Sản xuất nông nghiệp xanh tại Việt Nam đã trở thành một yêu cầu cấp thiết để đối phó với các thách thức về môi trường và kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 19/12/2024, bà Huỳnh Kim Định - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cho biết, sản xuất nông nghiệp xanh là xu hướng tất yếu của thế giới, để ứng phó các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực bền vững.
Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, tầng suất thiên tai, hạn hán, lũ lụt ngày càng nhiều, diễn biến bất thường và các điều kiện khí hậu cực đoan. Trong khi đó, nông nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích, có tác động tích cực đến hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Các phương pháp nông nghiệp xanh được ứng dụng vào thực tiển tại Việt Nam có thể kể đến: sản xuất sinh thái, thuận thiên, hữu cơ, nông nghiệp chính xác và hệ thống canh tác kết hợp (xen canh, luân canh, vườn – ao – chuồng – Biogas, canh tác đa tầng) giúp bảo vệ sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng, kiểm soát dịch hại, và giảm thiểu lạm dụng hóa chất.
Bà Huỳnh Kim Định chia sẻ, hiện nay, sản xuất nông nghiệp xanh tiến đến sản xuất nông nghiệp “Net Zero” đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, với những lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên tùy thuộc vào đặc thù của mỗi quốc gia. Tính đến hiện tại, hơn 190 quốc gia đã cam kết đạt mục tiêu Net Zero (phát thải carbon ròng bằng 0), với mục tiêu cuối cùng là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc 2060, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia được ghi nhận trong Thỏa thuận Paris của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2015.
Mặc dù các nước có các chiến lược, giải pháp khác nhau tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia nhưng từ kết quả thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh của các nước trên thế giới như Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Australia... thì một số yếu tố quan trọng tác động hiệu quả đến chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh có thể kể đến như:
Thứ nhất, xác định đối tượng, lĩnh vực trọng tâm; mục tiêu, giải pháp và lộ trình thực hiện.
Thứ hai, đào tạo nâng cao năng lực và nhận thức các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu chủ động thực hành sản xuất nông nghiệp xanh.
Thứ ba, đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh (cơ giới hóa nông nghiệp xanh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp....) cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao lợi nhuận, hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường;.
Thứ tư, phát triển chuỗi cung ứng, ưu tiên xây dựng chuỗi cung ứng ngắn, minh bạch nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và đảm bảo chất lượng.
Thứ năm, điều kiện tiên quyết là sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để người dân chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển công nghệ xanh, khuyến khích doanh nghiệp nhà đầu tư vào các dự án nông nghiệp xanh và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản xanh, dịch vụ xanh trên trường quốc tế.
Tại Việt Nam, về thực trạng về sản xuất nông nghiệp xanh, bà Huỳnh Kim Định cho biết, sản xuất nông nghiệp xanh tại Việt Nam đã trở thành một yêu cầu cấp thiết để đối phó với các thách thức về môi trường và kinh tế.
Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, như: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, khẳng định vai trò quan trọng của nền nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu thị trường; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, năng suất, chất lượng và bền vững; Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được phê duyệt, hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và phát thải carbon thấp (tháng 9/2022); Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đưa Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới.
Một số mô hình nông nghiệp xanh đã được nghiên cứu ứng dụng, ngày càng hoàn thiện; nhiều quy trình sản xuất nông nghiệp xanh đã được xây dựng, sản xuất nông nghiệp xanh được duy trì phát triển bởi những người tâm huyết, quan tâm đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chính xác, bảo vệ rừng và trồng dược liệu dưới tán rừng….
Về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì vùng có diện tích tự nhiên 4.092.000 ha, với 2.575.000 ha đất sử dụng canh tác nông nghiệp; trong đó: diện tích gieo trồng lúa: hơn 3.823.000 ha, sản lượng đạt: 23 – 24 triệu tấn lúa; chiếm trên 55% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Phát thải khí nhà kính trong hệ thống sản xuất lúa với canh tác lúa nước phát thải trung bình 43,79 triệu tấn CO2 tương đương/năm, chiếm 49,35% tổng lượng phát thải nông nghiệp và 15,42% tổng lượng phát thải khí nhà kính cả nước.
Theo bà Định, đã có nhiều chương trình, dự án thực hiện xuyên suốt, kiên trì để hỗ trợ người nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học vào mô hình canh tác cây lúa nước theo hướng phát triển bền vững, có thể kể đến như: Chương trình 3 giảm 3 tăng, chương trình 1 phải 5 giảm, tiết kiệm nước, ngập khô xen kẻ, tái sử dụng các phụ phẩm trong chuỗi giá trị lúa gạo, chương trình phát triển giống cây trồng, sử dụng giống lúa xác nhận, chương trình giảm lượng giống gieo sạ xuống 120 ký/ha rồi đến 60 - 80 ký/ha, chương trình IPM, ICM, IPHM, chương trình ứng dụng công nghiệp công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp, chương trình sản xuất đạt SRP, chương trình nâng cao chất lượng lúa gạo VietGAP, GlobalGAP, sản xuất sinh thái, hữu cơ…
Dấu ấn trong liên kết tổ chức quốc tế đưa cuộc cách mạng xanh thay đổi tư duy sản xuất lúa qua các dự án như: dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT - WB), triển khai tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2015-2022, trên diện tích 180.000 ha lúa, hiện nay, HTX đã tự mở rộng được hơn 8.000 ha và Dự án sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults - SNV tại Thái Bình năm 2016-2021.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bà cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những hạn chế như: Vùng chuyên canh lúa còn manh mún, hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng chưa đồng bộ, hệ thống logistics (vận chuyển, tồn trữ, bảo quản…) chưa đảm bảo được yêu cầu nâng cao chất lượng, hạ giá thành lúa gạo và gây nhiều rủi ro, trở ngại cho bà con nông dân trong thích ứng với biến đổi khí hậu; thiếu hợp tác xã mạnh làm đầu tàu trong ngành hàng lúa gạo.
Sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa, hợp tác xã, doanh nghiệp còn lỏng lẽo thông qua hợp đồng mua bán thông thường dẫn đến tư duy “mùa vụ” của người nông dân, HTX và tư duy “thương vụ” của doanh nghiệp...
Trước bối cảnh trên, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL với mục tiêu tăng lợi nhuận cho người trồng lúa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng ruộng, nâng cao chất lượng lúa gạo, xây dựng thương hiệu tạo lợi thế cạnh tranh đưa sản phẩm lúa gạo vào kênh tiêu thụ cấp cao, tổ chức lại sản xuất, tổ chức chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, minh bạch, đoàn kết, trách nhiệm và bền vững; góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Vì vậy, theo bà Huỳnh Kim Định, Đề án "Xây dựng và phát triển một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh" là một chính sách đột phá của Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính sách này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm lúa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế, đề án thật sự là định hướng chỉ đạo một cuộc cách mạng xanh trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, để triển khai đề án thành công đã có nhiều chính sách mang tính đột phá tháo gở nhanh, kịp thời những vướng mắc, trở ngại khi thực hiện đề án.
Qua một năm thực hiện, từ kết quả mang lại của 07 mô hình thí điểm tại 05 tỉnh, sự lan truyền và ủng hộ mạnh mẽ của người trồng lúa, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự nhiệt quyết, bám điểm của hệ thống chuyên ngành và ủng hộ cao của các tổ chức chính trị xã hội tại 12 tỉnh.
“Qua kết quả từ thực tiễn cho thấy, đề án thể hiện một chiến lược mang tính khoa học, hiện đại và khả thi cao. Tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt dưới sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chuyên ngành, đoàn thể và người nông dân đã nâng cao vị thế lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế và thị trường trong nước, giúp người nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL nâng cao thu nhập, giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng thích ứng chống chịu với biến đổi khí hậu, là cơ sở nền tảng để phát triển công nghiệp xanh, du lịch sinh thái” – bà Huỳnh Kim Định nhấn mạnh.