Xu hướng kinh tế không dùng tiền mặt

Lê Yến 18/02/2018 06:10

Giấc mơ Việt Nam không dùng đến tiền mặt là mong ước của Chính phủ và nhiều người dân đang dần trở thành hiện thực.

Thẻ tín dụng, ví điện tử, quét mã bằng điện thoại di động… đang dần trở nên quen thuộc với người dùng tại Việt Nam. Các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đang được nhiều doanh nghiệp triển khai khá nhanh, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Chi trả được nhiều nơi

Đi chợ hàng tuần trong siêu thị, thanh toán hóa đơn điện, nước hàng tháng, đi ăn cùng cả nhà dịp cuối tuần… hầu như tất cả các dịch vụ đều được chị Thu Dung, một nhân viên văn phòng tại Quận 3, TP.HCM chi trả bằng thẻ tín dụng ngân hàng hay thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng di động (Mobile Banking). Thậm chí gần đây, chị Dung còn sử dụng thêm dịch vụ mua vé xem phim, đăng ký mua vé máy bay, săn lùng các đợt bán hàng giảm giá trên trang bán hàng online Tiki.vn… đơn giản vì có liên kết với ví điện tử và còn được khuyến mãi.

“Mấy tháng qua, hầu như mình rất ít ra trụ ATM rút tiền mặt để xài, vì mọi chi phí lớn của bản thân và gia đình đều thanh toán bằng thẻ, qua ví điện tử. Ngay cả việc đi taxi cũng có thể thông qua thẻ hoặc ví điện tử. Mọi thứ mua ở siêu thị hay cửa hàng tiên lợi cũng đều quẹt thẻ hay ví điện tử là xong. Chỉ thỉnh thoảng mới cần dùng đến một ít tiền mặt để tiêu pha dọc đường khi cần đổ xăng, gửi xe…”, chị Thu Dung chia sẻ.

Mặc dù chưa quá mức “sành điệu” như chị Thu Dung, nhưng anh Trần Trung, một phụ huynh tại Quận 7 cũng cho biết, gần đây, mọi khoản phí học hành cho hai đứa con anh đều chuyển khoản thay vì phải đến trường nộp tiền mặt như trước. Từ học ngoại ngữ, học ngoại khóa đến học phí ở trường công. Thậm chí, anh Trung còn cho biết có lần ra cửa hàng của Thế Giới Di Động, anh đã thanh toán được ngay các hóa đơn điện, nước và truyền hình cáp nhanh chóng.

Theo anh Trung, hiện nay các dịch vụ thanh toán khá tiện lợi, không sợ mất thời gian đi lại nhiều nơi như trước đây. Bên cạnh việc hệ thống ngân hàng phát triển mạnh công nghệ điện tử thông qua việc phát hành các loại thẻ gồm ATM, thẻ tín dụng, thẻ đồng thương hiệu… hay máy POS, hệ thống các công ty tài chính công nghệ (Fintech) với dịch vụ phổ biến là ví điện tử đã nhanh chóng phổ biến các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tới nhiều người dân.

Chẳng hạn tính đến hết năm 2017, ví điện tử Payoo đã liên kết với hơn 6.000 điểm trên toàn quốc là các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng điện máy… kết nối trực tiếp với 30 ngân hàng, giúp khách hàng có thể thanh toán hơn 200 loại hóa đơn tiện ích khác nhau. Payoo tiếp tục mở rộng hợp tác với các hệ thống để tăng độ phủ cho PayTouch - là hệ thống tích hợp bán các loại vé máy bay, vé xe, vé xem phim… tại các cửa hàng tiện lợi - để cung cấp thêm một kênh mua vé tiện ích và dễ dàng hơn cho khách hàng. Với lượng người dùng lớn và thường xuyên, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt gần 2 tỷ USD/năm. Một trong những hoạt động tạo dấu ấn của Payoo trong năm 2017 vừa qua, đó chính là triển khai các dịch vụ hành chính công cấp độ 4.

Hay như ví điện tử MoMo trong năm qua cũng chính thức trở thành đối tác ví điện tử đầu tiên ở Đông Nam Á của Uber; liên kết tới 12 ngân hàng lớn nhất với ví điện tử. MoMo hiện có 8 triệu người dùng, trong đó, khoảng 65% số người đăng ký ứng dụng ví điện tử trên điện thoại và 35% là khách hàng sử dụng dịch vụ tại các điểm giao dịch.

Theo ông Lê Huy Toàn - Giám đốc ngành hàng tổng hợp, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, hiện tại trên các siêu thị thuộc hệ thống này có phục vụ việc thanh toán tiền cho những dịch vụ như điện, nước, internet, cáp truyền hình, tiền trả góp, tiền điện thoại di động trả sau của Mobifone và Viettel, tiền điện thoại cố định, thanh toán tiền vay trả góp ở các công ty tài chính… Số lượng người tham gia dịch vụ này tại các cửa hàng khoảng 4 triệu lượt người/tháng.

