Xử lý bạo lực gia đình phải đạt được mục đích cao hơn, đó là sau khi xử lý thì gia đình có bạo lực sẽ tốt và hạnh phúc hơn. Đây mới là câu chuyện cần bàn.
>>"Nếu thực hiện tốt dân chủ làm gì có hàng loạt cán bộ bị xử lý"
Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn (Bình Dương) chia sẻ tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ngày 14/6.
Đại biểu Trần Công Phàn hoàn toàn đồng tình và tán thành việc xử lý nghiêm và lên án việc bạo lực gia đình. Đó là trách nhiệm của chúng ta và của toàn xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Quốc Trần Công Phàn băn khoăn về ‘tư tưởng” lấy việc xử lý để dần thay đổi cách nghĩ đối với truyền thống gia đình thì đây là việc khó.
Do đó, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, phải xuất phát từ điều kiện của gia đình Việt Nam để quy định những biện pháp phòng ngừa và xử lý. Thực tế, nhiều gia đình Việt Nam coi đấy như “bí mật”, là chuyện riêng của họ, không muốn bên ngoài thiệp vào.
Có khi sau bạo lực lại có thể hàn gắn được, nhưng nếu can thiệp không khéo hoặc xử lý quá nghiêm có khi rạn nứt, có khi ly hôn, thậm chí có khi mỗi người một nơi. Khảo sát thực tế cho thấy, có 90,4% người phụ nữ bị chồng bạo lực nhưng không báo, thậm chí ông nào "đen" bị vợ bạo lực còn giấu biến không dám khai báo”, đại biểu Trần Công Phàn bày tỏ.
Từ đó, đại biểu Trần Công Phàn đề nghị việc can thiệp hay đưa ra xử lý phải xuất phát từ điều kiện gia đình Việt Nam. Hàm lượng về các biện pháp phòng ngừa cũng như biện pháp xử lý phải xuất phát từ yếu tố gia đình Việt Nam, để mục đích lớn hơn là xử lý bạo lực nhưng làm cho gia đình người đó tốt lên, hạnh phúc lên.
Nêu ý kiến tranh luận với ban soạn thảo, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề cập đến quy định về hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo. Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, dự thảo quy định “có thừa nhưng cũng có thiếu”.
Đại biểu Phạm Văn Hoà nêu dẫn chứng, trường hợp vợ chồng đã ly hôn nhưng bắt buộc phải chăm sóc cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đã ly hôn là “không hợp lý và không thể thực hiện được”. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị rà soát điều này.
Hay như ở cơ sở phải có một trại tạm giữ người bạo lực. Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, nếu người bạo lực có mức án hình sự thì công an xã đã “nắm đầu rồi”, cho nên không cần phải có.
Còn nếu bạo lực chưa đến mức vi phạm hình sự thì công an xã mời về địa phương, mời về trụ sở công an xã đó tạm giữ theo thời gian quy định. Sau đó giáo dục, gia đình bảo lãnh thì cho về. “Còn quy định có trại tạm giữ ở cơ sở đó thì tôi cho rằng không hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu”, đại biểu Phạm Văn Hoà nói.
Một vấn đề khác theo đại biểu Phạm Văn Hoà cũng chưa hợp lý, đó là hàng năm Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải tổ chức đối thoại theo Điều 56, đối thoại với người bị bạo lực và người không bị bạo lực. Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng quy định này không khả thi.
Chủ tịch Ủy ban cấp tỉnh đi mời những người bị bạo lực và không bạo lực đến đối thoại hàng năm thì không phù hợp và thiếu thực tiễn. Việc này chỉ nên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thì sẽ phù hợp hơn.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng mong muốn Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung những vấn đề có liên quan đến vấn đề hành vi bạo lực gia đình.
Ví dụ, đài phát thanh họ phát thanh cũng phải có “giờ giấc”, nhưng đài “phát thanh” ở gia đình có thể phát “không giờ, không giấc”, thậm chí nửa đêm cũng “phát thanh”.
“Như vậy, đây có phải là hành vi bạo lực gia đình về mặt tinh thần hay không? Đề nghị ban soạn thảo cũng nghiên cứu”, đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
17:36, 31/05/2022
17:22, 16/04/2022
20:00, 01/01/2022