"Xu hướng dòng vốn vào Việt Nam rất rõ, phải có môi trường tốt để thu hút"

THY HẰNG 02/03/2021 14:26

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các chỉ tiêu vĩ mô của báo cáo bổ sung về kinh tế 2020 đều tốt hơn con số đã báo cáo trước Quốc hội, đặc biệt nợ công, thu chi ngân sách, dự trữ và các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt chúng ta đã thắng lợi về thực hiện mục tiêu kép.

phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/202

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021.

Chia sẻ với các ngành gặp bế tắc

Về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta tiếp tục điều hành chủ động, quyết liệt, sáng tạo, kịp thời và đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tín dụng tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, đạt hai con số, xuất siêu 1,3 tỷ USD. Hình ảnh và uy tín Việt Nam trên thế giới tiếp tục được nâng lên.

Thủ tướng nêu rõ, phải khắc phục được tình trạng một số doanh nghiệp khó khăn, đặc biệt các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, bán lẻ. Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết của Chính phủ đã báo cáo. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút có sàng lọc nguồn vốn FDI có chất lượng.

Thời cơ đối với Việt Nam rất lớn, xu hướng dòng vốn vào Việt Nam rất rõ ràng. Cho nên, phải có môi trường đầu tư tốt để thu hút.

Bên cạnh phát huy vai trò các tập đoàn kinh tế Nhà nước, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài.

Giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm bố trí một cuộc đôn đốc kiểm tra giải ngân đầu tư công cũng như vốn ODA.

Rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó. Nuôi dưỡng động lực phát triển kinh tế và tạo nguồn thu lâu dài là chủ trương về chính sách tài khóa và tiền tệ. Đặc biệt phát huy thế mạnh các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh trọng điểm khác ở miền Đông Nam Bộ. Phấn đấu không được để nợ các văn bản hướng dẫn luật tại Chính phủ trước khi bàn giao.

Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

Trước đó, Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, mặc dù trong tháng có kỳ nghỉ Tết kéo dài và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội có bước chuyển biến tích cực.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Tuy nhiên, CPI tháng 2/2021 tăng 1,5% so với tháng trước, đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng Hai trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị hàng loại các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trước hết là thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tuyệt đối không chủ quan, nâng cao cảnh giác, trách nhiệm; đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch. Khẩn trương ban hành hướng dẫn, quy trình thống nhất về sản xuất, lưu thông hàng hóa, phương tiện giữa vùng có dịch và không có dịch; có biện pháp hỗ trợ phân phối, tiêu thụ hàng hóa an toàn dịch bệnh, đặc biệt với các hàng hóa nông sản, có thời gian bảo quản ngắn. Đẩy mạnh việc hợp tác, đàm phán mua vaccine và nghiên cứu vaccine trong nước; đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng vaccine, đặc biệt đối với các khu vực, đối tượng ưu tiên.

Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Dự báo dịch COVID-19 sẽ vẫn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong ít nhất nửa đầu năm 2021 và cho đến khi việc tiêm chủng vaccine được phổ biến rộng rãi. Do vậy, cần duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát tình hình, phân tích, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch bệnh, đặc biệt đối với các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải…

Tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển thị trường trong nước. Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, đặc biệt đối với khô hạn, xâm nhập mặn để có giải pháp trữ nước đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.

Tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong các hoạt động của đời sống xã hội; phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử; ứng dụng thanh toán điện tử trên môi trường trực tuyến.

Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ.

Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu trên cơ sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại các thị trường đối tác; rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu; tận dụng cơ hội để thúc đẩy cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường. Chủ động nghiên cứu các thay đổi chính sách thương mại của các đối tác lớn và có tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đẩy mạnh thu hút hiệu quả, có chọn lọc đầu tư nước ngoài. Chủ động rà soát kỹ hoạt động mua bán, sáp nhập nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội để vừa bảo đảm điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa chủ động bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng đầu tư để tránh thuế, ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 6): Kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước

    04:50, 01/03/2021

  • Thúc đẩy kinh tế tư nhân (Kỳ 3): Tìm động năng mới

    11:23, 27/02/2021

  • Thúc đẩy kinh tế tư nhân (Kỳ 2): Xóa định kiến “kinh tế tư nhân”

    11:00, 26/02/2021

  • Thúc đẩy kinh tế tư nhân (Kỳ 1): Hướng tới môi trường bình đẳng

    11:00, 25/02/2021

  • Chìa khóa thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững ở Đông Á

    11:00, 25/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Xu hướng dòng vốn vào Việt Nam rất rõ, phải có môi trường tốt để thu hút"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO