Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tại Quảng Ninh, người dân vui mừng với hàng loạt dự án nghìn tỷ thể hiện sự “đột phá” về kinh tế - xã hội của tỉnh đã và sắp hoàn thiện.
Trái ngược cũng đang tồn tại những công trình nghìn tỷ khác đang hoen gỉ, hư hỏng nằm lạnh lẽo dưới những lớp bụi thời gian.
Tháng 6/2010, khi Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân Vinashin (Hạ Long, Quảng Ninh) 3.300 tỷ đi vào hoàn thiện và ra tấn thép đầu tiên, ngành đóng tàu trong nước kỳ vọng sẽ có nguồn cung ứng thép tấm khổ lớn thay thế thép nhập khẩu để đóng những con tàu vạn tấn. Sau 3 tháng hoạt động, đến tháng 9/2010, Vinashin “vỡ trận” và cũng vì thế Nhà máy này buộc phải dừng hoạt động, “đắp chiếu” kể từ đó đến nay khiến cho hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân hư hao theo thời gian.
Chỉ còn là đống sắt hoen gỉ
Sau hơn 1 năm, PV DĐDN quay trở lại Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân, lối vào vẫn là con đường lầy lội, đất đá cùng những bụi cỏ lau mọc um tùm, cao hơn đầu người. Xót xa hơn cả là toàn bộ giàn máy nặng hàng chục ngàn tấn được nhập từ Trung Quốc công suất 1 triệu tấn thành phẩm/năm với dây chuyền có năng lực cán nóng thép tấm độ dày từ 5 đến 50 mm, khổ rộng 1,6 - 3 m, dài 6 - 18 m, đạt tiêu chuẩn khắt khe của các tổ chức đăng kiểm tàu biển quốc tế như DNV (Na Uy), ABS (Hoa Kỳ)… được phủ những lớp bụi dày cộm, hoen gỉ, nhà xưởng thì vắng ngắt hoang lạnh đến đáng sợ.
Dẫn tôi đi quanh Nhà mày, liên tục xoa những lớp bụi phủ dày ken đặc trên hệ thống máy móc ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc nhà máy kể lại, trong giai đoạn chạy thử từ tháng 6 - 8/2010, dây chuyền này đã cán được 5.000 tấn thép với kết quả đạt chất lượng theo phương pháp thử ASTM của Hoa Kỳ.
Đã có 3.000 tấn thép thành phẩm được Nhà máy xuất ra nước ngoài, 2.000 tấn thép tấm còn lại vì nhiều lý do vẫn chất đống ở góc xưởng, nay đã bị hoen gỉ toàn bộ bề mặt. Đám thành phẩm này giờ hư hỏng tới mức không một cơ quan đăng kiểm nào cho phép đưa vào đóng tàu, nên chỉ còn nước đưa đi nấu lại. “Tuy nhiên, xử lý thế nào, bán với giá nào giờ không thuộc quyền của Nhà máy, mà là của các tổ chức tín dụng” - ông Văn chua xót nói.
Với phương án bán cả Nhà máy thì cũng không có người mua kể cả bán với giá “0 đồng”, vì con số nợ tài chính của Nhà máy thép Cái Lân là rất lớn (riêng phần lãi vay đã chiếm đến hơn 30% số nợ).
Hàng loạt giải pháp đã được đặt ra từ rất lâu để giải cứu Nhà máy cán nóng thép Cái Lân nhưng đến nay Nhà máy vẫn rơi vào bế tắc, ông Văn cho biết thêm, theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã được Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo thì Nhà máy thép Cái Lân thuộc diện đơn vị nằm trong nhóm: Giải thể, phá sản, bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa…
Có thể bạn quan tâm
17:08, 01/11/2018
22:14, 20/12/2016
22:11, 06/12/2016
Người lao động “cố thủ”
Tuy nhiên, với phương án bán cả Nhà máy thì cũng không có người mua kể cả bán với giá “0 đồng”, vì con số nợ tài chính của Nhà máy thép Cái Lân là rất lớn (riêng phần lãi vay đã chiếm đến hơn 30% số nợ). Hơn nữa, máy móc thiết bị của Nhà máy để lâu năm không sử dụng nên đã xuống cấp rất nghiêm trọng.
Theo ông Văn, không ai dám mua là bởi vì, giá tôn cán nóng trên thị trường rất thấp, chủ yếu là do nguồn tôn giá rẻ từ Trung Quốc. Ví dụ như giá thép thành phẩm của Trung Quốc bán ra thị trường khoảng 7.400/1kg. Còn tại nhà máy, chỉ riêng việc nhập phôi về sản xuất giá đã cao hơn thép tấm bán bên ngoài. Do đó khó có người nào lại mạo hiểm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để mua lại nhà máy rồi sau đó vận hành trong điều kiện kinh doanh bán hàng chưa chắc đã có lãi.
“Chúng tôi thực sự lo lắng khi hàng ngày phải chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của nhà máy cán thép được đầu tư hiện đại nhất khu vực. Nhiều chi tiết bị hỏng, đặc biệt là nước biển ngấm đã làm hỏng hệ thống thủy lực chìm. Cứ như này thì chẳng lâu nữa 16 nghìn tấn trang thiết bị trị giá 3.300 tỷ đồng sẽ chỉ còn là đống sắt vụn” – ông Văn xót xa.
Bi đát hơn, trên 30 lao động hiện đang trông coi nhà máy hàng ngày rơi vào tình cảnh nhiều tháng không lương.
“Tình cảnh ở đây đang hết sức khó khăn, nhà máy lại không hoạt động, nên số phận của cán bộ trông chờ hoàn toàn vào việc cho các doanh nghiệp bên ngoài vào thuê mặt bằng sản xuất, số tiền cho thuê sẽ chi trả tạm ứng lương hàng tháng và các chi phí khác để "giữ người" trông coi nhà máy”, ông Văn cho biết.
Theo tìm hiểu của DĐDN, Hậu quả mà Vinashin để lại tại Quảng Ninh không chỉ có Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân, mà còn một Nhà máy khác với khối tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng cũng đang “cùng cảnh ngộ”. Đó là Nhà máy phát diện diesel Cái Lân.
Kỳ 2: Nhà máy phát điện: “Một phút huy hoàng rồi chợ tắt”