Nghiên cứu - Trao đổi

Xử lý hàng tồn kho tại cảng biển - Bài 3: Phải giao cụ thể cho đơn vị đầu mối

Hương Giang 13/11/2024 17:00

Cần mạnh dạn giao quyền và giao trách nhiệm rõ ràng cho một đơn vị đầu mối để xử lý hàng tồn kho tại cảng biển, tránh gây lãng phí cho doanh nghiệp và nguồn lực cho xã hội.

ton-kho-9812.jpg.jpg
Một lượng lớn container tồn đọng lâu ngày tại cảng biển chưa thể xử lý được do nhiều lý do chủ hãng từ chối nhận hàng hoặc không có thông tin liên lạc

Theo ông Nguyễn Quốc Vương - Giám đốc điều hành Cảng SP- ITC, hiện nay một lượng lớn container tồn đọng lâu ngày tại cảng biển chưa thể xử lý được do nhiều lý do chủ hãng từ chối nhận hàng hoặc không có thông tin liên lạc được với chủ hàng đã gây khó khăn cho cảng biển cũng như các đại lý hãng tàu vì không thể thu cước, phí lưu bãi.

Giao quyền cho đơn vị đầu mối

Bên cạnh đó, các lực lượng liên quan cũng gặp khó khăn trong việc đưa ra phương án xử lý trong việc kiểm định, kiểm đếm hàng hóa tồn đọng.

“Một số container đã hoàn tất thủ tục và tiến hành đấu giá, tuy nhiên, khách hàng đã từ chối mua do giá trị định giá hàng hóa quá cao nên vẫn chưa thể xử lý; thời gian xử lý hàng tồn đọng từ lúc đấu giá đến khi tiêu huỷ kéo dài, trong khi nhân sự bố trí phục vụ cho việc quản lý, giám sát, xử lý hàng tồn đọng còn hạn chế”, ông Vương nói.

Cũng theo ông Vương, nếu như chỉ xét một cảng nhỏ như Cảng SP- ITC thì hiện nay hàng tồn kho trên 90 ngày đã lên tới 700 container. Với số hàng này nhân với bình quân 500 USD/90 ngày thì số tiền thất thu mà cảng đang phải chịu lên tới 350.000 USD. Đây là một chi phí rất lớn đối với một cảng nhỏ như SP- ITC trong bối cảnh hiện nay.

“Rõ ràng đây là một sự lãng phí không đáng có đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải cảng biển. Chưa kể những hệ luỵ về ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn lực xã hội trong bối cảnh hiện nay là rất đáng lên án”, ông Vương nhấn mạnh.

Do đó, để giải quyết bào toán này, ông Vương cho rằng, cần có một buổi toạ đàm bao gồm đẩy đủ các cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Trong đó, phương án ưu tiên để giải quyết cần hướng tới một đơn vị đầu mối có trách nhiệm, như: cơ quan hải quan hoặc doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu để giao quyền thực hiện. Bởi, trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu đã làm đơn và cam kết bỏ tiền để xử lý nhưng không được sự đồng ý của cơ quan hải quan. Thậm chí, các doanh nghiệp đã cam kết mời các doanh nghiệp về môi trường để xử lý và đã được các hãng tàu đồng ý nhưng hải quan vẫn không chịu. Vì vậy, vấn đề chính để xử lý hàng tồn kho tại cảng biển vẫn là cơ quan hải quan.

Đồng quan điểm, ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA) cho rằng, nếu chỉ tính số container tồn đọng thuộc diện hàng trọng điểm hoặc vi phạm được khóa, lưu trữ tại cảng tại khu vực TPHCM đã lên tới hơn 6.000 container. Và chi phí bao gồm: cước, bến bãi, vỏ container nếu tính bình quân khoảng 8.000 USD. Trong đó, chi phí cước, bến bãi lên tới 5.000 USD/container và chi phí 1 vỏ container khoảng 3000 USD/container tương đương khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Và giao trách nhiệm

Theo ông Long, việc tồn đọng hàng hoá lâu ngày chiếm dụng kho bãi cảng, vỏ container của hãng tàu là nguyên nhân làm giảm hiệu quả khai thác và luân chuyển bến bãi. Chưa kể, diện tích chứa hàng tồn đọng ngày càng tăng trong khi diện tích kho bãi có hạn sẽ làm tăng áp lực khai thác cho cảng vào những thời điểm cao điểm, giảm khả năng cạnh tranh với các đơn vị khác, gây lãng phí rất lớn cho doanh nghiệp và nguồn lực cho xã hội, là vấn đề cần lưu ý.

Do đó, ông Long cho rằng nếu các cơ quan chức năng không thống nhất và không mạnh dạn giao quyền và giao trách nhiệm cho một đơn vị đầu mối hoặc doanh nghiệp cảng biển, một cách rõ ràng thì hàng nghìn tỷ đồng từ hàng tồn kho tại cảng sẽ là gánh nặng cho xã hội.

“Chi phí để xử lý hàng hoá tồn đọng rất tốn kém, trong khi nguồn kinh phí không được bố trí thường xuyên; thủ tục thanh quyết toán chưa được hướng dẫn rõ ràng, dẫn đến không có nguồn kinh phí để thực hiện xử lý hàng tồn đọng nên các bên liên quan đã dừng việc xử lý các lô hàng tồn đọng sau khi đã đăng thông báo, kiểm kê và phân loại hàng hóa. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm Chính phủ cần mạnh dạn giao quyền và giao trách nhiệm cho doanh nghiệp cảng biển để khơi thông lượng hàng tồn kho từ nhiều năm. Nếu không, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ vô tình là nơi chưa rác thải cho thế giới”, ông Long nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trước đó, trao đổi tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp về những bất cập về hàng tồn kho tại cảng biển, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đối với hàng tồn đọng tại các cảng, sau khi làm việc với các doanh nghiệp cảng, Cục Hàng hải Việt Nam đã tham mưu và Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để có hướng xử lý dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xử lý hàng tồn kho tại cảng biển - Bài 3: Phải giao cụ thể cho đơn vị đầu mối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO