Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với con người để có thể xây dựng một xã hội 5.0 hoàn chỉnh.
“Xã hội 5.0” – Society 5.0 - là một xã hội được xây dựng trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới một xã hội siêu thông minh trong tương lai.
So sánh cuộc CMCN 4.0 với xã hội 5.0, điểm khác biệt ở đây là vai trò của con người đối với công nghệ. Với CMCN 4.0, chúng ta đang nhấn mạnh tới việc công nghệ tự động hóa, robot, AI sẽ hỗ trợ con người trong công việc, gia tăng năng suất lao động, tạo nhiều của cải hơn, mọi thứ đều kết nối internet, hoạt động thông qua máy tính.
Nhưng đến xã hội 5.0 có một sự khác biệt lớn, đây là xã hội tối ưu hóa trách nhiệm của con người để hoàn thành công việc bằng cách tối ưu hóa công nhân tri thức với sự trợ giúp của các máy móc thông minh. Hơn hết, xã hội 5.0 là xã hội hài hòa hóa công việc với sự trợ giúp của máy móc thông minh vì lợi ích của người lao động.
Như vậy, có thể thấy xã hội 5.0 đòi hỏi yếu tố con người tham gia rất mạnh mẽ trong xã hội điện tử, công nghệ. 4.0 có vẻ như hướng đến thiết lập các công cụ điện tử giúp cho con người nhiều hơn, nhưng đến 5.0 đòi hỏi con người quay lại đồng hành cùng máy móc, công nghệ. Trong trường hợp đó, rõ ràng những kỹ năng sống cùng công nghệ, cùng robot của con người sẽ phải phát triển để đảm bảo robot vận hành theo logic dưới sự giám sát của con người về mặt logic cũng như cả về phần cảm xúc.
Theo tôi, để có thể xây dựng xã hội 5.0, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách Chính phủ kiến tạo. Kiến tạo ở đây sẽ mang ý nghĩa thực sự là nhà nước sẽ có những nhân lực có tầm nhìn bao quát và xa hơn so với cách quản lý đi sau xã hội.
Hiện trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong rất nhiều báo cáo, các chuyên gia đều nhận định trình độ phát triển của nhà nước luôn đi sau xã hội rất nhiều. Tuy nhiên có những quốc gia phát triển như Bắc Âu họ xác định được đâu là cái cần “buông” cho xã hội phát triển, và đâu là thứ cần “siết” chặt trong quản lý. Việt Nam muốn hướng tới một xã hội 5.0, thì phải hướng tới vai trò bản thể của nhà nước đó là tạo ra những chính sách để giúp đỡ những người “bị bỏ lại” phía sau, để giúp họ tiến kịp với trình độ chung của xã hội. Cụ thể là những chính sách phúc lợi xã hội phải đảm bảo quyền bình đẳng, hỗ trợ tối đa cho người dân tiếp cận được các dịch vụ công như y tế, giáo dục.
Kỳ III: Trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội 5.0