Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Đưa Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt vào thực tế hoạt động trong lĩnh vực đường sắt; nâng cao an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt nói riêng và trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung.
Mục tiêu cụ thể là giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5-10% hàng năm; hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 11/03/2020
11:00, 04/03/2020
16:00, 28/02/2020
02:55, 28/02/2020
17:00, 27/02/2020
16:28, 26/02/2020
Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường sắt cho người dân, trong đó tập trung vào các đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên toàn quốc, đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; hành khách đi tàu... bằng hình thức trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn quốc như phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo giấy, pano, tờ rơi...; yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí kiên trì thực hiện thường xuyên, liên tục...
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cả nước hiện có 5.580 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt nhưng chỉ có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp, có cảnh giới, rào chắn, còn lại hơn 4.000 lối đi dân sinh tự mở. Số này chiếm hơn 70% tổng số điểm giao cắt đồng mức đường bộ, đường sắt. Ngoài ra, còn có khoảng 14.000 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
“Hơn 70% số vụ tai nạn giao thông là lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề cốt lõi và cực kỳ nan giải trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt”, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên ĐSVN nhấn mạnh.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận, công tác triển khai xóa bỏ các đường gom, đường ngang dân sinh trái phép, bảo đảm hành lang an toàn giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Hiện chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
“Nếu không làm xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thì sẽ vẫn còn tai nạn. Ủy ban ATGT Quốc gia chưa nhận thấy xử lý đối với hộ dân, cá nhân tổ chức, Chủ tịch UBND cấp xã, huyện theo quy định pháp luật về vi phạm hành lang an toàn với đường sắt. Để xảy ra thì chỉ mới phê bình mà chưa có hình thức nào xử lý nặng hơn”, ông Hùng cho biết.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cần phải quy định rõ tránh nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng để người dân tự ý mở đường ngang trái phép tại địa phương. “Chỉ khi ta gắn trách nhiệm cụ thể của ai vào việc gì, khi có tai nạn xảy ra cần truy rõ và xử lý trách nhiện cụ thể. Khi đó may ra TNGT đường sắt mới “hy vọng” giảm”, ông Hùng nói.