Nghiên cứu - Trao đổi

Xử lý hàng tồn kho tại cảng biển: Vẫn khó đủ đường

Hương Giang 04/11/2024 00:05

Hàng nghìn container hàng hoá tồn đọng, đắp chiếu tại cảng biển đang gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và gây ô nhiễm môi trường.

cang 3
Số lượng hàng hóa container tồn đọng trên 90 ngày tại các khu vực cảng biển Việt Nam đã vượt quá 7.650 chiếc

Đáng chú ý, theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, số lượng hàng hóa container tồn đọng trên 90 ngày tại các khu vực cảng biển Việt Nam đã vượt quá 7.650 chiếc, tập trung chủ yếu ở các cảng biển lớn như: TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu.

Hàng nghìn container đắp chiếu

Nếu chỉ tính riêng tại khu vực cảng TPHCM, hàng hóa tồn đọng trên 90 ngày chủ yếu tập trung tại cảng Cát Lái với hơn 5.000 container.

Trong khi đó, lượng hàng tồn đọng trên 90 ngày tại hai cảng biển lớn là cảng Tân Cảng Cát Lái (TPHCM) và Tân Cảng Hải Phòng (Lạch Huyện, Hải Phòng) ước tính khoảng 6.700 Teu và có xu hướng tăng dần. Hàng hóa tồn đọng chủ yếu thuộc loại hình xuất – nhập khẩu, như tạm nhập, tái xuất, nhập máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, nhập kinh doanh. Mặt hàng tồn đọng bao gồm: Cao su, lốp cao su đã qua sử dụng; quần áo đã qua sử dụng; phế liệu; thiết bị điện đã qua sử dụng; hàng điện tử đã qua sử dụng, thực phẩm đông lạnh, máy móc, dây chuyền thiết bị...

Theo ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), mặc dù các quy định pháp luật hiện tại đã có quy định rõ về trình tự, thủ tục xử lý hàng hóa tồn đọng và hướng dẫn tài chính liên quan, như: tại Điều 58 Luật Hải quan về kiểm tra, giám sát hải quan, xử lý hàng hóa tồn đọng; Thông tư 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan… Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, tình trạng hàng hóa, phế liệu container tồn đọng tại cảng biển vẫn luôn tồn tại và chưa thể xử lý triệt để. Lượng hàng này tồn tại từ Bắc chí Nam và có xu hướng tăng dần qua các năm đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp cảng.

Về nguyên nhân, ông Long cho rằng, do quá trình xử lý container tồn đọng liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau, quy trình xử lý để bán đấu giá phải trải qua rất nhiều khâu, người vận chuyển yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy hàng hóa nhưng hãng tàu không thể liên lạc được với bên nhận hàng để lấy công văn từ chối nhận hàng, một số chủ hàng còn xem cảng biển là “bãi” để lưu giữ hàng hóa không có giá trị thương mại… Điều này đang đẩy trách nhiệm xử lý hàng hóa về phía doanh nghiệp cảng.

“Mặc dù quy trình xử lý hàng hóa tồn đọng được thiết kế chi tiết, bao gồm nguồn kinh phí thực hiện trong trường hợp hàng hóa cần xử lý tiêu hủy, tuy nhiên, trên thực tế, hàng hóa tồn đọng chỉ dễ xử lý nếu còn giá trị thương mại (khả năng thu hồi một tỷ lệ giá trị nhất định) cao hơn chi phí xử lý: Đối với hàng hóa cần phát sinh chi phí tiêu hủy, doanh nghiệp cảng phải chịu chi phí hoặc để kéo dài tình trạng tiếp tục gây phát sinh chi phí; Các trường hợp xử lý thành công, nguồn thu sau bán đấu giá được chuyển giao cho cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cảng tuy là đơn vị chính bị ảnh hưởng nhưng không được hỗ trợ gì sau quá trình bán đấu giá”, ông Long nêu.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Liên quan đến quy trình xử lý hàng hoá tồn đọng, ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, mặc dù Cục Hải quan TPHCM đã rất tích cực trong việc xử lý, tuy nhiên việc này không chỉ có cơ quan Hải quan mà liên quan đến nhiều đơn vị khác, quy trình xử lý, bán đấu giá... phải qua nhiều khâu.

“Có những lô hàng qua nhiều lần đấu giá vẫn chưa tìm được người mua, phải làm thủ tục hạ giá bán... mất nhiều thời gian xử lý. Vì vậy, hiện nay, cơ quan Hải quan gặp khó khăn về kho bãi lưu giữ tang vật, đặc biệt các lô hàng tồn đọng có số lượng lớn”, ông Nghiệp nói.

Cũng theo ông Nghiệp, việc xử lý hàng tồn đọng được Cục Hải quan TPHCM phối hợp xử lý định kỳ. Đối với hàng quá 90 ngày nhập khẩu về cảng, cơ quan Hải quan sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng tìm chủ sở hữu. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu, nếu chủ hàng hóa, người vận chuyển đến nhận hàng sẽ được giải quyết làm thủ tục hải quan và bị phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và phải chịu các chi phí phát sinh do việc chậm nhận hàng. Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo, nếu các tổ chức, cá nhân không đến làm thủ tục hải quan nhận hàng, cơ quan Hải quan sẽ xử lý hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.

“Để xử lý hàng tồn đọng hiệu quả, cần có sự phối hợp thực hiện của các hãng tàu. Bên cạnh đó, đại lý hãng tàu lưu ý nghiên cứu và thực hiện theo quy định tại Nghị định 169/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định việc lưu giữ và thực hiện giám định, xác định giá trị hàng hóa để bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam” - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xử lý hàng tồn kho tại cảng biển: Vẫn khó đủ đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO