Thời gian qua, thương mại điện tử đã có khả năng thúc đẩy bán hàng mạnh mẽ, ngày càng thu hút người sử dụng so với các phương thức bán hàng truyền thống.
Phát triển hạ tầng viễn thông để thúc đẩy thanh toán số
Thời gian qua, thương mại điện tử đã thu hút sự quan tâm ngày càng tăng. Ngày nay, càng nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử và các doanh nghiệp cũng có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này.
Trước xu hướng phát triển rất nhanh của viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số với sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Xác định công tác chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đẩy mạnh xây dựng phát triển kinh tế số. Trong đó, thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử. Để phục vụ triển khai thanh toán trực tuyến kinh doanh thương mại (KDTM), tỉnh Nam Định đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông.
Trong đó, các ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển, cung ứng các dịch vụ thanh toán hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu phát triển thanh toán KDTM, chú trọng cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) công.
Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có gần 2.000 trạm BTS được lắp đặt. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 115/2023/NQ-HĐND quy định mức thu, miễn thu một số phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó các ngành, địa phương nỗ lực nghiên cứu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống “một cửa” điện tử của các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện khuyến khích thanh toán điện tử các khoản phí, lệ phí.
Các địa phương đã có nhiều hình thức huy động sự vào cuộc của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ TTKDTM trong các giao dịch hành chính công và giao dịch thương mại; đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, hiệu quả.
Bà Trần Hồng Minh – đại diện Công ty Nam Minh cho biết: “Nếu như trước đây, tôi phải đến trực tiếp Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trong giờ hành chính để nộp lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp thì giờ đây tôi có thể cơ quan để nộp hồ sơ và thanh toán lệ phí trực tuyến. Chỉ cần sử dụng điện thoại di động để chuyển khoản vào thời gian nào trong ngày cũng được, rất thuận lợi”.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nam Định: Hiện nay, việc thách thức lớn nhất là thanh toán không tiền mặt là đang phát triển thiếu đồng bộ. Mỗi doanh nghiệp, đơn vị đều “tự thân vận động” và phát triển theo định hướng, thời gian khác nhau. Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cần có sự phát triển đồng bộ từ địa phương đến trung ương, các ngân hàng, trung gian thanh toán, các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ và cuối cùng là thói quen của khách hàng.
Ðóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh Nam Định, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh không ngừng đẩy mạnh CÐS, tích cực hướng dẫn người dân các dịch vụ tiện ích của ngành, đặc biệt là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong các giao dịch thương mại.
Theo Sở Thông tin & Truyền thông Nam Định: Qua thời gian triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự hưởng ứng, đồng tình ủng hộ của người dân, đã xoá dần thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, chuyển sang sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt an toàn, nhanh chóng và hiệu quả hơn cho người dùng.
Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, huyện Nghĩa Hưng là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình chợ 4.0 và tuyến đường 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại, tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số.
Cùng với Nghĩa Hưng, các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Nam Trực… đồng loạt ra quân thúc đẩy tuyên truyền hưởng ứng TTKDTM.
Tại huyện Giao Thủy để đẩy nhanh lộ trình TTKDTM, UBND huyện đã huy động tất cả các tổ chức hội, đoàn thể chính trị, các chi nhánh ngân hàng trong hệ thống và các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt cùng ra quân hướng dẫn người dân thanh toán trực tuyến trong giao dịch thương mại và chi trả các dịch vụ như BHXH, y tế, giáo dục, điện, nước... Bằng cách làm này tỷ lệ người dân có thẻ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng thương mại ở khu vực nông thôn của huyện lên đến 85%.
Ông Nguyễn Huy Hoàng – đại diện doanh nghiệp kinh doanh Nội thất thị trấn Giao Thủy cho biết: Trước kia khách hàng của chúng tôi trước nay chỉ giao dịch với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên thời gian gần đây các khách hàng của tôi đã giao dịch bằng tất cả các ngân hàng trong hệ thống. Doanh nghiệp của tôi đã lựa chọn thêm các ngân hàng MB, Viettinbank làm mã QR thanh toán cho doanh nghiệp của mình để đáp ứng tối đa nhu cầu thanh toán trực tuyến của khách hàng”.
Theo tỉnh Nam Định, hiện nay với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, việc TTKDTM nhanh chóng được ứng dụng trong cả khu vực giao dịch công và giao dịch thương mại. Mặc dù có rất nhiều tiện ích, song thực tế việc TTKDTM vẫn còn nhiều khó khăn bởi hình thức này mới chỉ tập trung cho người dân khu vực đô thị.
Để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đặt ra đến năm 2025 theo kế hoạch phát triển TTKDTM trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và triển khai thêm các phương thức thanh toán mới tiện lợi, thu hút đông đảo người sử dụng.