Chẳng lẽ, người ta giúp nhau vô tư đến mức sẵn sàng đối diện với pháp luật và đi tù?
Trong tháng 7/2019 vụ án sửa điểm thi sẽ được đưa ra xét xử. Đáng lưu ý ở đây đó là theo Bản cáo trạng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hà Giang đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án sửa điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Khách quan mà nói, ngay từ đầu, sự việc đã được xử lý khá tốt. Song đến chặng cuối, cần sự quyết liệt nhất thì vụ việc chững lại, nhất là việc xử lý đối với các phụ huynh liên quan. Không gia đình của thí sinh nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điềm, ngoài ra lời khai của bị can Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.
Nếu không có dấu hiệu của việc “vụ lợi” ở đây, thì dư luận đặt câu hỏi rằng: Có cái quyền lợi hay lợi ích gì, mà cá nhân Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương lại dám đứng ra để trực tiếp sửa điểm, nâng điểm? Tổng cộng, Hoài và Lương đã nhận lời giúp nâng điểm với 107 thí sinh với tổng số bài thi được nâng là 309 bài thi.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 04/06/2019
11:00, 28/05/2019
05:00, 16/04/2019
11:00, 13/04/2019
05:33, 24/07/2018
Có cái gì mà những người làm giáo dục như bà Triệu Thị Chính – Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang đã “ngỏ ý” nhờ Hoài nâng điểm ở trước kỳ thi với bản danh sách 12 thí sinh để nâng điểm môn Ngữ văn? Có cái gì mà ông Phạm Văn Khuông – cũng là Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang có nhắc với Hoài “Anh chỉ lo con anh trượt tốt nghiệp, phải xem xét tất cả các môn thi cho con anh”? Rồi, có cái gì mà bà Lê Thị Dung - Phó đội trưởng Đội Giáo dục đào tạo, Y tế, Lao động xã hội thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hà Giang) lại tiến hành đề nghị sửa điểm cho nhiều thí sinh đến như thế?
Dư luận cũng đặt câu hỏi: Có cái mà cơ quan điều tra không làm rõ một manh mối quan trọng là mảnh giấy có tên “Lão phật gia”? Cụ thể, quá trình điều tra vụ án, Công an tỉnh Hà Giang có thu giữ được tại nhà ông Nguyễn Thanh Hoài một mẩu giấy khổ 10x9cm, trên giấy có ghi “P.T.H.Tr. (xin phép viết tắt tên thí sinh – PV), SBD: 070389; P: 17; HĐT Hùng An (Lão phật gia nhờ)”.
Nội dung này được hiểu là thí sinh H.Tr. có số báo danh, phòng thi như trên tại hội đồng thi Trường THPT Hùng An (tại huyện Bắc Quang, Hà Giang), người nhắn “nhờ vả” ông Hoài có biệt danh là “Lão phật gia”. Tuy nhiên, “Lão phật gia” là ai thì không được cơ quan công an làm rõ trong kết luận điều tra
Còn nhớ cách đây không lâu, (sáng 22/5), bên lề phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết thời hạn sau một tháng nữa sẽ có kết quả. Và tuyên bố hùng hồn “làm gì có vùng cấm” trong việc xử lý sai phạm... Thậm chí tôi còn muốn làm nhanh hơn anh”. Thế nhưng, thực tế cho thấy ngoài lời nói, tình hình còn có vẻ còn yên ắng hơn và có vẻ như sự việc đang có dấu hiệu “chìm xuồng” so với tốc độ xử lý sai phạm ở Sơn La.
Thực tế xử lý sai phạm kiểu như trên là minh chứng cho cái gọi là “viên đạn không có đầu” luôn tồn tại hiện hữu. Nói thẳng ra, bước đầu xử lý một sai phạm nào đó thấy rình rang, khí thế lắm, nhưng khâu cuối cùng quan trọng nhất là nghị án, luận tội thì chẳng truy ra được tội gì để xử, có chăng chỉ là có liên quan rồi “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Tất nhiên, trừ một số trường hợp dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì vụ án được rốt ráo thực thi.
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Dương Trung Quốc từng ví von rằng: “Việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả, kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu, mệnh lệnh ra quân rất dứt khoát và lại được nhân dân cổ vũ mạnh. Vậy mà khi lâm trận thì súng nổ rất to nhưng không sát thương được ai vì đạn không có đầu”.
Chẳng lẽ, người ta giúp nhau vô tư đến mức sẵn sàng đối diện với pháp luật và đi tù? Không! Bởi dân gian Việt Nam bao đời vẫn có câu “Bánh ít trao đi bánh dì trao lại”, “Ông đưa chân giò bà thò chai rượu”…, phản ánh những cách hành xử có đi có lại, sòng phẳng trong đời sống xã hội và “sự cố điểm thi” ở Hà Giang cũng vậy thôi.
Thế mới nói, đừng biến những điều thường tình, sự thật mười mươi thành điều kỳ lạ. Nếu vụ việc này bị bỏ qua, pháp luật sẽ bị khinh nhờn, người dân thất vọng, mất niềm tin.