Đánh giá cao kết quả tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, tuy nhiên, để dự thảo bám sát thực tiễn, góp ý hoàn thiện, đại biểu đề nghị, xem xét bổ sung quy định về văn hóa, xã hội trong quy hoạch đô thị, nông thôn.
Thực hiện Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngày 27/8, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Theo đó tại Hội nghị, đa số ý kiến bày tỏ đánh giá cao kết quả tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Nhiều ý kiến nhất trí với các nội dung lớn của Dự án Luật như quy định về quản lý không gian ngầm, việc bổ sung thêm một số quy định liên quan đến nội dung còn chồng lấn, giao thoa giữa quy hoạch.
Các đại biểu cho rằng, về cơ bản Dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.
Bên cạnh những điểm tích cực đã nêu, góp ý hoàn thiện về yêu cầu trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, khoản 2 Điều 9 trong Dự thảo Luật quy định nội dung quy định và yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn bảo đảm các vấn đề xã hội, cảnh quan, văn hóa và di sản để làm cơ sở đưa ra các giải pháp quy hoạch không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sử dụng đất quy hoạch.
Đại biểu đề nghị, xem xét thiết kế riêng một Điều quy định yêu cầu về văn hóa, xã hội trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; nhất là việc bảo đảm các yếu tố về xã hội, văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch.
Còn theo đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 đã phần nào phát huy tác dụng, tuy nhiên, vẫn còn có những vướng mắc mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành chưa được tháo gỡ.
Do đó, đại biểu đề nghị, ở những địa phương chưa cân đối được nguồn, thì cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên để lập, thẩm định, quyết định đối với quy hoạch đô thị và nông thôn được lập sau ngày 16/6/2022 và quy hoạch đã được bố trí một phần kinh phí, nhưng phát sinh thêm các nhiệm vụ quy hoạch sau ngày 16/6/2022.
Đồng thời kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sớm có chủ trương thống nhất với Chính phủ để các bộ, ngành liên quan có sự đồng bộ trong hướng dẫn các địa phương áp dụng triển khai, tổ chức và thực hiện kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.
Quan tâm nội dung về quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định tại Mục 6 Dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh nhìn nhận, toàn bộ mục này sử dụng rất phổ biến cụm từ “cộng đồng dân cư có liên quan”.
Theo đại biểu, đối với quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương thì có lấy ý kiến toàn bộ dân cư sống tại thành phố đó không? Nếu nếu lấy ý kiến dân cư của cả thành phố thì cụm từ “cộng đồng dân cư” là chưa phù hợp, bởi cụm từ này thường để chỉ một cụm dân cư có quy mô nhỏ, tập trung tại một khu vực trong lãnh thổ có tính chất quần cư cao”.
Do đó, đại biểu đề nghị cần phải quy định cụ thể trong luật phạm vi của “cộng đồng dân cư có liên quan”, làm rõ nội hàm, giải thích rõ ràng về khái niệm này, đảm bảo việc lấy ý kiến được thực hiện một cách thống nhất.
Cùng với các nội dung đã nêu, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, một số ý kiến cũng cho hay, khoản 5 Điều 27 Dự thảo Luật quy định “Quy hoạch chung huyện được phê duyệt là cơ sở để xác định, lập dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung” - Quy định như Dự thảo là chưa rõ và thiếu đồng bộ với các quy định của tại khoản 2 của Điều 27. Việc xây dựng quy hoạch chung của huyện còn làm cơ sở để xây dựng quy hoạch chung của xã, quy hoạch chung thị trấn và đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn…
Vì vậy, cần bổ sung quy định vào khoản 5 Điều 27 Dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể khoản này cần sửa theo hướng: “Quy hoạch chung huyện được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung xã, quy hoạch chung thị trấn và đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn, quy hoạch phân khu các khu chức năng trong huyện, và lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung cấp huyện”.