Luật pháp hay bất cứ thứ gì liên quan đến điều chỉnh quan hệ xã hội không nên xây dựng theo kiểu “coppy - paste”.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia xả rác “vô ý thức” nhiều nhất trên thế giới, rác “vô chủ” ở đâu cũng có, bất kể phố sang hay quê nghèo, rác không chỉ xuất phát từ ăn chơi nhảy múa, rác còn xuất hiện từ chính sách nhập khẩu rồi để đó…
Singapore từng đánh roi kẻ xả rác bừa bãi ra môi trường, nhưng cần biết rằng đảo quốc Sư tử chỉ có diện tích 721km vuông và 5 triệu dân, so với Việt Nam 330 ngàn km vuông và 95 triệu dân.
Có người tếu táo rằng, nếu ở Việt Nam đánh roi người vi phạm làm ô nhiễm môi trường thì phải thành lập 1 cơ quan chuyên trách siêu lớn, hàng ngàn nhân sự hoạt động ở hàng ngàn đơn vị hành chính mới có thể đánh được hết!
Có thể bạn quan tâm
Ở nước ta ai cũng “biết” xả rác, từ em nhỏ đến nam thanh, nữ tú, cụ già, xả rác như một phản xạ vô điều kiện, miễn là thứ đó làm phiền cho bản thân. Ai kiểm soát được nếu như có hàng triệu người xả rác vô ý thức mỗi giây?
Khi cả đống rác to đùng trước ngõ là “sự đóng góp” của nhiều người, nhiều quá mà mỗi người chỉ vứt vào đó một chút xíu và rồi mỗi cá nhân lại nghĩ rằng “tôi chỉ vứt cái túi nilon, sao mà nhiều thế…!” Dần dà ai cũng cho không phải của mình, thế là rác ngập ngụa phố phường, rác lang thang khắp nơi.
Vì sao Singapore sạch? Trước khi tìm lời giải thấu đáo nhất cho câu hỏi này, hãy nhớ lại Việt Nam từng có ý định cấm hút thuốc nơi công cộng, thậm chí không những một mà có tới bốn văn bản quy phạm khác nhau.
Điều 11 Luật phòng chống tác hại thuốc lá năm 2012; Nghị định 176/2013/NĐ-CP; Nghị định 147/2013/NĐ-CP và Chương trình sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1092/QĐ-TTg quy định rõ ràng địa điểm cấm, mức phạt…
Nhưng, người viết bài này tin rằng, không nhiều người hút thuốc biết tường tận quy định để tránh vi phạm. Mắc mớ thoạt đầu là khâu tuyên truyền, phổ biến.
Đáng nói hơn, hầu như không phạt được một ai, quy phạm đã có, nhưng vẫn nằm trên giấy không nhúc nhích, người không hút thuốc không biết “tố cáo” với ai… khắp các địa điểm công cộng người ta không nhìn thấy rõ ràng lực lượng nào thi hành luật pháp khi có người hút thuốc sai quy định. Tất cả chỉ trông chờ vào ý thức và tấm bảng nhựa vô hồn treo trên tường.
Ngay dưới tấm biển “No Smoking” trong bệnh viện đầy rẫy tàn thuốc lá, người nhà bệnh nhân vô tư nhả khói như chưa hề có một tấm bảng ngay trên đầu! Nhưng, trong sân bay không thấy tình trạng hút thuốc bừa bãi? Vì sao?
Tấm biển "cấm hút thuốc" vô tác dụng!
Có lẽ, tâm lý một bộ phận người Việt cho rằng “cứ vi phạm, không sao cả, có ai phát hiện đâu mà lo…!”, đánh giá người Việt kém ý thức công cộng, ít vì người khác hoàn toàn có cơ sở.
Luật pháp hay bất cứ thứ gì liên quan đến điều chỉnh quan hệ xã hội không nên “coppy - paste”. Vì luật pháp có tính “lịch sử cụ thể”, ví dụ: có thứ ở ta là vi phạm nhưng ở quốc gia khác lại không vi phạm.
Tính “lịch sử cụ thể” nhằm đáp ứng đặc điểm khác biệt văn hóa, thói quen, phong cách, xu hướng… ở từng nơi. Cho nên, không phải Tây làm được ta mang về làm sẽ được.
Từ tháng 5/2019, Thừa Thiên - Huế sẽ áp dụng hình thức “phạt nguội” người xả rác bừa bãi thông qua hình ảnh trích xuất từ camera truyền về trung tâm.
Người bạn tôi là công nhân một nhà máy lớn ở Hà Tĩnh kể rằng, công ty nghiêm cấm nhân viên xả rác và hút thuốc bằng cách lắp hàng chục camera. Vỏ lon nước, tàn thuốc rơi xuống đồng nghĩa với 3 triệu rời khỏi túi. Sợ mất tiền, sợ mất việc ai cũng cấp hành nghiêm chỉnh.
Nhưng khi bước ra khỏi cổng nhà máy mọi chuyện quay ngược hoàn toàn, nhiều người như nhẹ gánh sau một ngày bị “gò” trong khuôn khổ, vô số các loại rác vì thế cứ rơi ra đường…
Câu chuyện ở đây cho thấy rằng, camera “phạt nguội” chỉ giải quyết được phần rất nhỏ, vấn đề lớn nằm ở sự nghiêm minh của quy định được thực hiện như thế nào để đủ sức răn đe.
Trong môi trường mà ý thức công cộng kém cỏi thì chỉ có chiếc “roi” luật pháp quất thật mạnh, thật đau mới thiết lập được trật tự. Hẳn nhiên, người dân Singapore văn minh, quy củ hơn, đó là sự thật phải chấp nhận.
Những nước phát triển lắp camera như là một ứng dụng quản lý đô thị trên nền tảng công nghệ để giảm bớt nhân lực, tăng hiệu quả - đó là mục đích tối thượng chứ không phải để theo dõi nhất cử nhất động của người dân.
Ở Việt Nam chưa hẳn cần thêm camera để xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, trước hết cần thái độ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, kêu gọi người dân giám sát lẫn nhau, chỉ khi nào tự nhận thấy xả rác ra đường là xấu hổ thì lúc đó tình hình mới tiến triển.