Tiềm năng du lịch VN còn rất lớn. Điều này đã tạo động lực thúc đẩy những cuộc “cộng sinh” giữa các “ông lớn” hàng không và du lịch, góp phần tạo nên một xu hướng mới, diện mạo mới cho du lịch Việt.
Theo ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch, “hàng không và du
lịch là hai cánh máy bay cùng bay lên. Một trong những yếu tố quan trọng giúp hàng không phát triển chính là sự phát triển của du lịch và ngược lại, du lịch có phát triển cũng nhờ hàng không phát triển”.
Ông Nguyễn Phi Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: “Cách đây 3-4 năm, Quy Nhơn giống như “nàng công chúa ngủ quên”. Từ 2 chuyến bay mỗi ngày (2015), hiện sân bay Phù Cát đã có 20 chuyến. Tỉnh từng mong đón 1-2 triệu khách mỗi năm thì riêng quý 1/2019, Quy Nhơn đã đón một triệu lượt khách. Điều mà chúng tôi thấy rõ nhất là người dân của Bình Định có nhiều nguồn thu nhập tăng thêm từ tăng trưởng du lịch”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Vũ Văn Diện cũng khẳng định: “Với cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh “mở cửa” cả trên bầu trời. Như vậy du khách trong nước cũng như quốc tế đến với Quảng Ninh sẽ nhanh hơn; việc vận tải hàng hoá cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn”.
Thống kê gần đây nhất cho thấy, sau 2 tháng đi vào hoạt động, sân bay Vân Đồn đã đón trên 15.000 lượt hành khách với 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam đang tổ chức khai thác tại đây, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways. Tần suất hoạt động của sân bay vào khoảng 30 chuyến bay đến và đi mỗi tuần. Công suất trên mỗi chuyến bay đạt gần 70%.
Theo Thống kê của Tổng cục Du lịch ViệT nam, khách nước ngoài đến ViệT nam năm 2018 là 15,6 Triệu lượT khách. năm 2019, riêng Trong 3 Tháng đầu năm con số đạT 4,5 Triệu lượT khách, Tăng 7% so Với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện một số hãng hàng không mới đã công bố kế hoạch mở đường bay tới Vân Đồn gồm DongHai Airlines (Trung Quốc) và Bangkok Airways (Thái Lan). Vietnam Airlines cho biết đang nghiên cứu cùng HaNa Tour (Hàn Quốc) về việc mở chuyến bay thẳng Vân Đồn - Hàn Quốc, trong khi đó, VietJet Air đã tiến hành khảo sát để xúc tiến việc mở đường bay Đài Loan - Vân Đồn.
Rõ ràng, việc sở hữu 600 điểm tham quan (các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đặc biệt là TP Hạ Long) là động lực chính thúc đẩy các hãng hàng không mở tuyến bay tới Sân bay Vân Đồn. Hiện trên 80% khách nước ngoài đến Việt Nam từ hàng không, lượng khách nội địa đi phương tiện này cũng ngày một tăng. Và nếu thị trường hàng không không đủ tính cạnh tranh, việc sụt giảm khách du lịch là tất yếu.
Thực tế hiện nay, việc đua nhau mở các hãng hàng không nội và ngoại địa đang tạo lợi thế để du lịch Việt phát triển bền vững. Các tổ chức quốc tế đánh giá, hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới và dư địa còn rất lớn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ngành hàng không vẫn chưa khai thác hết toàn bộ nguồn lực từ du lịch, các tuyến bay thẳng quốc tế và nội địa đến những địa danh du lịch nổi tiếng chưa nhiều. Vì thế, giá vé máy bay vẫn còn cao, dẫn đến giá tour trọn gói cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hiện tại.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Vietravel từng nhận định, ngành hàng không đang thiếu quan tâm, thiếu kết nối với các công ty du lịch. Sự liên kết chỉ xuất hiện khi bắt đầu phát động thị trường, còn khi đường bay đã mở, thị trường đã vào rồi thì lại trở nên lỏng lẻo.
“Cần phải có sự tham gia của nhà nước như một nhạc trưởng kết nối, sự cầu thị của chính các doanh nghiệp hàng không và du lịch, thật sự muốn hợp tác, tất cả vì mục tiêu chung đưa Việt Nam trở thành cường quốc du lịch”- ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu quan điểm.
Đó là thách thức nhưng cũng là thời cơ cho ngành hàng không, mở ra xu hướng hợp tác mới giữa hàng không và du lịch hướng tới tối ưu về giá và khai thác hiệu quả hơn các điểm đến.
Nhìn nhận những cơ hội mà du lịch đem lại, các “ông lớn” ngành hàng không và du lịch đã có những cú “bắt tay” nghìn tỷ hợp tác đầy triển vọng, góp phần tạo nên một xu hướng mới hiện nay.
Cú hích mới của hai “ông lớn” Vietnam Airlines và Vingroup “bắt tay”nhau phối hợp xây dựng sản phẩm kết hợp hàng không và du lịch trên toàn bộ mạng đường bay và cơ sở lưu trú du lịch của hai bên thời gian qua là một ví dụ điển hình.
Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng mới đây đã ký quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn du khách” nhằm kết nối các đường bay với các vùng du lịch trọng điểm và du lịch thế giới.
Thông qua sự hợp tác này, khách hàng có thể mua một gói sản phẩm với hai dịch vụ hàng không - du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, tiện nghi từ đó giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Hình thức này đã được Singapore Airlines, Bristish Airways và nhiều hãng hàng không khác thực hiện. Khi khách hàng đặt vé máy bay, hệ thống sẽ tự động gợi ý các gói nghỉ dưỡng, hoặc tour du lịch tới các địa điểm nổi tiếng.
Theo đại diện Vietnam Airlines, đây là cơ sở để phát triển các sản phẩm dịch vụ đi theo xu hướng chuyên biệt hoá, phục vụ tốt hơn nhu cầu của phân thị khách hàng trung và cao cấp.
Tương tự Vietnam Airlines, hãng hàng không mới Bamboo Airways cũng tận dụng tối đa hệ thống quần thể nghỉ dưỡng sân golf của Tập đoàn FLC để khai thác các gói dịch vụ kết hợp giữa hàng không và du lịch, với mức giá ưu đãi đặc biệt, thậm chí siêu rẻ.
Không kém cạnh, Vietjet cũng đã ký hợp tác với Tổng cục du lịch để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam ra thế giới, mang đến cơ hội đi lại, du lịch thuận tiện cho người dân Việt Nam và du khách quốc tế, đặc biệt kết nối Việt Nam với thế giới gắn với các điểm đến mà hãng này có đường bay trực tiếp.
Rõ ràng, khi các hãng hàng không và du lịch xây dựng được sản phẩm chung, chi phí sẽ tiết giảm. Từ đó thúc đẩy phát triển du lịch tại nhiều địa phương, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.