“Đánh giá chung của khách hàng là họ cảm thấy rất hài lòng, thú vị về dịch vụ tiện ích mà Thế Giới Di Động đang mang lại. Bằng chứng là việc thu hộ ngày càng tăng lên và số lượng khách hàng tới lần đầu sau đó quay lại rất nhiều. Yếu tố quyết định sự cạnh tranh trong dịch vụ này đó là nhà bán lẻ phải có năng lực kết nối được nhiều các loại hình dịch vụ tiện ích cho khách hàng trên diện rộng, có hệ thống cửa hàng ở khắp nơi và phải xử lý dịch vụ đó đơn giản, nhanh gọn nhất”, ông Lê Huy Toàn nói thêm.

Xu thế mới
Một trong những yếu tố đầu tiên thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt chính là dịch vụ thương mại điện tử đang phát triển khá mạnh tại Việt Nam.

Phân tích của Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, khả năng truy cập Internet ở Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ. Tại Việt Nam, Internet băng rộng di động có 53,411 triệu thuê bao. Trong đó, thuê bao băng rộng cố định đạt 9,57 triệu thuê bao, chiếm 18%. Các dịch vụ nội dung số phát triển mạnh mẽ sẽ tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp và người tiêu dùng hình thành thói quen sử dụng Internet cho các mục đích khác nhau như marketing, mua sắm, thanh toán...

Theo ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Cộng đồng Việt, hầu hết người dùng tại Việt Nam có trải nghiệm trực tuyến đầu tiên thông qua điện thoại thông minh, thậm chí giới trẻ còn sở hữu ít nhất 2 thiết bị di động mỗi người. Do vậy, đây chính là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến và xây dựng các ứng dụng di động tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, những hành động kịp thời của Chính phủ như ban hành chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020, cấp phép chính thức cho dịch vụ ví điện tử, thành lập Ban chỉ đạo Fintech… đã giúp cho lĩnh vực Fintech trong năm qua có sự phát triển vượt bậc. Trước đây, thanh toán bằng thẻ ngân hàng qua máy POS đã là một bước ngoặt lớn trong lĩnh vực thanh toán điện tử, nhưng trong thời quan tới, xu hướng thanh toán bằng QR Code trên di động sẽ là xu hướng chính. Người dùng chỉ cần thao tác quét QR Code trên điện thoại là có thể thanh toán hóa đơn hay mua hàng bất cứ nơi đâu. Xu hướng thanh toán bằng quẹt mã QR Code dù chưa phổ biến tại Việt Nam, nhưng cũng đang bắt đầu phát triển.

Gần đây nhất, Tập đoàn Viettel đã thử nghiệm nội bộ và các nhân viên có thể trả tiền dù uống trà đá, mua kẹo ở những quầy hàng vỉa hè thông qua điện thoại di động mà không cần mang theo túi tiền. Công nghệ QR Code được đánh giá là giúp giảm mạnh chi phí phát triển hạ tầng thanh toán nên sẽ nhanh chóng phát triển mạnh.

Một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm ở TP.HCM cũng cho rằng, công ty sẽ không thể đứng ngoài xu thế này. Vì vậy trong các giao dịch hiện nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đã chiếm hơn một nửa. Điều này giúp giảm chi phí liên quan cũng như an toàn hơn việc “mang cả bao tiền đi giao dịch”.

Thực tế, xu hướng thanh toán dùng tiền mặt hiện nay đang giảm dần. Theo báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm từ 19,02% của năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và còn 11,45 % vào tháng 8/2017. Theo đó, nhận thức và thói quen về sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã có chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng nhiều người chọn hình thức thanh toán điện tử thay cho thanh toán bằng tiền mặt. Trong đó, thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tính đến tháng 9/2017, số lượng thẻ phát hành lũy kế đạt mức trên 127 triệu thẻ (tăng 5,5 triệu thẻ so với cuối tháng 6/2017).

Mặt khác, số lượng máy ATM lên 17.396 máy, các loại máy POS đạt 260.187 máy. Số lượng giao dịch tăng lên cao với tổng giá trị qua ATM lên 528.985 tỷ đồng (tăng 24.000 tỷ so với cuối tháng 6/2017) và qua các thiết bị khác là 84.099 tỷ đồng.

MoMo hiện có 8 triệu người dùng, trong đó, khoảng 65% số người đăng ký ứng dụng ví điện tử trên điện thoại và 35% là khách hàng sử dụng dịch vụ tại các điểm giao dịch

Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán sẽ ở mức thấp hơn 10%; toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch mỗi năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cũng có POS; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có POS để phục vụ thu ngân sách nhà nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, xu thế không dùng tiền mặt tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Từ đó không chỉ giúp giảm thiểu chi phí cho nền kinh tế mà bản thân doanh nghiệp cũng giảm được chi phí, tăng cường kết nối với người dùng trong và ngoài nước. Còn bản thân người tiêu dùng sẽ có nhiều tiện lợi trong việc thanh toán, mua hàng hóa hàng ngày…

Thêm yêu cầu cho nhà bán lẻ

Trong hiện tại, các nhà bán lẻ phải có năng lực kết nối được nhiều các loại hình dịch vụ thanh toán tiện ích cho khách hàng trên diện rộng, có hệ thống cửa hàng ở khắp nơi và phải xử lý dịch vụ đơn giản, nhanh gọn nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xu hướng kinh tế không dùng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO