh nhân nhiễm COVID-19 tiến triển nặng hiệu quả hơn so với các đợt dịch trước.
Điều này một lần nữa khẳng định rằng, các loại vaccine được cấp phép sử dụng hiện nay đều có hiệu quả trong việc ngăn chặn nguy cơ tiến triển bệnh nặng hoặc tử vong. Và vì lý do này, mũi tiêm thứ ba sẽ có tác dụng tốt hơn với nhóm người có hệ miễn dịch kém. Hãng dược Pfizer cho biết, các tình nguyện viên tiêm mũi thứ ba đều cho kết quả tích cực khi khả năng miễn dịch được tăng cường mạnh mẽ. Hiện công ty này đang nỗ lực thúc đẩy Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chính thức chấp thuận cho triển khai việc tiêm chủng mũi ba.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 cho người đã tiêm mũi 1
15:31, 01/09/2021
Không "kén chọn" vaccine, Quảng Ninh tận dụng "thời gian vàng" để tiêm chủng
15:43, 03/08/2021
Bài học tiêm chủng từ quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
03:57, 29/07/2021
Hiểu thế nào về các ca nhiễm Covid-19 hậu tiêm chủng?
15:01, 24/07/2021