Cam sành Hàm Yên đã được công nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, lọt top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng, trở thành cây trồng chủ lực, cây làm giàu cho người dân địa phương.
Hàm Yên từ lâu đã được biết đến là một vùng trồng cam sành có tiếng của nước ta, thương hiệu cam sành Hàm Yên là thương hiệu nổi tiếng đã và đang được nhiều người tiêu dùng biết đến. Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Đinh Công Thơ cho biết, cam sành có từ lâu đời trên địa bàn, được trồng trên đồi, núi của các hộ gia đình đồng bào dân tộc, trải qua nhiều năm phát triển, cam sành Hàm Yên đã tạo thu nhập cho nhiều hộ gia đình do giá trị kinh tế cao mà được nhiều người tiêu dùng chấp nhận.
Huyện Hàm Yên hiện có trên 7.000 ha cam, trong đó cam sành chiếm 84,8%, tập trung ở 13 xã, thị trấn với sản lượng hàng năm đạt trên 80.000 tấn. Sản phẩm cam sành Hàm Yên đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong và ngoài nước, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang, để đưa cam sành Hàm Yên đến với đông đảo người tiêu dùng, thời gian qua, thông qua công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm qua các Hội chợ triển lãm và giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, đến nay sản phẩm cam sành Hàm Yên đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hệ thống siêu thị BigC, Metro đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho toàn hệ thống, do vậy giá bán cam được nâng lên, thu nhập của người trồng cam được nâng cao. Đặc biệt, Hội chợ Cam sành Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm là hoạt động động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại sản phẩm Cam sành Hàm Yên đến với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
12:51, 21/11/2019
10:05, 17/11/2019
00:30, 28/09/2019
06:07, 03/09/2019
14:57, 27/08/2019
Ông Kiên cho biết, Hội chợ Cam sành Hàm Yên nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, trang trại, hộ gia đình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh Cam sành Hàm Yên. Đồng thời, qua đó trao đổi thông tin thị trường, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hội chợ cũng là địa chỉ để giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước, con người, các giá trị văn hóa truyền thống và tiềm năng du lịch huyện Hàm Yên nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung.
Để giá trị và chất lượng của Thương hiệu cam sành Hàm Yên được nâng cao hơn nữa, vươn ra thị trường rộng lớn hơn nữa, với mục tiêu giữ vững Thương hiệu cam sành Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã và đang phát triển vùng cam sành với quy mô phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam sành, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người trồng cam, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, để giữ vững và phát triển mạnh thương hiệu cam sành Hàm Yên trên thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở khoa học và Công nghệ, UBND huyện Hàm Yên và các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp lập bộ hồ sơ đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Đây là việc vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm cam sành cũng như bảo vệ giá trị thương hiệu không thể lẫn với vùng miền nào khác.
Theo ông Hải, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên bắt đầu được Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện từ năm 2017. Sở đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Hàm Yên, Cục Sở hữu trí tuệ, các tổ chức tư vấn về sở hữu trí tuệ xây dựng thuyết minh dự án “Xây dựng và quản lý Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên, của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang”. Hồ sơ đã nộp về Cục Sở hữu trí tuệ đúng quy định. Đến tháng 4/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định phê duyệt dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, bắt đầu thực hiện từ năm 2019. Theo ông Hải, việc triển khai dự án có chậm so với mong muốn nhưng phải theo các quy định, trình tự pháp luật về khoa học và công nghệ.
Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho sản phẩm cam sành của huyện Hàm Yên sẽ góp phần nâng cao vị thế, danh tiếng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường so với nông sản cùng loại. Cùng với đó là khi xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý thì việc ban hành quy trình trồng, sản xuất, kinh doanh sẽ tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa quy trình sản xuất của người dân, tạo tiền đề áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ trong giai đoạn quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý.